ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 28-11-24 09:53:52
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Cuộc chiến dài hơi trước biến đổi khí hậu

Báo Cà Mau Cà Mau là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và biến đổi khí hậu (BÐKH). Ðặc biệt, trước tác động của BÐKH, thiên tai diễn ra ngày càng khốc liệt và khó lường. Vì vậy, phòng chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai là cuộc chiến dài hơi, bền bỉ và cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Thiên tai luôn là loại hình gây thiệt hại về tính mạng và tài sản trên địa bàn tỉnh nhiều hơn bất cứ loại hình nào. Ðiển hình như đợt thiệt hại do thiên tai lịch sử năm 2016, tỉnh phải gánh chịu hậu quả nặng nề do tác động của thiên tai, nhất là hạn hán và xâm nhập mặn, với tổng thiệt hại khoảng 1.427 tỷ đồng, 16 người chết, 15 người mất tích, 10 người bị thương.

Hay như năm 2020, tình hình thiên tai diễn biến hết sức phức tạp, với đợt hạn hán gay gắt hơn cả đợt hạn hán mùa khô 2015-2016, kéo theo tình hình sạt lở, sụt lún đất nghiêm trọng, theo đó có 6 người chết và thiệt hại về tài sản hơn 1.125 tỷ đồng.

Sạt lở bờ biển khu vực biển Tây vẫn đang diễn ra.

Sạt lở bờ biển khu vực biển Tây vẫn đang diễn ra.

Những năm còn lại, dù không quá nghiêm trọng nhưng thiên tai cũng gây ra thiệt hại hàng chục tỷ đồng mỗi năm và cả thiệt hại về người. Cụ thể, năm 2017 có 4 người chết, 15 người bị thương do thiên tai và thiệt hại về tài sản hơn 44,3 tỷ đồng. Năm 2018 có 5 người chết, 1 người bị thương do thiên tai; 39 thuyền viên mất tích trên biển và thiệt hại về tài sản trên 43,4 tỷ đồng. Năm 2019, thiên tai đã làm 4 người chết, 4 người bị thương và thiệt hại về tài sản khoảng 70,3 tỷ đồng. Năm 2022, thiên tai đã làm 1 người chết; 1 người bị thương và hơn 38 tỷ đồng về tài sản bị thiệt hại. Năm 2023, thiên tai đã làm 1 người chết, 1 người mất tích, 6 người bị thương và thiệt hại về tài sản hơn 52 tỷ đồng. Riêng năm 2024, từ đầu năm đến nay, thiên tai đã làm thiệt hại, hư hỏng 223 căn nhà; sạt lở 107 vị trí ven sông... thiệt hại về tài sản ước tính hơn 44 tỷ đồng.

Về tác động của thiên tai và công tác ứng phó, ông Phan Hoàng Vũ, Phó trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: "Diễn biến của thiên tai rất khó lường, khi xảy ra thì hậu quả để lại rất lớn. Do đó, để giảm thiểu thiệt hại cũng như nhanh chóng khắc phục hậu quả, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Phải đặt công tác phòng chống thiên tai (PCTT) là nhiệm vụ quan trọng. Công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai là trách nhiệm và nghĩa vụ của toàn dân, toàn xã hội".

Gió mạnh trên biển, mưa lớn, triều cường, ngập lụt, dông lốc, sạt lở đất ven sông, ven biển là những loại hình thiên tai đã và đang có khả năng xuất hiện cao, sức ảnh hưởng lớn trên địa bàn tỉnh. Ðể chủ động ứng phó, kịp thời khắc phục, hiện nay 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã xây dựng và củng cố đội xung kích PCTT với hơn 5 ngàn thành viên và được trang bị gần 23 ngàn trang thiết bị, sẵn sàng được huy động để hỗ trợ người dân trước, trong và sau thiên tai.

Thực tế, đối với công tác PCTT trên địa bàn tỉnh, có thể chia thành hai vùng là đất liền và biển, đảo. Khu vực đất liền, nơi có khả năng chịu tác động của các loại hình thiên tai như: bão, áp thấp nhiệt đới, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vùng ngọt hoá, mưa lớn, dông, lốc, sét, triều cường, sạt lở, sụt lún đất... giải pháp thích ứng là chủ động sống chung với hạn hán, xâm nhập mặn, thích ứng, khai thác lợi thế để phát triển bền vững. Song song đó, cần quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác nước ngầm, xây dựng công trình, nhà ở ven sông, kênh, rạch, ven biển.

