(CMO) Chỉ tính riêng trong tháng 2/2020, tỉnh Cà Mau đã có đến 3 công dân bị cơ quan chức năng ra các quyết định xử lý vi phạm trên lĩnh vực truyền thông - mạng xã hội (MXH). Và hầu hết, khi tiếp cận với cơ quan chức năng, họ mới biết những hành vi nhỏ nhất: “like, share” trên MXH cũng là hành động nguy hại lớn và khi “cliek” người dùng phải biết suy xét.
Luật An ninh mạng đã có hiệu lực và đi vào thực tiễn cuộc sống cách nay tròn 1 năm. Đó cũng là khoảng thời gian nhiều trường hợp người dùng MXH được các cơ quan quản lý nhắc nhở, xử lý. Ở Cà Mau, cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp xử lý bằng các quyết định xử phạt hành chính trên lĩnh vực này.
Luật không cấm việc phát ngôn trên mạng, nhưng các chủ thể (chủ tài khoản) sẽ phải chịu trách nhiệm về những phát ngôn của mình.
Người sử dụng MXH cần phải biết rõ các quy định, luật để tránh những vi phạm không đáng có (Ảnh chụp từ màn hình trên Internet). |
Song song với quyền lợi, các cá nhân, tổ chức cũng có những nghĩa vụ cần tuân thủ. Thông thường các nghĩa vụ này sẽ do nhà cung cấp MXH đề ra. Và ngay trước khi bắt đầu sử dụng MXH, nhà cung cấp sẽ nêu ra và xác minh sự chấp thuận của mọi người. Tuỳ theo mỗi loại hình MXH mà người sử dụng sẽ có các nghĩa vụ riêng.
Tuỳ vào hành vi vi phạm và mức độ vi phạm, người dùng MXH có thể bị xem xét xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 174/2013 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện hoặc bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015.
Nếu hành vi gây nguy hiểm cho xã hội thì có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội, như tội làm nhục người khác, tội vu khống, hoặc các tội liên quan đến nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia, an toàn xã hội…
Người dùng MXH còn tuân theo Nghị định 72/2013 về việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Một số hành vi bị cấm sử dụng MXH theo nghị định này như: Sử dụng MXH, dịch vụ Internet và thông tin trên MXH nhằm mục đích chống phá Nhà nước; Tuyên truyền các nội dung xuyên tạc, hư cấu nhằm chia rẽ các dân tộc, tôn giáo; Có những hành vi mâu thuẫn, hiểu nhầm, gây mất đoàn kết; Chia sẻ các nội dung (bài viết, hình ảnh) dâm ô, bạo lực, mê tín dị đoan; Phát tán các thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận; Những hành vi xúc phạm nhân phẩm, uy tín, danh dự của cá nhân, tổ chức...
Mặt khác, người sử dụng MXH còn phải tuân thủ các quy định ràng buộc bởi Nghị định 15/2020, có hiệu lực từ 15/4/2020, bao gồm những quy định về mức xử phạt hành chính đối với người dùng MXH.
Nghị định 15/2020 quy định: Mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân trong các lĩnh vực bưu chính và giao dịch điện tử là 40 triệu đồng. Và mức phạt với cá nhân trong lĩnh vực viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin tối đa là 100 triệu đồng.
Tuỳ từng trường hợp, đối tượng và mức độ vi phạm sẽ có những mức xử phạt khác nhau. Như: Người sử dụng bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng khi vi phạm các quy định về trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp thiết lập MXH; Bị phạt tiền từ 30-50 triệu đồng với hành vi sử dụng thông tin cá nhân của người khác trên MXH nhưng chưa được sự đồng ý của cá nhân đó và mức phạt 50-70 triệu đồng áp dụng với các trường hợp, có hành vi lưu trữ, truyền đưa thông tin giả mạo, sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân…
Ở thời kỳ công nghệ 4.0, nói đến MXH hầu như ai cũng thể hiện rằng mình “sành 6 câu vọng cổ”, nhưng họ chỉ sành ở những thủ thuật cài đặt, hướng dẫn người dùng hay các thuật ngữ tương tác… trên nền tảng ứng dụng của mỗi loại hình. Nhưng khi hỏi về các quy định, ràng buộc để người sử dụng MXH thể hiện trách nhiệm với luật pháp thì “chưa chắc”.
Và để trở thành công dân thông thái trong thời đại công nghệ số thì không nên nghĩ đơn thuần MXH là một trò chơi. Nhưng nếu “cứ mặc” xem như là trò chơi công nghệ thì “chí ít” phải biết rõ quy luật trước khi bước chân vào cuộc chơi ấy. Đó mới là công dân thông thái./.
Phong Phú