Du lịch Cà Mau và Bạc Liêu có nhiều nét tương đồng. Cả 2 địa phương đều sở hữu hệ sinh thái đặc trưng của vùng hạ lưu sông Mê Kông, với rừng ngập mặn và đường bờ biển dài; cùng bản sắc văn hoá Nam Bộ và có sự giao thoa giữa 3 dân tộc Kinh - Hoa - Khmer, tạo nên kho tàng di sản văn hoá đa dạng. Ðây là điều kiện thuận lợi để tỉnh Cà Mau (mới) trong tương lai sẽ có vùng du lịch liên hoàn từ đất liền ra biển, từ sinh thái rừng đến văn hoá đô thị, giúp hình thành các tuyến, điểm du lịch đa dạng, giàu trải nghiệm.
- Du lịch Cà Mau cần tăng cường liên kết, đẩy nhanh chuyển đổi số
- Phát triển du lịch thích ứng biến đổi khí hậu
- Sôi động du lịch hè
Thời gian qua, du lịch Cà Mau đã có những chuyển biến tích cực, khẳng định được vị thế là điểm đến hấp dẫn tại cực Nam Tổ quốc. Tỉnh đã tập trung đầu tư hạ tầng du lịch, thu hút các doanh nghiệp, phát triển sản phẩm gắn với tài nguyên bản địa như: du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch văn hoá, mang đến trải nghiệm độc đáo cho du khách.
Cà Mau - Bạc Liêu có nhiều nét tương đồng về hệ sinh thái rừng - biển, là điều kiện thuận lợi để ngành du lịch phát triển liên hoàn từ đất liền ra biển. (Ảnh: Cột cờ Hà Nội tại Khu Du lịch Ðất Mũi - Cà Mau).
Nhiều chuyên gia nghiên cứu về đồng bằng sông Cửu Long và các hãng lữ hành có chung cảm nhận rằng, Bạc Liêu và Cà Mau đều là những mảnh đất giàu sức hút. Thời tiết ấm áp, khí hậu ôn hoà cũng giúp 2 địa phương có thể làm du lịch gần như quanh năm. Thạc sĩ Phan Ðình Huê, Giám đốc Công ty Du lịch Vòng Tròn Việt (TP Hồ Chí Minh), chuyên gia tư vấn du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhận định: “Trong cách khai thác du lịch văn hoá, Bạc Liêu in đậm vào lòng du khách với bài “Dạ cổ hoài lang” đã chạm đến trái tim biết bao người mộ điệu, là một trong những cái nôi của nghệ thuật Ðờn ca tài tử Nam Bộ. Giai thoại về Công tử Bạc Liêu với sự hào sảng, nghĩa tình đã trở thành nét tiêu biểu về tính cách của người miền Tây. Trong khi đó, Cà Mau có nhiều điểm du lịch gắn với các nhân vật lịch sử, các anh hùng dân tộc. Từ những điểm tương đồng và khác biệt, Bạc Liêu hợp nhất với Cà Mau sẽ là một trong những tỉnh có thế mạnh lớn về phát triển du lịch của khu vực phía Nam”.
Tái hiện không gian miền quê gắn với ẩm thực dân dã tại Khu Du lịch Hương Tràm, Cà Mau. Ảnh: HUỲNH LÂM
Với góc nhìn của nhà quản lý, ông Tiêu Minh Tiên, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, cho biết: “Từ những nét khá tương đồng của 2 tỉnh về điều kiện tự nhiên, bản sắc văn hoá, cũng như tiềm năng và định hướng phát triển, đây là điều kiện và là cơ hội để sau khi hợp nhất 2 tỉnh sẽ tạo thành sức mạnh cho du lịch tỉnh Cà Mau (mới) phát triển. Bên cạnh đó, ngành du lịch có lợi thế về hệ thống cơ sở lưu trú, đội ngũ làm du lịch; cơ chế hỗ trợ từ Nhà nước sẽ được đồng bộ hơn. Ðiều này giúp tỉnh thu hút các nhà đầu tư chiến lược, xây dựng thương hiệu du lịch của tỉnh mạnh hơn”.
Biển tắm nhân tạo của Khu Du lịch Nhà Mát (tỉnh Bạc Liêu), một trong những điểm du lịch tiêu biểu, thường xuyên thu hút đông du khách.
Cũng theo ông Tiên, trong tương lai gần, để Cà Mau trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút khách du lịch, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tập trung phát triển các sản phẩm đặc thù: du lịch cực Nam Tổ quốc, du lịch cộng đồng Ðất Mũi, du lịch sinh thái - lúa tôm - cộng đồng; kết hợp du lịch văn hoá, tâm linh Bạc Liêu. Ðẩy mạnh truyền thông, quảng bá du lịch trên nền tảng số, tạo bộ nhận diện thương hiệu du lịch thống nhất. Hình thành các tuyến liên kết vùng, đặc biệt là tuyến “ven biển Tây” nối An Giang - Cà Mau - Cần Thơ. Ðặc biệt, thu hút đầu tư có trọng điểm vào các khu du lịch lớn: Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau, các khu du lịch nghỉ dưỡng ven biển Sông Ðốc - hòn Ðá Bạc - Nhà Mát. Ðồng thời, nâng cao năng lực nhân lực ngành du lịch, cải thiện chất lượng dịch vụ tại các điểm đến.
Du khách tham quan, tìm hiểu về Khu lưu niệm nghệ thuật Ðờn ca tài tử Nam Bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu (Bạc Liêu).
Với điều kiện tự nhiên trù phú, cùng bản sắc văn hoá đa dạng đã tạo cho Bạc Liêu và Cà Mau nhiều tài nguyên độc đáo để làm du lịch. Giờ đây, khi về chung một nhà, những sắc màu chung và nhiều lợi thế riêng biệt sẽ được hoà quyện, biến tấu để mở ra những cung đường khám phá mới, đưa vùng đất cuối trời Nam Tổ quốc trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế./.
Quỳnh Anh - Hữu Thọ