ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 22-11-24 03:37:52
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Giáo dục bảo vệ môi trường trong học đường

Báo Cà Mau (CMO) Nhận thức tầm quan trọng của công tác giáo dục ý thức bảo vệ môi trường đối với thế hệ trẻ, những năm qua, các trường học trong tỉnh Cà Mau tích cực đẩy mạnh các hoạt động giáo dục môi trường gắn liền với phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực và bằng nhiều hình thức trực quan sinh động. Từ đó, tạo chuyển biến trong nhận thức và ý thức tham gia bảo vệ môi trường của học sinh.

Trong mỗi buổi chào cờ đầu tuần hay các tiết sinh hoạt chủ nhiệm, các em học sinh đều được thầy cô nhắc nhở từ những điều nhỏ nhặt nhất, như bỏ rác đúng nơi quy định, vệ sinh lớp học sạch sẽ, phân loại rác để tái sử dụng hiệu quả… Từ đó, định hình ý thức cho các em về trách nhiệm đối với môi trường sống xung quanh. Hình thức mưa dầm thấm lâu này dần tác động tích cực đến suy nghĩ của học sinh từ tiểu học đến đại học. Nhiều bạn thích thú bắt tay vào tìm hiểu kiến thức về môi trường, các vấn đề con người phải đối mặt khi môi trường bị ô nhiễm…

Em Phan Nguyễn Yến Ly, học sinh lớp 9E, Trường THCS Nguyễn Thái Bình (TP Cà Mau), cho biết: “Các vấn đề về ô nhiễm môi trường, không khí, nước được nhà trường thường xuyên tuyên truyền, từ đó giúp chúng em hiểu được tầm quan trọng, độ nguy hiểm của nó nên ý thức tham gia bảo vệ".

Bạn Lưu Mạnh Ðạt, sinh viên năm thứ tư chuyên ngành Kế toán, Trường Ðại học Bình Dương Phân hiệu Cà Mau, bày tỏ: “Những công việc nhỏ ngay từ khi ngồi ghế nhà trường sẽ giúp chúng em ý thức hơn việc bảo vệ môi trường và giúp các bạn trẻ hiện nay nâng cao ý thức bảo vệ môi trường vì trái đất hiện nay đang nóng lên, nhiều vấn đề mà con người phải đối mặt. Có ý thức và biết vun đắp tình yêu môi trường thì chúng ta mới quyết tâm và có động lực cao độ để chung tay bảo vệ môi trường sống đang gặp nhiều nguy cơ ô nhiễm”.

Không chỉ lồng ghép nội dung giáo dục bảo vệ môi trường vào các tiết học, môn học, mà ở các hoạt động ngoại khoá của học sinh các cấp cũng được lồng ghép nhiều nội dung mang ý nghĩa giáo dục môi trường bằng những hình thức trực quan sinh động. Ðiển hình như các cuộc thi hùng biện bằng tiếng Anh về môi trường, trình diễn thời trang tái chế, tạo những mô hình để thu gom chai nhựa… Mỗi hoạt động đều cung cấp kiến thức mới mẻ, thú vị và tạo điều kiện cho chính học sinh có những hành động thiết thực để hiểu giá trị của điều mình đang học và cần phát huy hơn mỗi ngày về bảo vệ môi trường.

Học sinh tham gia trình diễn trang phục từ các vật liệu tái chế. Ảnh: Nhật Minh

Em Phan Nghị Hào, học sinh lớp 9G, Trường THCS Nguyễn Thái Bình, chia sẻ: “Ở trường em có nhiều phong trào, như kế hoạch nhỏ thu gom lon chai nhựa, giấy vụn, một phần sẽ bảo vệ môi trường, đồng thời giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn; phát động phong trào trồng cây xanh, bồn hoa… Tất cả đều góp phần bảo vệ môi trường. Về rác thải nhựa, nhà trường luôn cho học sinh biết được tác hại của rác thải nhựa và phát động học sinh hạn chế sử dụng rác thải nhựa. Những buổi sinh hoạt, em và các bạn còn được học về việc tái chế chai nhựa, bao ni lông… thành những đồ dùng học tập hay đồ dùng hữu ích trong gia đình”.

Bạn Hà Tiên, sinh viên năm thứ tư chuyên ngành Luật Kinh tế, Trường Ðại học Bình Dương Phân hiệu Cà Mau, cho biết: “Trường em có những mô hình con cá để thu gom chai nhựa để bán lấy tiền quỹ cho hoạt động an sinh xã hội của trường. Ngoài ra, trường có đội công tác xã hội thực hiện những chiến dịch tình nguyện, Chủ nhật xanh để gom rác xung quanh trường và những nơi có rác nhiều. Bên cạnh đó, câu lạc bộ công tác xã hội của trường cũng phát động định kỳ ngày Chủ nhật xanh nhằm dọn dẹp khuôn viên trường, trồng cây, chăm sóc bồn hoa. Ngoài ra, câu lạc bộ phối hợp với các đoàn phường thu gom rác, gỡ các bảng quảng cáo và tuyên truyền cho mọi người về bảo vệ môi trường”.

