Bệnh lao trước đây được coi là một trong những tứ chứng nan y, nhưng vào ngày 24/3/1882, Rober Koch, bác sĩ người Ðức đã tìm ra trực khuẩn gây bệnh lao ở người, mở đầu cho cuộc chiến chống lại căn bệnh đã một thời gây nên đại dịch cho nhân loại. Trải qua hơn thế kỷ, hiện nay thế giới vẫn đang phải tiếp tục cuộc chiến chống lao đầy khó khăn.
Bệnh lao trước đây được coi là một trong những tứ chứng nan y, nhưng vào ngày 24/3/1882, Rober Koch, bác sĩ người Ðức đã tìm ra trực khuẩn gây bệnh lao ở người, mở đầu cho cuộc chiến chống lại căn bệnh đã một thời gây nên đại dịch cho nhân loại. Trải qua hơn thế kỷ, hiện nay thế giới vẫn đang phải tiếp tục cuộc chiến chống lao đầy khó khăn.
Hiện nay, 40% dân số Việt Nam nhiễm lao, có 10% trong số đó mắc bệnh trong năm, mỗi năm có khoảng 180.000 người mắc bệnh lao, trong đó hơn 5% bệnh nhân lao đồng nhiễm HIV, gần 6.000 bệnh nhân lao kháng đa thuốc và trên 20.000 người chết do lao. Mắc chủ yếu ở độ tuổi lao động từ 20-50, người bệnh lao mỗi năm lây cho 10 người khác, trong đó 1 người sẽ trở thành bệnh nhân lao. HIV làm cho bệnh lao tăng lên và khó khăn trong điều trị chẩn đoán, lao là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở người nhiễm HIV, đồng thời tỷ lệ lao kháng đa thuốc hiện nay đang có chiều hướng gia tăng.
![]() |
Cán bộ chuyên môn tư vấn cho bệnh nhân lao. |
Thời gian qua, công tác hoạt động phòng, chống lao còn gặp nhiều khó khăn và thử thách, mặc dù vậy, công tác phòng chống lao được các cấp lãnh đạo, chính quyền địa phương quan tâm và được hỗ trợ kinh phí từ Chương trình Mục tiêu y tế quốc gia. Hoạt động truyền thông giáo dục được duy trì thường xuyên và triển khai với nhiều hình thức khác nhau nên sự hiểu biết của người dân về bệnh lao đã có nhiều chuyển biến rõ rệt.
Bác sĩ Nguyễn Văn Yên, Trưởng Khoa Các bệnh xã hội Trung tâm Y tế huyện U Minh, chia sẻ: "Số người nghi mắc lao đã chủ động tìm đến cơ sở y tế để khám và làm xét nghiệm ngày một tăng. Trong 4 tháng đầu năm 2016 có gần 140 trường hợp tự nguyện đến trung tâm để thử đàm, trong đó 20 trường hợp đã và đang điều trị, 11 trường hợp lần đầu xét nghiệm có vi trùng lao.
Ðể đạt được kết quả trên chính là nhờ sự chỉ đạo kỳ quyết của Ban Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, sự hỗ trợ của Chương trình Dự án Chủ động sàng lọc lao trong cộng đồng, (ACT3). Tuy nhiên, những năm qua công tác phát hiện nguồn lây còn gặp khó khăn bởi nhiều lý do: sự hiểu biết của người dân về bệnh lao và cách phòng tránh còn hạn chế, xã hội phần nào vẫn còn kỳ thị với bệnh nhân lao, dẫn đến người bị bệnh thường giấu bệnh; nhân lực tại khoa chưa đáp ứng nhu cầu cho công tác hiện nay.
Bệnh lao là bệnh nhiễm khuẩn có thể chữa khỏi được, nếu như bệnh nhân thực hiện đúng quy trình điều trị, nhưng trên thực tế tỷ lệ bệnh nhân mắc lao đang có xu hướng gia tăng, điều này làm cho công tác phòng, chống bệnh lao còn gặp khó khăn. Bệnh lao được chẩn đoán xác định qua xét nghiệm đàm, nhưng do phát hiện muộn, điều trị không đúng nguyên tắc, cùng với ý thức của người dân chưa cao, dẫn đến lao mới, lao phổi tái phát, lao kháng thuốc…, đây là những thể lao có thể dẫn đến tử vong cao so với các thể lao khác. Tỷ lệ lao phổi cao, lao tái phát, lao kháng thuốc có thể gây nên các biến chứng nặng nề như ho ra máu, tràn khí màng phổi... Bệnh nhân không những là gánh nặng cho gia đình mà còn là nguồn lây lan đáng lo ngại cho cộng đồng. Khi bị nhiễm lao phổi tái phát, lao kháng thuốc, bệnh nhân phải chịu đựng những tổn thương của lần mắc lao trước, các tổn thương này làm biến đổi cấu trúc của phổi dẫn tới bệnh nhân có những biểu hiện đau tức ngực, khó thở, lồng ngực lép...
Các biện pháp phòng, chống: Ðể phòng, chống bệnh lao có hiệu quả, ngay tháng đầu sau sinh, tất cả trẻ đều phải tiêm phòng vắc-xin BCG nhằm giúp ngăn ngừa các bệnh lao cấp tính. Mọi người khi ho kéo dài hơn 2 tuần cần đi khám, xét nghiệm đàm, chụp X-quang phổi để phát hiện bệnh lao. Ðặc biệt, khi bị bệnh lao phải điều trị càng sớm càng tốt, tránh lây lan cho những người trong gia đình và người xung quanh.
Bên cạnh đó, bệnh nhân lao không được khạc nhổ bừa bãi, tốt nhất đeo khẩu trang liên tục trong 2 tháng đầu điều trị. Cần phơi chăn, chiếu, vật dụng của bệnh nhân lao ra nắng mỗi ngày, nhà cửa cần thoáng mát, sạch sẽ. Ðối với những người bị tiểu đường, suy dinh dưỡng, người có HIV... rất dễ bị bệnh lao, do đó, phải thường xuyên khám sức khoẻ định kỳ để phát hiện sớm bệnh lao. Ðồng thời, cần có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, thường xuyên luyện tập thể dục để tăng cường sức khoẻ, phòng tránh bệnh tật. Cộng đồng cần có quan niệm đúng về bệnh lao, không nên mặc cảm hoặc kỳ thị người mắc bệnh lao để chương trình phòng, chống lao ngày càng hiệu quả, tiến tới mục tiêu Việt Nam không còn bệnh lao vào năm 2030./.
Bài và ảnh: Nguyễn Thanh Hiếu, TTYT huyện U Minh