ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 21-11-24 15:43:24
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Giải ngân vốn đầu tư công: Cần có kế hoạch cụ thể để "chạy nước rút"

Báo Cà Mau Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là một nhân tố quan trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ tăng trưởng kinh tế và nhiều lĩnh vực khác của tỉnh. Dù đã triển khai nhiều giải pháp, thậm chí UBND tỉnh đã có văn bản phê bình, song tiến độ giải ngân đến hết quý III vẫn còn chậm, chưa đạt theo yêu cầu tại Chương trình hành động số 01/CTr-UBND.

Chương trình động số 01/CTr-UBND ngày 19/1/2024 của UBND tỉnh (Chương trình 01) đặt ra nhiệm vụ là đến hết quý III tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn phải đạt tối thiểu 75%. Tuy nhiên, thực tế đến hết quý III, toàn tỉnh chỉ giải ngân đạt bằng 45,3% kế hoạch vốn, tức khoảng 2.366 tỷ đồng, con số này thậm chí thấp hơn nếu so với kết quả của cùng kỳ năm 2023 (khoảng 2.650 tỷ đồng).

Tính đến hết quý III, UBND TP Cà Mau có tiến độ giải ngân hơn 66,6%, trên mức tỷ lệ giải ngân trung bình của tỉnh.

Ông Nguyễn Ðức Thánh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư, nhận định, với nguồn vốn còn lại phải giải ngân trong 3 tháng cuối năm hơn 2.800 đồng, đây là áp lực không nhỏ. Ðể giải ngân đạt kế hoạch vốn đã đề ra thì bình quân mỗi tháng phải giải ngân gần 1 ngàn tỷ đồng, tức gấp 3 lần so với từ đầu năm đến nay. Do đó, công tác giải ngân phải được triển khai quyết liệt hơn, đặc biệt một số chủ đầu tư có nguồn vốn lớn nhưng hết quý III chưa đạt theo Chương trình 01, phải có kế hoạch để bù tiến độ chậm, nếu giải ngân không kịp phải báo cáo để kịp thời điều chỉnh vốn.

Kết quả rà soát của Sở Kế hoạch và Ðầu tư cho thấy, trong số 20 chủ đầu tư năm 2024, đến hết quý III chỉ có 5 chủ đầu tư giải ngân vượt tiến độ theo Chương trình 01; 6 chủ đầu tư giải ngân không đạt tiến độ theo Chương trình 01 nhưng giải ngân trên mức bình quân của tỉnh (54,3%); 8 chủ đầu tư giải ngân dưới mức bình quân của tỉnh và có 1 chủ đầu tư chưa giải ngân.

Bên cạnh đó, có 11 chủ đầu tư được giao kế hoạch vốn lớn, chiếm 43,15% tổng kế hoạch vốn đã phân bổ chi tiết của tỉnh, nhưng mới giải ngân đạt 16,76%, còn lại 26,39% chưa giải ngân. Kết quả này làm ảnh hưởng đến mục tiêu giải ngân theo Chương trình 01 và tỷ lệ giải ngân chung của tỉnh.

Khan hiếm vật liệu là một trong những nguyên nhân khiến nhiều dự án chậm tiến độ, dẫn đến tiến độ giải ngân chưa đúng theo Chương trình số 01 của UBND tỉnh. (Ảnh minh hoạ)

Khan hiếm vật liệu là một trong những nguyên nhân khiến nhiều dự án chậm tiến độ, dẫn đến tiến độ giải ngân chưa đúng theo Chương trình số 01 của UBND tỉnh. (Ảnh minh hoạ)

Một trong số chủ đầu tư được giao kế hoạch vốn lớn nhưng giải ngân chưa tốt là Ban Quản lý Dự án công trình xây dựng. Ðơn vị được giao kế hoạch vốn khoảng 617,2 tỷ đồng, chiếm đến 14,15% tổng kế hoạch vốn đã phân bổ chi tiết của tỉnh. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Nhẫn, Giám đốc Ban Quản lý Dự án công trình xây dựng, đến hết quý III, đơn vị này giải ngân chỉ đạt 26% kế hoạch vốn được giao.

Lý giải cho tiến độ giải ngân còn chậm, ông Nhẫn cho biết, vốn tập trung chủ yếu nhiều tại dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Ða khoa Cà Mau quy mô 1.200 giường. Hiện đang triển khai 3 gói thầu với tổng vốn hơn 181 tỷ đồng: gói hệ thống hạ tầng kỹ thuật (59 tỷ đồng), gói các khối nhà hỗ trợ trị giá 111 tỷ đồng và gói giám sát 11,3 tỷ đồng. Nếu thuận lợi, dự kiến trong tháng 11 tới sẽ có kết quả, ký hợp đồng và cho tạm ứng thì sẽ có tiến độ giải ngân. 

Tương tự, Ban Quản lý các Dự án ODA và NGO được giao kế hoạch vốn hơn 146,75 tỷ đồng (chiếm 3,36% tổng kế hoạch vốn đã phân bổ chi tiết của tỉnh), nhưng giải ngân chỉ đạt 41,3% kế hoạch vốn được giao và bằng 1,29% tổng kế hoạch vốn đã phân bổ chi tiết của tỉnh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đơn vị được giao kế hoạch vốn hơn 397,2 tỷ đồng, chiếm 9,11% tổng kế hoạch vốn đã phân bổ chi tiết của tỉnh, nhưng giải ngân chỉ đạt 53,2% kế hoạch vốn được giao, tức bằng 4,85% tổng kế hoạch vốn đã phân bổ chi tiết của tỉnh; còn lại 4,26% tổng kế hoạch vốn đã phân bổ chi tiết.

