ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 18-1-25 16:15:21
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm

Báo Cà Mau Thông tin từ Sở Kế hoạch và Ðầu tư (KH&ÐT), tính đến cuối tháng 3, tỉnh đã giải ngân vốn đầu tư công đạt 714,305 tỷ đồng, bằng 15,4% kế hoạch năm, cao hơn tỷ lệ giải ngân chung của cả nước (ước đạt 13,67%), tuy nhiên thấp hơn so cùng kỳ (20,3%). Trong đó, vốn ngân sách địa phương giải ngân 457,428 tỷ đồng, bằng 14,2% kế hoạch; vốn ngân sách Trung ương giải ngân 245,940 tỷ đồng, bằng 24,6% kế hoạch.

“Trong số 20 chủ đầu tư năm 2024, có 11 chủ đầu tư giải ngân trên mức bình quân của tỉnh và 9 chủ đầu tư giải ngân dưới mức bình quân của tỉnh, trong số này có 2 chủ đầu tư chưa giải ngân, tuy nhiên với số vốn không lớn, chỉ trên 14 tỷ đồng”, ông Nguyễn Ðức Thánh, Giám đốc Sở KH&ÐT, thông tin.

Nhiều nguyên nhân ảnh hưởng tiến độ

Ông Nguyễn Ðức Thánh cho biết, kế hoạch đầu tư từ nguồn thu tiền sử dụng đất cấp tỉnh quản lý năm 2024 đã phân bổ chi tiết 93,716/465 tỷ đồng cho Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường phía bờ Nam Sông Ðốc nối vào Quốc lộ 1 (Rau Dừa - Rạch Ráng - Sông Ðốc) để hoàn trả tạm ứng ngân sách tỉnh 93,445 tỷ đồng và thanh toán cho hạng mục cắm mốc lộ giới tuyến đường Rau Dừa - Rạch Ráng - Sông Ðốc 271 triệu đồng (đã chuẩn bị sẵn, đầy đủ hồ sơ thanh toán). Tuy nhiên, do đây chỉ là số kế hoạch, chưa phải số thu thực tế nên chưa giải ngân ngay được kế hoạch vốn đã bố trí cho dự án (nếu giải ngân được sẽ tăng 2% tỷ lệ giải ngân so với tổng kế hoạch đầu tư công năm 2024 của tỉnh).

Dự án xây dựng công trình cầu Gành Hào (xã Tân Thuận, huyện Ðầm Dơi), thành phần cuối trong Dự án trục Ðông - Tây từ Sông Ðốc (huyện Trần Văn Thời) sang thị trấn Gành Hào (huyện Ðông Hải, tỉnh Bạc Liêu), đang được đẩy nhanh tiến độ, quyết tâm hoàn thành cuối năm nay.

Cùng với đó, kế hoạch vốn đầu tư phát triển thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024 mới được phân bổ chi tiết tại các quyết định của UBND tỉnh trong tháng 2 và tháng 3 vừa qua, do cơ quan chủ trì quản lý từng chương trình mục tiêu quốc gia phải hoàn thiện các nội dung theo yêu cầu của UBND tỉnh nên tiến độ bị chậm.

“Luật Ðấu thầu số 22/2023/QH15 được Quốc hội thông qua ngày 23/6/2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024, nhưng đến ngày 27/2/2024 Chính phủ mới ban hành Nghị định số 24/2024/NÐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ðấu thầu về lựa chọn nhà thầu, gây chậm trễ trong việc triển khai thủ tục theo quy định (mất gần 3 tháng mới triển khai được thủ tục phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu), ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án, đặc biệt là các dự án khởi công mới", ông Thánh chia sẻ.

Theo kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đã được UBND tỉnh ban hành, đến hết quý I giải ngân ít nhất 25% tổng kế hoạch vốn năm 2024 đã bố trí. Trong đó, các dự án, công trình chuyển tiếp phải giải ngân ít nhất 35% kế hoạch vốn; các dự án, công trình khởi công mới phải giải ngân ít nhất 20% kế hoạch vốn.

Ðối với nguồn ngân sách Trung ương kế hoạch đầu tư công năm 2023 chuyển sang năm 2024, đến cuối tháng 3 vừa qua chỉ giải ngân được gần 11 tỷ đồng, bằng 2,6% kế hoạch. Cụ thể, nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 giải ngân 10,937 tỷ đồng, bằng 3,1% kế hoạch; vốn cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chưa giải ngân đồng nào; vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia giải ngân chỉ được 22 triệu đồng, bằng 0,1% kế hoạch (vốn trong nước).

