Bắt đầu từ năm học 2013-2014, Bộ GD&ĐT triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục THPT. Theo đó, nội dung phòng, chống tham nhũng được lồng ghép tích hợp vào môn Giáo dục công dân, với thời lượng 6 tiết, được phân bổ trong 3 năm học.
Bắt đầu từ năm học 2013-2014, Bộ GD&ĐT triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục THPT. Theo đó, nội dung phòng, chống tham nhũng được lồng ghép tích hợp vào môn Giáo dục công dân, với thời lượng 6 tiết, được phân bổ trong 3 năm học.
Nhà giáo ưu tú Hoàng Văn Sum, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thới Bình, nhận định, đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy trong trường THPT là hết sức cần thiết. Nó có ý nghĩa to lớn, nhằm trang bị những kiến thức và nâng cao nhận thức cho học sinh THPT về mục đích, yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xây dựng được thái độ, ý thức đấu tranh, bài trừ tệ nạn tham nhũng trong xã hội.
Học sinh bậc THPT ngày càng quan tâm về kiến thức pháp luật. Ảnh: B.THANH |
Thầy Dương Văn Tấn, giáo viên giảng dạy môn Giáo dục công dân, Trường THPT Thới Bình, cho biết, nội dung giáo dục phòng, chống tham nhũng được đưa vào dạy học trong các trường THPT bao hàm nhiều kiến thức xã hội rộng và kiến thức về pháp luật. Theo đó, tập trung vào các vấn đề: Khái niệm tham nhũng; những biểu hiện của tham nhũng; nguyên nhân, tác hại của tham nhũng đối với Nhà nước và xã hội; thái độ ứng xử của học sinh đối với hành vi tham nhũng. Đây là những vấn đề mới và khó, đòi hỏi giáo viên giảng dạy môn Giáo dục công dân không chỉ nắm vững chuyên môn, sử dụng phương pháp sư phạm hợp lý mà còn phải đầu tư nghiên cứu về pháp luật, xã hội và quan trọng phải biết tích hợp những kiến thức về phòng, chống tham nhũng vào bài dạy sao cho sinh động để học sinh có thể tiếp thu bài giảng một cách hứng thú, nhẹ nhàng nhất.
Theo đó, trong những tiết dạy, thầy Tấn luôn tích hợp kiến thức phòng, chống tham nhũng vào bài dạy hợp lý, cùng với sự ứng dụng các phương tiện hỗ trợ khác nên tiết học không khô khan, học sinh hào hứng trình bày quan điểm, thái độ của mình về vấn đề nêu ra. Thầy Tấn chia sẻ: "Giảng dạy nội dung phòng, chống tham nhũng không quá phụ thuộc vào kiến thức trong sách giáo khoa. Do đó, trong quá trình giảng dạy, tôi thường đưa ra những tình huống, những video, clip... liên quan đến tham nhũng yêu cầu học sinh trình bày những suy nghĩ, hiểu biết, cách xử lý của mình về vấn đề được nêu ra. Với hình thức này, học sinh được trực tiếp tham gia vào bài giảng với vai trò chủ động nhất. Theo đó, kiến thức về phòng chống tham nhũng đến với học sinh một cách nhanh chóng, dễ dàng, hiệu quả".
Em Bùi Kim Trang, học sinh lớp 12C3, Trường THPT Thới Bình, chia sẻ: "Kiến thức về phòng, chống tham nhũng khá mới mẻ và rất rộng lớn và khó tiếp nhận. Nhưng em và các bạn không cảm thấy khô khan, khó hiểu vì hình thức giảng dạy rất hấp dẫn. Các thầy cô thường đưa ra những tình huống cụ thể xoay quanh cuộc sống hằng ngày để học sinh suy nghĩ, trình bày quan điểm, thái độ về vấn đề. Từ đó, mỗi người biết cách sống, ứng xử đúng với pháp luật, chuẩn mực đạo đức; đồng thời có ý thức phê phán, đấu tranh với tham nhũng...”.
Thầy Tấn khẳng định, đưa kiến thức phòng chống tham nhũng vào giảng dạy bước đầu mang lại hiệu ứng tích cực, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc ngăn chặn, đấu tranh với nạn tham nhũng trong cán bộ, giáo viên và học sinh. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là mặc dù được tích hợp vào môn Giáo dục công dân nhưng dung lượng bài học của bộ môn này lại không được giảm tải. Do đó, giáo viên cần linh hoạt trong việc cân đối thời gian, kiến thức trong từng tiết dạy làm sao vừa đảm bảo chuẩn kiến thức bộ môn, vừa truyền tải được kiến thức phòng, chống tham nhũng đến học sinh.
Theo thầy Sum, để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác giảng dạy nội dung này, các giáo viên cần tăng tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong giảng dạy, không nên quá bám sát, phụ thuộc vào nội dung sách giáo khoa. Đồng thời, Sở GD&ĐT cần tiếp tục tập huấn cho cán bộ, giáo viên đang trực tiếp giảng dạy bộ môn Giáo dục công dân. Bên cạnh đó, tăng cường các buổi sinh hoạt chuyên đề về pháp luật, lồng ghép nội dung phòng, chống tham nhũng trong các cuộc thi, hội diễn văn nghệ của trường...
Ðức Hiếu