ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 22-4-25 09:47:55
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Gáo Giồng mùa nước nhẩy bờ

Báo Cà Mau (CMO) Mùa con nước nhẩy bờ năm nay, chúng tôi bị hấp dẫn bởi lời nhắn của người bạn phương xa: “Mùa lũ năm nay “đẹp lắm”, phải ghé Đồng Tháp chơi một chuyến mới được!”.

 Vậy là đi. Mùa nước nổi miền Tây có lẽ cũng giống với tính cách con người nơi đây vậy: dồn dập, hào phóng và đâu đó là chút phiêu lưu, bất cần. Anh Lý Minh Thuận, phóng viên báo Đồng Tháp, trầm ngâm: “Nhiều đồng nghiệp nói mùa lũ là mùa làm ăn, mùa vui nhất, đẹp nhất của miền Tây, thật ra chỉ đúng một phần. Người nào chuyên đón mùa lũ để sinh kế bằng những sản vật thì rất vui, còn ai đang kẹt lúa chín ngoài đồng, vườn cây ăn trái, hoa màu… thì cũng rầu thúi ruột”.

Nhưng tựu trung, mùa lũ là mùa đất đai tắm mình trong dòng phù sa màu mỡ, tự làm mới mình, hồi sinh những mùa màng tươi tốt. Đi theo con nước, chúng tôi tự hỏi, đã bao giờ ai đó nghĩ rằng, miền Tây một lúc nào đó không còn cái mênh mông, choáng ngợp và tràn trề sinh lực của con nước lũ…

Về Gáo Giồng giữa mùa nước lũ, du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị, mang nét tinh tuý của văn hoá vùng Đồng Tháp Mười. 
Ảnh: PBT
Du khách tham quan rừng tràm và chụp ảnh lưu niệm tại khu du lịch Gáo Giồng.        

Từ thành phố Cao Lãnh, chúng tôi đi khoảng 15 cây số là đến Gáo Giồng (thuộc địa phận Ấp 6, xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh). Cái tên đất ngồ ngộ nghe đã thích, nhưng câu chuyện về khu du lịch sinh thái này làm chúng tôi, những người Cà Mau phải trăn trở suy nghĩ. Theo giới thiệu của anh Thuận, Gáo Giồng trước năm 1975 là vùng đất trũng phèn, hoang hoá. Rồi theo chủ trương khai phá vùng Đồng Tháp Mười, nơi đây được lực lượng thanh niên xung phong khẩn hoang và trồng tràm. Năm 2003, nơi đây chính thức được quy hoạch làm khu du lịch sinh thái. Đến thời điểm hiện tại, lượng du khách bình quân mỗi năm đạt trên 100.000 lượt, một con số quá ấn tượng.

Những câu chuyện còn tồn tại về quá trình cải tạo Gáo Giồng ngày trước đã trở thành giai thoại dân gian, nơi thiên nhiên và tạo hoá phải chùn bước trước khát khao và ý chí của con người. Mùa hạn, lực lượng thanh niên xung phong phải dùng trâu cộ nước ngọt cách xa hàng chục cây số để ăn uống, sinh hoạt thì dùng nước phèn dưới ao. Ăn cơm thì phải giăng mùng bởi "muỗi kêu như sáo thổi”. Mùa nước nổi, những chiếc xuồng kết nhau lại thành bè, lặn ngụp để giữ sống những mầm tràm. Vậy rồi màu xanh của tràm vượt lên, tạo nên một hệ sinh thái đặc trưng của vùng phèn trũng.

Không như ở U Minh Thượng phía Kiên Giang hay U Minh Hạ ở Cà Mau, Gáo Giồng là rừng tràm nhân tạo, nhưng tuyệt vời thay, nó có đầy đủ những phẩm chất của một đại ngàn nguyên sơ, trù phú. Và thán phục hơn, từ cách định hướng, quy hoạch bài bản, có tầm nhìn, Gáo Giồng trở thành một điểm nhấn đột phá để đưa nơi đây bước chân vào bản đồ du lịch của cả nước và quốc tế.

