(CMO) Nằm giữa lòng thành phố Thủ Dầu Một hiện đại, náo nhiệt, chùa Hội Khánh (phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) như một nét chấm phá cổ kính, tĩnh lặng. Đây cũng là một công trình tôn giáo lâu đời và lớn nhất tỉnh Bình Dương.
Chùa Hội Khánh được xây dựng vào năm 1741, ngôi cổ tự này còn gắn với hoạt động của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh). Năm 1923-1926, cụ Nguyễn Sinh Sắc cùng với cụ Tú Cúc (Phan Đình Viện) và Hoà thượng Từ Văn đã sáng lập ra Hội Danh dự tại đây. Trong thời kháng chiến chống Mỹ, nơi đây còn là trụ sở hoạt động cách mạng của các phật tử, tu sĩ yêu nước.
Chùa Hội Khánh từng là nơi hoạt động cách mạng của các chư tăng, tu sĩ yêu nước. |
Nằm dưới bóng mát của hàng dầu cổ thụ, ngôi chùa được xây dựng trong khuôn viên rộng thoáng. Phần chánh điện vẫn giữ kiến trúc truyền thống của đền chùa Việt, với 3 gian 2 chái, cột gỗ, mái lợp ngói âm dương. Nội thất kiến trúc, tranh, tượng, đồ thờ tự trong chùa Hội Khánh đều được điêu khắc, chạm trổ rất tinh sảo, với những đề tài như tứ linh, cửu long, dây nho, lá lấp, hoa phù dung...
Nét nổi bật của ngôi cổ tự này ngoài giá trị phong phú về mặt lịch sử, văn hoá, nghệ thuật kiến trúc, còn phải kể đến những di vật, cổ vật hàng mấy trăm năm trước vẫn được bảo tồn lưu giữ. Trong chánh điện có hơn 100 tượng Phật bằng gỗ, có niên đại hàng trăm năm. Ngoài ra, chùa còn lưu giữ nhiều tư liệu Phật học có giá trị như: Bộ mộc bản được khắc vào năm 1885, một số bộ kinh Phật, kinh A Di Đà được lưu hành sớm nhất trong các đền chùa xứ Nam Kỳ thời bấy giờ.
Xung quanh sân chùa là những ngôi tháp cổ của những vị trụ trì đã viên tịch được xây dựng công phu. |
Trải qua hơn 200 năm, từ khi khởi dựng đến nay ngôi chùa đã được nhiều lần trùng tu do chiến tranh tàn phá, nhưng những nét cổ kính, những giá trị về lịch sử, nghệ thuật vẫn còn vẹn nguyên. Giữa lòng một thành phố được xem là một trong những đầu tàu phát triển kinh tế của vùng Đông Nam Bộ, chùa Hội Khánh vẫn là điểm hành hương, tìm về một khoảng lặng bình tâm cho các phật tử gần xa./.
Hữu Nghĩa