Một số nguồn vốn có tỷ lệ giải ngân còn thấp, làm ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân chung của tỉnh. Cụ thể, vốn ngân sách Trung ương thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024, được phân bổ theo định mức toàn tỉnh trên 377,9 tỷ đồng, nhưng chỉ mới giải ngân 114,768 tỷ đồng, bằng 30,4% kế hoạch.

Vốn Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2024 có 1 danh mục hỗ trợ mô hình thí điểm OCOP, trị giá 1 tỷ đồng, vẫn chưa được giải ngân. (Ảnh minh hoạ)

Vốn Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2024 có 1 danh mục hỗ trợ mô hình thí điểm OCOP, trị giá 1 tỷ đồng, vẫn chưa được giải ngân. (Ảnh minh hoạ)

Ông Huỳnh Minh Kiên, Chủ tịch UBND huyện Năm Căn, cho biết, nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia được phân giao sau so với các nguồn vốn khác nên phải tiến hành làm các bước hồ sơ thủ tục, nhất là cơ chế các nguồn sự nghiệp dự án trên 100 triệu đồng phải đấu thầu, nên có chút khó khăn. Ngoài ra, đối với nguồn vốn cho các dự án đào tạo nghề, hiện nay địa phương có số hộ nghèo thấp nên khó tìm đủ đối tượng học nghề để mở lớp đào tạo; còn các lĩnh vực khác như hỗ trợ sản xuất, hạ tầng... tương đối ổn. “Do nguồn vốn các chương trình mục tiêu trên địa bàn huyện không lớn nên sẽ giải ngân dứt điểm vào cuối năm”, ông Kiên khẳng định.

Ngoài ra, vốn nước ngoài thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hơn 85,1 tỷ đồng (năm 2023 chuyển sang 47,3 tỷ đồng, năm 2024 bố trí 37,8 tỷ đồng), bố trí cho Dự án Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn tỉnh Cà Mau, do Ban Quản lý các Dự án ODA và NGO làm chủ đầu tư. Ðến hết quý III chỉ giải ngân 26,8 tỷ đồng, bằng 31,6% kế hoạch, và chủ đầu tư dự kiến xin kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân sang năm 2025 hơn 37,8 tỷ đồng.

Một số dự án, công trình được bố trí kế hoạch đầu tư công nhiều, nhưng tiến độ thực hiện chậm làm ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân chung của tỉnh. Chẳng hạn như Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường Cái Nước - Vàm Ðình - Cái Ðôi Vàm. Dự án được bố trí 150 tỷ đồng, chiếm 3,44% tổng kế hoạch vốn đã phân bổ chi tiết của tỉnh, do Ban Quản lý Dự án xây dựng công trình giao thông làm chủ đầu tư. Tính đến hết quý III đã giải ngân 85,442 tỷ đồng, bằng 57% kế hoạch giao, bằng 1,96% tổng kế hoạch vốn đã phân bổ chi tiết của tỉnh. Nguyên nhân giải ngân chậm chủ yếu là do vướng giải phóng mặt bằng, phạm vi thực hiện dự án trên địa bàn huyện Phú Tân.

Cũng liên quan đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, ông Ðoàn Quốc Khởi, Giám đốc Sở Tài chính, cho biết, tình trạng chậm quyết toán các công trình dự án thời gian qua là chưa có chuyển biến, có những công trình nhóm B nguồn vốn rất lớn nhưng qua nhiều năm vẫn chưa quyết toán và để lại nhiều hệ luỵ rất khó xử lý.

Qua rà soát, nguyên nhân dẫn đến tiến độ giải ngân còn chậm như hiện nay là do một số dự án lớn, quan trọng của tỉnh còn vướng công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến tiến độ thi công và giải ngân, như: Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường Cái Nước - Vàm Ðình - Cái Ðôi Vàm; Dự án đầu tư hạ tầng chung các công trình lĩnh vực y tế. Ðối với 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024 được phân bổ chi tiết chậm, hiện nay hầu hết các công trình chỉ mới bắt đầu triển khai đầu tư nên tỷ lệ giải ngân chưa cao. Tình hình khan hiếm vật liệu xây dựng ở một số thời điểm ảnh hưởng đến tiến độ thi công chung của các công trình...

Theo ông Dương Hữu Tảng, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, khối lượng giải ngân từ nay đến cuối năm là rất lớn, trung bình hơn 1 ngàn tỷ đồng mỗi tháng. Do đó, các chủ đầu tư cần căn cứ theo đúng hợp đồng, nhất là các dự án kết thúc vào ngày 31/12/2024 để tránh sai sót, cũng như đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Qua rà soát, Sở Kế hoạch và Ðầu tư đề xuất UBND tỉnh xem xét phê bình 8 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân dưới mức tỷ lệ giải ngân trung bình của tỉnh (54,3%), nhắc nhở 2 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân trên mức tỷ lệ giải ngân trung bình của tỉnh (54,3%) nhưng dưới 70%; và biểu dương 9 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân trên 70%.

 

Nguyễn Phú