Hôm chúng tôi ghé, lũ đang ở đỉnh của mùa, nơi nơi ngập trong màu phù sa. Bơi xuồng xuyên qua tán tràm, phía dưới là con nước đổ về tung tăng, tươi rói, phía sau mái chèo là hình ảnh của cô thôn nữ miền Nam, áo bà ba dịu dàng, cái khăn rằn quấn cổ…, chúng tôi cảm nhận rõ hơn những nét đẹp chân chất, bình dị của đất và người miền Tây mùa lũ. Lúc trên bến, ăn một ít hạt sen hấp, uống ngụm trà “cỏ bắc”, thấy khẩu vị của mình chộn rộn thứ cảm giác lạ mà hay. Hỏi thêm mới biết, thời kháng chiến, những cán bộ, chiến sĩ miền Bắc hoạt động ở vùng này đã phát hiện ra một thứ cỏ hoang mà khi phơi khô, sao vàng, nấu nước uống thì ngon như trà Bắc. Vậy là từ đó, một thứ nước uống đặc biệt ra đời, nguyên liệu thì minh thiên ngoài đồng nước nổi.

Cái hay nữa của Gáo Giồng là việc tạo công ăn việc làm cho những lao động địa phương. Hỏi chị T “tài công” kiêm hướng dẫn viên du lịch cho xuồng bốn người chúng tôi, bằng cái giọng con gái Đồng Tháp ngọt bùi hơn hạt sen, chị cười nói: “Dạ, tụi em ở đây đều là người Gáo Giồng. Khu du lịch cho tụi em đi tập huấn kỹ năng làm du lịch, ký hợp đồng đàng hoàng”. Thu nhập mỗi ngày của một người chèo xuồng và hướng dẫn tuỳ theo lượng khách, nhưng nói chung là khá hấp dẫn. Nói vui với chị: “Chắc anh em tính đổi nghề, về Gáo Giồng mần du lịch”, chị cười: “Mấy anh thấy vậy chớ bơi xuồng oải lắm đó nghen!”. Phía xa, màu xanh của tràm, tiếng huyên náo của biết bao loài chim, những chiếc xuồng xuôi ngược chở du khách khắp nơi về với Gáo Giồng…

Bữa cơm hôm ấy, chúng tôi ăn cá linh non, tép rong xào bông điên điển, cá lóc nướng trui ăn kèm lá sen non, mẻ cá lòng tong kho tóp mỡ… Nhà báo Đinh Hữu Dũng, Tổng Biên tập báo Đồng Tháp, giới thiệu: “Cá linh càng lớn là càng mất giá, chỉ cá linh đầu mùa mới thật sự là cá linh ngon”. Nghe nói ngày trước, cá linh là loại bỏ đi, ít người thèm ăn, vậy mà ít ai ngờ nay trở thành đặc sản miền Tây. May cho miền Tây, năm nay lũ về lớn nhưng không quá khắc nghiệt, nó vừa đủ cho những sản vật theo về, bồi bổ cho đồng đất nhưng không quá hung dữ với tính mạng và tài sản con người. Mấy năm nay, người miền Tây cứ nơm nớp lo những mùa lũ cạn, nơm nớp bởi những dự án thuỷ điện ở đâu đâu ngăn con nước về với đồng bằng. Nước không về, những sản vật mùa nước nổi cũng đìu hiu, những con người chờ lũ cứ thế mà héo queo, chật vật.

Chúng tôi lại nghĩ về Cà Mau, xứ rừng tràm, rừng đước. Chẳng phải đước và tràm đã là thứ sẵn có khi con người đến và làm chủ nơi đây. Cà Mau cũng đang phát triển du lịch dựa vào hệ sinh thái rừng ngập ngọt và ngập mặn, tuy nhiên, tất cả chỉ mới bắt đầu và Gáo Giồng có thể là một ví dụ tham khảo vô cùng hữu ích. Qua lời của các đồng nghiệp báo Đồng Tháp, chúng tôi còn biết thêm, Gáo Giồng những ngày giáp Tết sẽ cho đấu thầu công khai để thu hoạch nguồn cá đồng. Công tác bảo vệ hệ sinh thái, nguồn lợi sản vật được các cấp, các ngành và địa phương hết sức chú trọng. Không có kiểu làm ăn tận diệt, chạy theo cái lợi trước mắt, Gáo Giồng hướng đến những giá trị bền vững và thuỷ chung.

Hẹn với những người bạn Đồng Tháp, mùa Tết tới sẽ về Gáo Giồng để được tận mắt xem cảnh khai thác cá đồng. Còn bây giờ, xin phép cho chúng tôi được tận hưởng những giây phút ở Gáo Giồng giữa mùa nước nổi…/.