Vẫn chuyện vướng mặt bằng

Năm 2023, tuy tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt trên 95%, cao hơn bình quân chung cả nước, nhưng vẫn còn có nhiều dự án lớn, thành phần quan trọng chưa đạt tiến độ giải ngân.

Cụ thể, Dự án nâng cấp đô thị vùng ÐBSCL - Tiểu dự án TP Cà Mau (188 tỷ đồng, trong đó hoàn trả tạm ứng ngân sách tỉnh 105 tỷ đồng và thanh toán khối lượng thực hiện 83 tỷ đồng) do UBND TP Cà Mau làm chủ đầu tư, do dự án còn vướng thủ tục thanh toán chi phí bảo hành các gói thầu thuộc dự án, chi phí tư vấn giám sát và công tác bàn giao ngành điện, nên chưa thể thanh toán khối lượng thực hiện và hoàn trả tạm ứng ngân sách tỉnh, làm ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân chung của tỉnh (hiện dự án này giải ngân 112,857/188 tỷ đồng, bằng 60% kế hoạch vốn). Ðây là một trong các dự án sử dụng vốn ngân sách địa phương năm 2023, dự kiến tới đây sẽ trình kỳ họp thứ 13 (chuyên đề) HÐND tỉnh cho kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2024.

Ðối với Tiểu dự án 8 - đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để phòng, chống xói lở bờ biển, cung cấp nước ngọt và phục vụ nuôi tôm - rừng vùng ven biển tỉnh Cà Mau, thuộc Dự án “Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ÐBSCL” - ICRSL do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) làm chủ đầu tư (136,778 tỷ đồng), do thời điểm đăng ký kế hoạch đầu tư công năm 2023 thì dự án chưa được cấp thẩm quyền gia hạn thời gian thực hiện hiệp định vay (hiệp định kết thúc trong năm 2022) nên tỉnh Cà Mau đã đăng ký toàn bộ số vốn ODA còn lại trong trung hạn giai đoạn 2021-2025 để thực hiện trong năm 2023.

Ðối với Dự án “Kết hợp bảo vệ vùng ven biển và phục hồi đai rừng ngập mặn tỉnh Kiên Giang và Cà Mau” (19,855 tỷ đồng), do vướng mắc trong việc xác định trách nhiệm giữa Ban Quản lý các dự án lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT và Tư vấn hỗ trợ dự án GOPA trong việc thực hiện các công việc quan trọng đã ảnh hưởng đến tiến độ. Hiện nay, Bộ NN&PTNT giao nhiệm vụ điều phối dự án lại cho Ban Quản lý Trung ương các dự án thuỷ lợi - Bộ NN&PTNT, để thực hiện các bước tiếp theo và dự án đang được Bộ NN&PTNT rà soát, điều chỉnh chủ trương đầu tư để triển khai các bước tiếp theo nên không giải ngân kế hoạch vốn được giao trong năm 2023.

Được triển khai từ năm 2017, đến nay Dự án xây dựng tuyến kè tại thị trấn Năm Căn (huyện Năm Căn) vẫn chưa hoàn thành và tiếp tục kéo dài thời gian dự kiến sang năm 2025, đội vốn hàng chục tỷ đồng.

Hiện, những dự án trọng điểm với số vốn đầu tư công khá lớn đang chậm tiến độ, trong đó phải kể đến các dự án: Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường U Minh - Khánh Hội; Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường Cái Nước - Vàm Ðình - Cái Ðôi Vàm; Dự án đầu tư hạ tầng chung các công trình lĩnh vực y tế; Dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư Khóm 6B, thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời; Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường về trung tâm xã Hàng Vịnh (ngã tư Vòng Xoay đến Vàm Xáng Cái Ngay), huyện Năm Căn; Dự án đầu tư xây dựng công trình bờ kè chống sạt lở khu dân cư thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn; Dự án Bệnh viện Ðiều dưỡng - Phục hồi chức năng tỉnh Cà Mau; Dự án Trụ sở hành chính thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển... Các dự án này phần lớn đều vướng khâu giải phóng mặt bằng, dẫn đến chậm tiến độ, cần quyết tâm giải quyết dứt điểm để đạt tiến độ đề ra, tạo nền tảng và động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.


Hiện nay, thời tiết mùa khô thuận lợi cho việc xây dựng công trình. Nhằm đẩy mạnh thực hiện, đảm bảo đạt tiến độ giải ngân theo kế hoạch đề ra, Sở KH&ÐT đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, TP Cà Mau và các chủ đầu tư nâng cao tinh thần trách nhiệm, tiếp tục chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đâu tư công được giao. Các chủ đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, đôn đốc các nhà thầu tăng cường năng lực thi công, sớm thực hiện hoàn thành các dự án, nhất là các dự án quan trọng của tỉnh, làm cơ sở xác định khả năng sử dụng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã giao cho dự án, để kịp thời điều chuyển sang các dự án khác (nếu có dôi dư)...

