Từ ngày thành lập đến nay, dù trong đấu tranh giành độc lập dân tộc hay trong hòa bình thì Ðảng, Nhà nước ta vẫn luôn quan tâm đặc biệt đến trẻ em, xem đây là trách nhiệm đối với tương lai của giống nòi.
Từ ngày thành lập đến nay, dù trong đấu tranh giành độc lập dân tộc hay trong hoà bình thì Ðảng, Nhà nước ta vẫn luôn quan tâm đặc biệt đến trẻ em, xem đây là trách nhiệm đối với tương lai của giống nòi. Vì theo Bác Hồ, hôm nay trẻ có được chăm sóc, giáo dục tốt thì tương lai trẻ mới trở thành người công dân tốt, người cán bộ cách mạng tốt, đất nước mới giữ vững được nền độc lập, dân tộc mới được trường tồn. Và chăm sóc giáo dục trẻ không chỉ là trách nhiệm của một cá nhân, một gia đình, hay một cơ quan nào, mà là trách nhiệm của toàn Ðảng, toàn dân.
Một số văn kiện của Ðảng và Nhà nước cùng Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có hiệu lực đã tác động tích cực đến nhiều tầng lớp trong xã hội, trong đó có sự thay đổi căn bản về quan niệm nuôi dạy con cái của từng gia đình và sự quan tâm của toàn xã hội đối với trẻ em. Nhiều gia đình, nhiều địa phương tuy kinh tế còn khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn vẫn tạo mọi điều kiện tốt nhất để trẻ được đến trường. Nạn trẻ em thất học đã cơ bản được khắc phục.
Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế, môi trường và tập quán sống nên sự quan tâm, nuôi dạy, chăm sóc trẻ em ở từng gia đình, từng vùng, miền, địa phương khác nhau cũng có sự khác biệt. Theo đó, vẫn còn một bộ phận trẻ em chưa được sự quan tâm, chăm lo chu đáo từ trong gia đình đến xã hội. Tình trạng trẻ em bị suy dinh dưỡng, trẻ em bỏ học, trẻ lao động sớm, trẻ em bị xâm hại, bị ngược đãi vẫn còn xảy ra.
Ðất nước mở cửa, hội nhập, sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ thông tin đã tạo điều kiện để trẻ tiếp cận với cái hay, cái mới của nhân loại, có tác động tích cực đến sự phát triển toàn diện về nhân cách và trí tuệ của trẻ. Tuy nhiên, mặt trái của nó đã gây tác hại không hề nhỏ, khi trẻ không được định hướng đúng, không được giáo dục thật tốt thì các phần tử xấu sẽ lợi dụng để tác động vào tâm lý, lôi kéo trẻ vào con đường xấu, sa vào lối sống thực dụng, sống hưởng thụ, thậm chí xem rẻ giá trị nhân phẩm con người, xem thường truyền thống dân tộc, phủ nhận thành quả cách mạng do cha ông đã đổ máu xương mới dành được...
Bởi thế, việc nuôi dạy trẻ trong giai đoạn toàn cầu hoá hiện nay không đơn thuần là lo cho trẻ được ăn no, mặc ấm, được học hành, trị bệnh là đủ, mà còn phải bảo vệ để trẻ được an toàn, phải trang bị cho trẻ những kiến thức, kỹ năng cần thiết tự bảo vệ mình kể cả về tinh thần lẫn thể chất, phải định hướng đúng để trẻ tin tưởng phấn đấu vì một tương lai tốt đẹp. Ðây là trách nhiệm của toàn Ðảng, toàn dân, trước hết là của từng gia đình, của các cấp uỷ Ðảng và các ngành chức năng.
Hãy quan tâm đến trẻ em bằng hành động cụ thể, thiết thực, không chỉ trong một ngày, hay trong tháng hành động vì trẻ em mà là mãi mãi. Hãy hành động, đừng là những khẩu hiệu suông!/.
Bá Nhẫn