Đã hơn 10 năm kể từ khi được đầu tư đưa vào sử dụng chưa được nâng cấp lại, thêm tác động của thiên tai thời tiết, nhất là mưa lớn kết hợp triều cường gây ngập, sạt lở... khiến hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các tuyến đường ô tô về trung tâm xã xuống cấp nghiêm trọng.
Ðến thời điểm này, trừ xã Tam Giang Ðông (huyện Năm Căn) do còn vướng tuyến sông, các xã trên địa bàn tỉnh đã có đường ô tô về đến trung tâm. Ðây là nỗ lực không nhỏ của tỉnh trong điều kiện địa hình bị chia cắt bởi hệ thống sông ngòi chằng chịt. Qua thống kê, toàn tỉnh hiện có 4.693 tuyến đường các loại với tổng chiều dài khoảng 15.093 km. Các tuyến đường này được kết nối với nhau từ tỉnh đến huyện, xã và đấu nối với 5 tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh, tạo thành mạch giao thông liên hoàn phục vụ sản xuất, vận tải hàng hoá và nhu cầu đi lại của người dân.
Tuy nhiên, hiện nay, nhiều tuyến đường ô tô về trung tâm xã xuống cấp nghiêm trọng. Trên tuyến đường từ thị trấn Ðầm Dơi về xã Thanh Tùng, nhiều đoạn đang bị hư hỏng nặng, một số nơi mặt đường bị bong tróc tạo thành những hố sâu, việc đi lại của người dân vô cùng khó khăn.
Chính quyền địa phương phải cắm biển báo nguy hiểm do nhiều đoạn trên tuyến đường ô tô về trung tâm xã Thanh Tùng xuống cấp và hư hỏng.
Là tiểu thương hằng ngày phải vận chuyển cua bằng xe máy qua đoạn đường này, anh Trần Văn Tạo, ấp Tân Ðiền A, xã Thanh Tùng, chia sẻ, do xe chở tương đối nặng nên mỗi khi đi qua khu vực gần thị trấn rất sợ. Việc di chuyển phải tranh thủ đi sớm về sớm, tránh trời tối, vì có những đoạn đường gần như hư hoàn toàn, có những hố rất sâu, vô cùng nguy hiểm nếu xe bị sụp xuống đó.
Tuyến đường ô tô về trung tâm xã Thanh Tùng nhiều đoạn đã xuống cấp và hư hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại và giao thương hàng hoá của người dân.
Không riêng tuyến đường ô tô về trung tâm xã Thanh Tùng, nhiều tuyến đường khác trên địa bàn huyện Ðầm Dơi cũng xuống cấp nghiêm trọng. Bởi, không chỉ đã được đầu tư lâu mà hầu hết các tuyến đường ô tô về trung tâm xã của huyện phải đi qua hàng loạt cống xổ tôm của người dân (mỗi hộ dân một cống) và bị ảnh hưởng bởi triều cường, nước biển dâng gây ra tình trạng ngập cục bộ... Từ đó, không chỉ đường bị bong tróc hình thành nên ổ gà, mà còn có hiện tượng sụp lún tạo nên tình trạng uốn lượn như sóng.
Không chỉ có huyện Ðầm Dơi mà hầu như các tuyến đường ô tô về trung tâm xã trên địa bàn tỉnh đang trong tình trạng xuống cấp, nhất là các huyện ven biển: Năm Căn, Ngọc Hiển, Phú Tân... Hiện huyện Năm Căn còn xã Tam Giang Ðông vẫn bị chia cắt và đang kỳ vọng vào dự án đường ven biển để kết nối, chưa thật sự được đấu nối hoàn toàn đường ô tô về đến trung tâm xã. Tuy nhiên, ông Huỳnh Minh Kiên, Chủ tịch UBND huyện Năm Căn, cho biết thêm, các tuyến đường về trung tâm xã của huyện, nhất là tuyến về xã Lâm Hải, Tam Giang qua thời gian sử dụng đã xuống cấp nghiêm trọng, đi lại rất khó khăn, ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất và đời sống người dân, đặc biệt là việc đi lại của học sinh.
Thời gian qua, sạt lở đã gây áp lực không nhỏ về bảo vệ các công trình công cộng, trong đó đặc biệt là hạ tầng giao thông nông thôn. Theo đó, tổng chiều dài các đoạn bờ sông bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở toàn tỉnh khoảng 425 km và xuất hiện 245 vị trí ven sông bị sạt lở, với chiều dài hơn 6,3 km, làm hư hỏng hàng trăm mét lộ nông thôn.
Sạt lở cũng đã làm thiệt hại nhiều khu vực giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Đầm Dơi.
Không chỉ có sạt lở, triều cường mà ngay cả khô hạn cũng góp phần không nhỏ làm cho hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh xuống cấp nghiêm trọng. Mùa khô năm 2020 là minh chứng khi hạn hán làm đường bị sụp lún, thiệt hại riêng về hạ tầng giao thông hơn 141 tỷ đồng.
Các tuyến đường ô tô về trung tâm xã xuống cấp, nhu cầu sửa chữa rất lớn, tuy nhiên, ngân sách không đảm bảo và còn rất thấp so với thực tế. Việc quản lý, duy tu sửa chữa thường xuyên là yêu cầu vô cùng quan trọng, bởi không chỉ giảm mức độ hư hỏng mà còn bảo đảm lưu thông, vận chuyển hàng hoá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Trần Công Khanh, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư, cho biết, các tuyến đường về trung tâm xã, trước đây được đầu tư nguồn ngân sách trái phiếu Chính phủ từ những năm 2010 đến nay đã hơn 13 năm, nay xuống cấp rất nhiều. Tỉnh cũng thấy và xác định được nguồn để đầu tư. Cụ thể là nguồn vượt thu từ hoạt động xổ số kiến thiết 3 năm, khoảng 600 tỷ đồng để ưu tiên tập trung nâng cấp, mở rộng đường ô tô về trung tâm xã từ 3,5 lên 4,5 m.
Trong kế hoạch dự toán vốn đầu tư trung hạn giai đoạn tiếp theo mà UBND tỉnh đã tham mưu để trình các cấp có thẩm quyền, có nhiều lĩnh vực được tập trung đầu tư trong thời gian tới. Trong số đó, ưu tiên số một là đột phá về hạ tầng giao thông. Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi cho biết, định hướng phát triển giao thông thời gian tới không chỉ đáp ứng việc đi lại thông thường mà là vận chuyển hàng hoá. Trong đó, nâng cả quy mô, tải trọng và năng lực vận tải tất cả các tuyến giao thông đấu nối các huyện, các vùng, các trung tâm kinh tế và cả hạ tầng đô thị, khu công nghiệp. Ði đôi với đầu tư hạ tầng trọng điểm là nâng cấp các tuyến đường đang hư hỏng, xuống cấp tại các địa phương hiện nay để tạo ra hệ thống giao thông kết nối. Tuy nhiên, nhiệm vụ này, các địa phương cũng phải chủ động tự cân đối nguồn lực theo thứ tự ưu tiên để cùng với tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả./.
Song Nguyễn