(Theo báo cáo của Sở KH&ÐT tại Hội nghị giao ban trực tuyến về đầu tư công năm 2024)


 

Trần Nguyên

 

Đất tiềm năng Cơ hội tài chính

Ðiển hình nông dân làm theo lời Bác

Thấm nhuần lời dạy của Bác: “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu”, thời gian qua, một trong những cách làm thiết thực của nông dân trong huyện là lấy việc nâng cao hiệu quả sản xuất để làm mô hình cụ thể học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cách làm này góp phần khích lệ nông dân khắc phục khó khăn, vươn lên thoát nghèo, đổi mới tư duy, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Nông dân Ðinh Văn Khởi, 48 tuổi, ấp Phú Thành, xã Phú Mỹ, là một điển hình.

Doanh số cho vay vốn chính sách năm 2024 hơn 1.000 tỷ đồng

Chiều 14/1, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân, Trưởng Ban Đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh, chủ trì cuộc họp Ban Đại diện để đánh giá, tổng kết tình hình hoạt động năm 2024 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2025.

Hứa hẹn bội thu vụ màu Tết

Thời gian qua, nông dân huyện U Minh tích cực cải tạo đất, xuống giống vụ hoa màu phục vụ thị trường Tết. Ðến nay, các diện tích hoa màu phát triển tốt, hứa hẹn bội thu.

Ứng dụng kỹ thuật, tăng giá trị cua nuôi

Thực hiện Ðề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thông qua chuyển giao khoa học - kỹ thuật, nông dân huyện Cái Nước đa dạng đối tượng nuôi, nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả đối với các mặt hàng chủ lực ở địa phương, trong đó có cua nuôi.

Chủ động khung lịch mùa vụ

Năm 2024, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực trên lĩnh vực sản xuất lúa gạo, chăn nuôi, đặc biệt là lĩnh vực thuỷ sản.

Kỳ vọng những “ngôi sao” OCOP

Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) không chỉ hướng đến lợi ích thuần tuý kinh tế mà còn giải quyết nhiều vấn đề xã hội của vùng nông thôn. Tuy nhiên, để một sản phẩm từ làng, xã vươn tầm, đủ sức để tham gia, cạnh tranh sòng phẳng, khẳng định vị trí vững chắc ở sân chơi lớn, thị trường chung thì không phải là điều đơn giản.

Mùa vui giáp Tết

Những ngày này, trên các cánh đồng lúa - tôm ở khu vực phường Tân Xuyên, TP Cà Mau, nông dân bắt đầu thu hoạch tôm càng trên ruộng lúa. Ða phần bà con thu hoạch theo cách truyền thống, nhưng một số hộ lại dùng phương pháp thuốc tôm bằng dây thuốc cá, mục đích vừa thu hoạch tôm, cá vừa cải tạo ao đầm, chuẩn bị cho vụ mùa mới.

Cục Quản lý thị trường kiểm tra trên 900 vụ

Năm 2024, các đội quản lý thị trường (QLTT) trực thuộc đã tổ chức kiểm tra 932 vụ (đạt 103% kế hoạch), phát hiện vi phạm và đã xử lý 542 vụ (giảm 55 vụ). Theo đó, xử lý vi phạm hành chính gần 5,6 tỷ đồng, tổng số tiền thu nộp vào ngân sách Nhà nước trên 5,7 tỷ đồng. Trị giá hàng hoá vi phạm trong kỳ trên 1,7 tỷ đồng. Kết quả trên đạt 163,24% chỉ tiêu thi đua Tổng cục QLTT giao và 158,7% chỉ tiêu phấn đấu của cục.

Vận hội mới cho kinh tế tập thể

Ðể thúc đẩy kinh tế tập thể (KTTT) phát triển nhanh, bền vững, Chủ tịch UBND tỉnh vừa có Quyết định số 2406/QÐ-UBND ban hành Ðề án Phát triển KTTT trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2025-2030 (Ðề án). Với những mục tiêu, giải pháp đề ra, Ðề án được kỳ vọng sẽ mở ra vận hội mới cho KTTT của tỉnh đột phá trong thời gian tới.

Tăng thu nhập từ chuối cau hương

Mô hình trồng chuối cau hương được hội viên Chi hội Phụ nữ ấp Tân Hiệp, xã Tân Ðức, huyện Ðầm Dơi, trồng thử nghiệm cách đây 1 năm, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Sản phẩm chuối có chất lượng ngon, dễ tiêu thụ. Hiện tại, lượng chuối thu hoạch không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.