Phạm Quốc Rin

Liên kết hữu ích

Du lịch Cà Mau sôi động dịp nghỉ lễ

(CMO) Kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 kéo dài 4 ngày, dù thời tiết khá bất lợi do mưa nhiều nhưng lượng khách đến các điểm tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh vẫn rất đông. Các điểm dịch vụ phục vụ khách tham quan chu đáo, an toàn, giá cả hợp lý, tạo ấn tượng đẹp trong lòng du khách.

Quảng bá du lịch bằng âm nhạc

(CMO) Ðể du lịch Cà Mau được quảng bá rộng và theo hình thức thú vị hơn, tiệm cận với giới trẻ hơn, một nhóm bạn trẻ đã triển khai những sản phẩm giới thiệu và làm mới hình ảnh Cà Mau với bạn bè khắp nơi bằng âm nhạc.

Khơi thông tiềm lực kinh tế du lịch

(CMO) "Quy hoạch chung xây dựng Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đang được cấp thẩm quyền trong tỉnh xem xét thông qua, hoàn thiện các bước cuối cùng trình Trung ương phê duyệt. Từ đó, tạo cơ sở triển khai thực hiện, đặc biệt trong kêu gọi thu hút đầu tư, phát huy tiềm năng và lợi thế du lịch địa lý, sinh thái của địa phương", ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, thông tin.

Nạp năng lượng cho con vào năm học mới

(CMO) Trong kỳ nghỉ hè, nhiều gia đình đã đưa con đi du lịch hoặc rời thành phố về quê để các con được khám phá, trải nghiệm, bổ sung kiến thức trực quan sinh động, từ đó khuyến khích con học tập tích cực. Đây còn là dịp để gia đình gắn kết, có thêm nhiều kỷ niệm đẹp.

Quy hoạch Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau: Phát huy kinh tế biển

(CMO) "Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được cấp thẩm quyền trong tỉnh thông qua, hoàn thiện các bước cuối cùng trình Trung ương phê duyệt. Từ đó, tạo cơ sở triển khai thực hiện, đặc biệt trong kêu gọi thu hút đầu tư, phát huy tiềm năng và lợi thế du lịch địa lý, sinh thái của địa phương", ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, thông tin.

Hướng bền vững cho du lịch sinh thái cộng đồng

(CMO) Du lịch sinh thái cộng đồng (DLSTCÐ) là loại hình du lịch do cộng đồng tổ chức, dựa vào thiên nhiên và văn hoá địa phương với mục tiêu bảo vệ môi trường. Với khách du lịch, DLSTCÐ tạo cơ hội tìm hiểu, nâng cao nhận thức về môi trường và giao lưu văn hoá, trải nghiệm cuộc sống hàng ngày của người dân bản địa. Vì vậy, DLSTCÐ chính là nét tinh tuý của du lịch sinh thái và du lịch bền vững.

Ðất Mũi bứt phá đầu tư hạ tầng du lịch

(CMO) Xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển, đạt chuẩn đô thị loại V, đây là tiền đề để địa phương bứt phá phát triển. Cùng với lợi thế và tiềm năng du lịch sẵn có, Ðất Mũi đang được cấp trên đầu tư vốn để xây dựng các hạng mục trong xây dựng nông thôn mới (NTM).

Du lịch Cà Mau - Bài toán giữ chân du khách

(CMO) Trong những ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5, du lịch Cà Mau tăng mạnh về số lượng du khách lẫn doanh thu, nhưng bài toán nan giải vẫn là câu chuyện duy trì sức hút và giữ chân khách du lịch sau đó.

Hướng đến du lịch thân thiện môi trường

(CMO) Thời gian qua, các khu du lịch trên địa bàn tỉnh Cà Mau đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng chống rác thải nhựa, hướng đến du lịch thân thiện môi trường.

Tạo đột phá phát triển du lịch

(CMO) Sau 2 năm thực hiện Chương trình số 10-Ctr/HU của Ban Chấp hành Ðảng bộ huyện về phát triển du lịch trên địa bàn giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo, du lịch huyện Trần Văn Thời đã có bước phát triển đáng ghi nhận, đảm bảo đúng định hướng của tỉnh, của huyện và là một trong những ngành chuyển biến tích cực về tốc độ tăng trưởng.