(CMO) Chỉ cách đây trên dưới trăm năm, vùng đất Cà Mau vẫn còn “cọp rền, sấu lội”, đời sống tuy vất vả nhưng sản vật vô cùng trù phú. Trong buổi đầu gian khó ấy, bác Ba Phi và những câu truyện kể truyền miệng của ông nổi lên như một hiện tượng văn hoá - văn học vô cùng độc đáo và riêng có của đất Cà Mau.
Ai cũng nói rằng, nghe truyện kể bác Ba Phi thì “cười lộn ruột”, “cười ra nước mắt”, nghĩa là đề cao tính giải trí, giải khuây của dòng truyện kể dân gian này trong thời buổi thiếu thốn văn hoá tinh thần. Thế nhưng, ẩn sau những câu chuyện mà người ta hay gọi là “nói dóc” ấy, còn là những hằng số, những giá trị văn hoá lưu giữ cái hồn cốt, tinh tuý của đất và người nơi đây.
Trước tiên, truyện kể bác Ba Phi xuất phát từ hiện thực sinh động, tinh thần lạc quan và đời sống đầy ắp nghĩa tình của dân nghèo miệt cuối đất. Bà Nguyễn Thị Anh, con dâu đang thờ tự bác Ba Phi tại Kinh Ngang, ấp Lung Tràm, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Tôi năm nay đã 85 tuổi rồi, còn nhớ như in nhiều chuyện của tía chồng hồi trước”.
Bà nói rằng, bác Ba từ Đồng Tháp trôi dạt về miệt Cái Rắn (Cái Nước), rồi sau đó về Lung Tràm khẩn hoang, dùng sức người để thắng thiên nhiên hoang tạp. Chưa hết, chính bác Ba - Nghệ nhân dân gian Nguyễn Long Phi cũng tận tình cưu mang những lưu dân mở đất hoặc “sa cơ lỡ vận” bằng cách cất nhà, cung cấp nhu yếu phẩm trên cơ ngơi của mình.
Nhiều người đọc các truyện: “Thu hoạch lưỡi nai”, “Cọp xay gạo”, “Tàu rùa”, “Cá nuôi của bác Ba”, “Rắn tát đìa”, “Săn heo”… đều thấy rằng, miệt Lung Tràm hiện lên với nguồn huê lợi thiên nhiên trù phú. Trên thực tế, bác Ba không “nói dóc” như nhiều người lầm tưởng, mà đó chỉ là cách nói “quá”, “nói cho có ấn tượng” những điều mắt thấy tai nghe, bám sát vào hơi thở, nhịp sống của người dân thời ấy.
Trong từng câu chuyện chứng minh con người dùng sức vóc, trí tuệ của mình mà chiến thắng thiên nhiên khắc nghiệt. Điều này cổ vũ mạnh mẽ tinh thần vươn lên của người dân đang sống trong thời đoạn khó khăn ấy, khẳng định sự làm chủ tuyệt đối của họ ở vùng đất mới khẩn hoang.
Một điều rất thú vị mà sau này đã có nhiều nhà nghiên cứu đề cập về tính biến dị độc đáo trong các câu chuyện dân gian của bác Ba Phi. Theo xác nhận từ những người thân còn sống của bác Ba Phi, bác Ba thường kể theo lối “ngẫu hứng”, “ứng tác” và ít khi lặp lại những điều mình kể. Lẽ tất nhiên là cũng chẳng có tựa như các tuyển tập bây giờ. Toàn bộ các tên, tựa của câu chuyện đều là do người hậu thế bám vào nội dung mà đặt.
Ấn tượng hơn, truyện kể bác Ba Phi có sức sống mãnh liệt, tính linh hoạt trong từng hoàn cảnh, điều kiện lịch sử khác nhau. Đến nay, chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu đầy đủ các biến dị từ những câu chuyện gốc của bác Ba Phi. Vậy rồi đến tận hôm nay, cứ hễ thấy những câu chuyện nào có tính chất trào lộng, phóng đại thì mọi người đều tin rằng đó là truyện kể bác Ba Phi. Cũng phải lưu ý rằng, những văn bản hình thành ở các tuyển tập in hiện nay, rất có thể là sản phẩm của tập thể, qua thời gian “thêm thắt” mà thành.