Nhiều hộ dân ven biển khu vực xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời hằng ngày mưu sinh dựa vào nguồn lợi ven bờ với phương tiện nhỏ, nguy cơ thiệt hại cao khi xảy ra thiên tai.

Nhiều hộ dân ven biển khu vực xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời hằng ngày mưu sinh dựa vào nguồn lợi ven bờ với phương tiện nhỏ, nguy cơ thiệt hại cao khi xảy ra thiên tai.

Ông Vũ cho biết: "Tỉnh đã và đang tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư, từng bước di dời, sắp xếp lại các hộ dân sinh sống trong vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất. Từng bước xây dựng hoàn thiện, hiện đại hoá hệ thống thuỷ lợi, phục vụ chuyển đổi, phát triển nông nghiệp bền vững. Ðầu tư, hoàn thiện hệ thống đê biển đảm bảo an toàn chống bão, ngăn triều. Xây dựng công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, chú trọng ứng dụng khoa học - công nghệ, vật liệu mới, các giải pháp thân thiện với môi trường".

Ðối với khu vực trên biển và hải đảo, việc quản lý tàu thuyền, các hoạt động kinh tế trên biển đang được tăng cường, nhằm chủ động phòng, tránh bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh trên biển, đảm bảo an toàn cho người, tàu cá, lồng bè nuôi thuỷ sản, công trình năng lượng tái tạo và hoạt động du lịch trên biển, đảo và công trình an ninh, quốc phòng. Ðồng thời, tiếp tục đầu tư nâng cấp, xây dựng các khu neo đậu tàu thuyền trú, tránh bão kết hợp dịch vụ hậu cần nghề cá và các cơ sở hạ tầng phục vụ PCTT và tìm kiếm cứu nạn trên các đảo.

Nâng cao năng lực cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn trên biển theo hướng chuyên nghiệp, có đủ phương tiện, trang thiết bị để xử lý hiệu quả các tình huống khẩn cấp; phát huy tốt vai trò lực lượng dân quân biển, các tổ, đội khai thác thuỷ sản trên biển theo phương châm “4 tại chỗ”. Tăng cường thông tin, phối hợp với các lực lượng trên biển như: Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực III...

Xây dựng cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai không chỉ nhằm thích ứng với BÐKH, giảm thiểu tổn thất về người và tài sản, mà còn là điều kiện để phát triển bền vững kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.


Xác định PCTT là cuộc chiến dài hơi, bền bỉ và không ngơi nghỉ, tỉnh đã xây dựng và ban hành Kế hoạch số 74/KH-UBND về thực hiện Chương trình tổng thể PCTT quốc gia trên địa bàn tỉnh Cà Mau đến năm 2045. Theo đó, mục tiêu đề ra là giảm thiểu tổn thất về người, tài sản của Nhân dân và Nhà nước; từng bước xây dựng cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai, tạo điều kiện phát triển bền vững kinh tế - xã hội, chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai sau năm 2030 và chủ động phòng ngừa sau năm 2045.

Một trong những mục tiêu quan trọng là đến năm 2030 nâng cao nhận thức về rủi ro thiên tai và kỹ năng PCTT của các cấp chính quyền, tổ chức, cá nhân, nhất là người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Phấn đấu 100% cơ quan hành chính các cấp, tổ chức và hộ gia đình vùng ảnh hưởng thường xuyên của thiên tai được tiếp nhận đầy đủ thông tin, tài liệu về thiên tai và rủi ro thiên tai, hiểu biết kỹ năng phòng tránh thiên tai. Ðặc biệt, 100% tổ chức, hộ gia đình đảm bảo các yêu cầu PCTT theo phương châm “4 tại chỗ”.


