Khu vực cửa biển Bồ Đề, đoạn từ ấp Bỏ Hủ (xã Tam Giang) đến giáp ranh xã Tân Ân (Cà Mau), là tuyến đường thuỷ huyết mạch phục vụ ngư dân ra khơi, vận chuyển hàng hoá. Tuy nhiên, dọc tuyến này đang dày đặc vật cản như nò, đăng, bè nuôi hàu… tiềm ẩn nguy cơ tai nạn và ảnh hưởng sinh kế cộng đồng.
- Ðồng quản lý, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản
- Tuân thủ quy định vì nguồn lợi thuỷ sản dài lâu
- Cùng ngư dân bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản
Ghi nhận thực tế cho thấy, lưới đăng bắt cá kèo con giăng dày đặc suốt hàng trăm mét sông, nhiều đoạn gần như bị bịt kín, ghe nhỏ khó len lỏi, tàu lớn càng không thể qua. Không chỉ gây mất an toàn giao thông, những hàng đăng, miệng nò còn là “lưới tử thần” đối với nguồn lợi thuỷ sản. Theo người dân, mỗi miệng nò dài 5-8 m, cao hơn 5 m, đan lưới mành và chôn sâu dưới lòng sông, khiến tôm cá lớn nhỏ lọt vào là khó thoát.
Những hàng đăng bắt cá kèo non được người dân bó lưới mành lớn thành cuộn tròn, bên trong nhét xốp làm phao nổi. Các miệng lưới không cần cọc cố định, chỉ dùng dây kết nối thả ngầm dưới nước, dễ dàng di chuyển để chặn, bắt cá kèo con.
Ông N.V. L, một hộ dân sinh sống ven sông ở ấp Bỏ Hủ, chia sẻ: “Tình trạng này diễn ra đã lâu. Chính quyền cũng có xuống tháo gỡ, lập biên bản nhiều lần, nhưng rồi đâu lại vào đấy. Những người đặt nò chỉ nghĩ đến lợi trước mắt, chớ có nghĩ gì tới cái hại lâu dài cho bà con ngư dân khác. Cá non, tôm giống, cái gì cũng gom sạch thì lấy gì để đánh bắt về sau?”.
Câu hỏi của người dân cũng là lời nhắc nhở dành cho chính quyền, ngành chức năng: Vì sao nguồn lợi thuỷ sản ngày càng cạn kiệt? Câu trả lời không quá khó, nếu nhìn từ những hàng nò, lưới đăng đang bủa vây lòng sông, chặn lối sinh tồn của tôm cá theo từng con nước.
Dù đã nhiều lần ra quân xử lý, nhưng trong lòng sông khu vực xã Tam Giang và Tân Ân vẫn còn tồn tại các hàng đáy và miệng nò lớn, được đan bằng lưới mành, dài từ 5-8 m, chôn sâu dưới đáy, khiến thuỷ sản mắc vào hầu như không thể thoát ra.
Thực tế cho thấy, công tác quản lý và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản ở Cà Mau thời gian qua đã có nhiều chuyển biến. Năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã có công văn chỉ đạo UBND các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ thuỷ sản. Đồng thời, yêu cầu các địa phương siết chặt quản lý hoạt động khai thác giống tự nhiên ở cửa sông, ven biển và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.
Đặc biệt, Kế hoạch số 132/KH-UBND ngày 3/6/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau về thực hiện “Năm tăng cường hiệu quả đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản” đang được triển khai sâu rộng. Kế hoạch nhấn mạnh vai trò giám sát cộng đồng, đề cao trách nhiệm của người dân trong việc cùng chính quyền gìn giữ và phát triển nguồn lợi chung.
Thế nhưng, giữa chỉ đạo và thực tiễn vẫn tồn tại một khoảng cách. Việc xử lý chưa triệt để, chế tài chưa đủ răn đe, và ý thức bảo vệ môi trường sinh thái còn kém khiến nhiều người tiếp tục bất chấp tái diễn hành vi vi phạm. Trong khi đó, những người dân sống bằng nghề truyền thống chân chính lại càng thêm chật vật vì nguồn lợi ngày một suy giảm.
Hàng loạt nò, đăng giăng kín đường ra cửa biển Bồ Đề, một thực trạng kéo dài, góp phần làm cạn kiệt thủy sản tự nhiên và đe doạ an toàn đường thuỷ.
Chị N.T.T, ấp Bỏ Hủ, chia sẻ đầy trăn trở: “Mỗi chuyến đi biển tốn tiền dầu, công người mà trúng chẳng được bao nhiêu. Cá nhỏ thì bị người ta đánh bắt hết bằng nò đăng, giờ muốn cào cũng không còn”.
Vấn đề đặt ra là, bên cạnh tăng cường kiểm tra, giám sát và xử phạt, thì giải pháp bền vững là phải thay đổi nhận thức cộng đồng, nâng cao tinh thần đồng quản lý, cùng nhau bảo vệ tài nguyên chung như chính sinh kế của mình. Không ai khác, người dân phải là “người gác cửa” đầu tiên cho chính vùng sông nước quê hương mình.
Hiện nay, các hàng đáy đóng trong lòng sông vẫn là một trong những vấn nạn gây cạn kiệt nguồn lợi thuỷ sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế lâu dài của ngư dân.
Đồng thời, cần nghiên cứu thiết lập các vùng cấm khai thác mùa vụ, khoanh vùng sinh sản tự nhiên để bảo vệ cá non, tôm giống, những yếu tố nền tảng duy trì sinh thái và nghề biển lâu dài. Mặt khác, cần nhân rộng các mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững, ít phụ thuộc vào khai thác giống tự nhiên, từ đó giảm dần áp lực lên nguồn lợi tự nhiên vốn đang kiệt quệ.
Cũng cần nhấn mạnh vai trò then chốt của cấp xã trong công tác quản lý. Khi lực lượng chuyên môn của tỉnh không thể thường xuyên túc trực tại cơ sở, thì chính cán bộ địa phương, các tổ tự quản cộng đồng, hội đoàn thể mới là “tai mắt” sát dân, gần dân, kịp thời phát hiện và ngăn chặn vi phạm. Nếu không hành động quyết liệt từ hôm nay, mai sau, những con nước trù phú sẽ chỉ còn là ký ức.
Vũ Trân