Truyện kể dân gian bác Ba Phi còn nồng nàn tình yêu quê hương, xứ sở và thấm đượm tình cảm gia đình, chòm xóm. Có thể thấy điều này qua việc bà Nguyễn Thị Anh kể lại: “Tía tui hễ thấy bộ đội về thì trong nhà có cái gì cũng đem ra đãi hết. Bộ đội mê tía, có nhiều bận ngồi cả đêm chỉ để nghe tía kể chuyện”.
Trong hệ thống truyện kể bác Ba Phi, người ta thấy xuất hiện những mẩu chuyện đánh giặc, chống càn "rất Ba Phi", tiêu biểu như câu chuyện “Ong vò vẽ đánh giặc”. Đây không phải là chuyện hoang đường, mà là chuyện có thật 100%, chính chúng tôi được nghe những cán bộ lão thành miệt Xẻo Đước, Phú Mỹ (Phú Tân) kể lại.
Ong vò vẽ khi đã thành tổ, người nuôi ong sẽ mặc áo bà ba đen, quấn khăn rằn (kiểu bộ đội), hằng ngày đều đặn cho ong ăn. Sau đó, cũng người nuôi ong giả mặc áo rằn ri của địch rồi lấy đất chọi vô tổ. Ngày này qua ngày khác, riết tổ ong cứ thấy áo rằn ri là bay ra đánh. Khi giặc càn vào, gặp thế trận ong vò vẽ này của dân Xẻo Đước thì khốn đốn. Cũng nhờ vậy mà căn cứ Tỉnh uỷ ở đây được bảo vệ an toàn suốt thời gian kháng chiến ác liệt. Mẩu chuyện này do chính bác Ba Phi kể ra, cũng có nghĩa, đây có thể là một dạng biến thể của truyện bác Ba Phi hình thành trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ.
Danh xưng bác Ba Phi thật ra là theo thứ bên vợ, và trong câu chuyện của ông, cứ hễ kết thúc một câu chuyện là có một câu vĩ thanh: “Không tin hỏi bác Ba gái mầy coi”. Cả nhân vật thằng Đậu, cháu nội của bác Ba lúc nào cũng theo sát bên ông. Các nhân vật chính cũng xoay đi, xoay lại bấy nhiêu người trong gia đình, cho thấy bác Ba Phi đặc biệt quý trọng tình cảm ruột thịt.
Theo lời cháu nội của bác Ba Phi là cô Nguyễn Mỹ Lệ và Nguyễn Thị Dung: “Ông nội người cao ráo, trán trợt, sức vóc nhưng hiền lành, hay cười nói”. Đất đai khẩn hoang của gia đình ở Lung Tràm trước đây rất nhiều, sau này thì cho hoặc bán giá rẻ cho bà con, đó cũng là tấm lòng mà bác Ba muốn con cháu noi theo để tích phúc đức.
Phải nói rằng, trong thời khẩn hoang gian khó, nếu không có những câu chuyện của bác Ba Phi thì con người sẽ dễ chùn chân, nản chí. Không có tiếng cười của bác Ba thì làm sao người ta thấy được sự trù phú, tương lai tốt đẹp của quê hương. Không có tiếng nói đanh thép của bác Ba làm sao người ta biết người Cà Mau sống chính trực, nghĩa tình, ghét những loại gian manh, xảo trá.
Cũng từ những câu chuyện của bác Ba mà người ta hiểu thêm truyền thống cách mạng hào hùng của đất và người Cà Mau. Truyện kể dân gian bác Ba Phi là một hiện tượng độc đáo, duy nhất và có tính chất đại diện tiêu biểu cho văn học truyền miệng Nam Bộ trong giai đoạn mở đất. Càng đào sâu tìm hiểu, người ta sẽ mỉm cười mà nể phục bác Ba Phi, người duy nhất “nói dóc” mà nổi tiếng khắp cả nước Việt Nam./.
Diễm Phúc