 

Nguyễn Phú

 

Ô thuỷ lợi - Giải pháp cấp thiết

Cà Mau là địa phương chịu tác động nặng nề của các loại hình thiên tai, lại không có nước ngọt bổ sung từ thượng nguồn... Từ đó, các vùng sản xuất trong tỉnh đã và đang tiếp tục phải đối diện với nhiều thách thức. Ðầu tư hạ tầng để chia nhỏ ô thuỷ lợi theo địa hình của từng khu vực được xem là giải pháp cấp bách hiện nay.

Ðề phòng nước dâng những tháng cuối năm

Hiện nay, đang bước vào mùa cao điểm của triều cường, những hộ sinh sống ven biển trên địa bàn huyện Ngọc Hiển đứng ngồi không yên, lo sợ nước dâng cao bất thường làm bể bờ vuông nuôi thuỷ sản, nhà cửa ven sông bị ngập sâu trong nước.

Ðồng tâm hiệp lực phòng, chống sạt lở

Khi nào Cà Mau khắc phục được tình trạng sạt lở ven biển, ven sông? Ðây là câu hỏi hiện nay gần như chưa ai có câu trả lời chính xác. Bởi tình trạng sạt lở luôn diễn biến khó lường, trong khi hạ tầng thuỷ lợi chưa được đầu tư hoàn thiện, nguồn lực lại đang khó khăn...

Nhiều hạn chế cần khắc phục trong phòng, chống thiên tai

Vừa qua, trưởng các khu vực đã tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại địa bàn được phân công phụ trách trong toàn tỉnh. Trên cơ sở kiểm tra thực tế, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT,TKCN&PTDS) tỉnh, đánh giá, công tác tổng kết PCTT&TKCN năm 2023 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2024 đã được các địa phương thực hiện đầy đủ, kịp thời.

An toàn của người dân là trên hết

Ðể kịp thời ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như thích nghi với triều cường biến động, xã Khánh Hội, huyện U Minh chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống thiên tai (PCTT), tìm kiếm cứu nạn (TKCN). Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân, nhất là ngư dân trong việc chủ động phòng chống, nhằm giảm thiểu thiệt hại, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản.

Sẵn sàng hỗ trợ người dân

Mưa lớn, triều cường, ngập lụt, dông lốc, sạt lở đất, xâm nhập mặn... là những loại hình thiên tai được dự báo sẽ có nguy cơ diễn ra từ nay đến cuối năm và sẽ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, nhất là sản xuất của người dân. Trước dự báo này, người dân cần chủ động bảo vệ sản xuất, tài sản.

Vất vả nghề bám biển

Vất vả và luôn phải đối diện với hiểm nguy, nhưng đó chưa phải là tất cả những gì mà ngư dân phải đối mặt trong hành trình mưu sinh trên biển. Quá trình lao động nơi đầu sóng của những ngư dân, đôi lúc phải đánh đổi bằng cả tính mạng, nhất là đối với các phương tiện nhỏ.

Sẵn sàng nhân lực, vật lực ứng phó thiên tai

Theo nhận định của Ðài Khí tượng thuỷ văn tỉnh Cà Mau, từ nay đến cuối năm 2024 còn khoảng 4-5 cơn bão, áp thấp nhiệt đới (ATNÐ) trên biển Ðông, trong đó khoảng 2-3 cơn đổ bộ vào đất liền, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và các tỉnh phía Nam. Trên địa bàn tỉnh có khả năng xuất hiện nhiều loại hình thiên tai khác như: gió mạnh trên biển, mưa lớn, triều cường, ngập lụt, dông lốc, sạt lở đất ven sông, ven biển.

Chủ động ứng phó thiên tai trên biển

Công tác phòng chống thiên tai (PCTT) trên biển đang được sự quan tâm đặc biệt, khi thời tiết biến đổi liên tục và thất thường. Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT,TKCN&PTDS) tỉnh, có buổi trò chuyện cùng phóng viên Báo Cà Mau về nhiều phương án phòng chống thiên tai và hỗ trợ ngư dân trên biển trong tình hình biến đổi khí hậu (BÐKH).

Bảo vệ nhà ở và sản xuất trước thiên tai

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Phú Tân, mưa dông, lốc xoáy làm sập, tốc mái 24 căn nhà (sập hoàn toàn 5 căn, tốc mái 19 căn); chìm 3 tàu cá, hư hỏng 2 cụm pa nô, tổng thiệt hại trên 1 tỷ đồng.