Các sinh viên đại học cũng làm những chú cá xin chai nhựa để bán gây quỹ. Ảnh: Nhật Minh

Việc lan toả, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường trong trường học đã và đang góp phần không nhỏ vào sự nghiệp bảo vệ môi trường của toàn dân. Thầy Nguyễn Văn Thi, Bí thư, Tổng phụ trách Ðội của Trường THCS Nguyễn Thái Bình, cho biết: “Ngoài những bài học giáo dục tư tưởng, nhà trường luôn tìm tòi những cuộc thi mới để các em tham gia với ý thức bảo vệ môi trường và được các em hưởng ứng rất tích cực. Sắp tới, nhà trường sẽ có kế hoạch tổ chức những cuộc thi hay, đổi mới hơn về bảo vệ môi trường, đặc biệt tham gia những cuộc thi cấp trên phát động”.

Ðối với lứa tuổi mầm non, các giáo viên chung tay với phụ huynh định hình cho trẻ những thói quen tốt, trong đó có cả bài học về bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa thông qua những bài giảng lẫn các hoạt động thiết thực. Chẳng hạn như vào sáng sớm tầm 8 giờ, các em sẽ được hướng dẫn nhặt rác xung quanh khuôn viên trường. Hay xem phim, phóng sự về các vấn đề ô nhiễm môi trường, rác thải… để giúp các con phân biệt môi trường sạch và dơ… Bên cạnh đó, giáo viên hướng dẫn trẻ làm những bộ đồ thời trang bằng vật dụng tái chế, làm bình hoa, hộp bút bằng các vật liệu nhựa bị bỏ đi do chính các bé xin từ gia đình.

Các bé mẫu giáo được hướng dẫn quét rác trong khuôn viên trường để rèn ý thức giữ gìn môi trường sống. Ảnh: Nhật Minh

Cô Phan Mai Phương, Trường Mầm non Bình Minh, xã Hoà Tân, TP Cà Mau, cho biết: “Nhà trường tiếp tục có hình thức giáo dục ý thức bảo vệ môi trường thông qua những buổi sinh hoạt chào cờ, chủ nhiệm, chuyên đề công tác Ðội.  Qua các buổi như vậy, các bé có ý thức bảo vệ môi trường, bỏ rác đúng nơi quy định, phân loại rác thải và tái sử dụng vật liệu nhựa để thành đồ chơi. Qua những buổi họp phụ huynh, trường tuyên truyền tới phụ huynh về nguyên vật liệu phế thải, được phụ huynh rất đồng tình và ủng hộ nguyên vật liệu phế thải để cho cô hướng dẫn bé làm thành đồ chơi”.

Thông qua các giải pháp tích cực, các hoạt động cụ thể, ý thức về bảo vệ môi trường của học sinh được nâng lên rõ rệt. Các em chính là những tình nguyện viên tích cực nhất trong tương lai giúp môi trường cải thiện hơn từng ngày./.

 

Lam Khánh

 

Cậu học trò đam mê Tin học

Ðam mê Tin học, cộng với đức tính cần cù, chăm chỉ trong rèn luyện và học tập, cậu học trò Cao Nguyên Khang, Lớp 12A, Trường THPT U Minh, thị trấn U Minh, không chỉ duy trì thành tích học sinh khá giỏi mà còn sở hữu nhiều thành tích ấn tượng tại các cuộc thi Tin học.

Phạm Ðức Thuận và giải thưởng Ðại sứ Văn hoá đọc

Chọn đề tài viết tiếp tác phẩm "Bến quê" của Nhà văn Nguyễn Minh Châu và đề xuất nhiều sáng kiến, kinh nghiệm phát triển văn hoá đọc cho học sinh vùng sâu, vùng xa, Phạm Ðức Thuận, Lớp 10A1, Trường THPT Ðầm Dơi (huyện Ðầm Dơi) đoạt giải Khuyến khích toàn quốc cuộc thi Ðại sứ Văn hoá đọc năm 2024.

Trao 11 suất học bổng, 50 suất quà cho học sinh

Ngày 16/11, tại trường THCS Ngọc Chánh (huyện Đầm Dơi), Đoàn khối Dân chính đảng phối hợp trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau trao tặng 11 suất học bổng, 50 suất quà cho học sinh trong chương trình Nâng bước đến trường.

Gặp gỡ hai thủ khoa đầu vào ngành Sư phạm

Thầy Phạm Việt Hưng, Hiệu trưởng Trường THPT Ðầm Dơi (huyện Ðầm Dơi), cho biết, nhà trường vừa đón nhận niềm vui có hai em học sinh của trường là thủ khoa đầu vào ngành Sư phạm. Cụ thể, em Nguyễn Hải Ðăng, thủ khoa ngành Sư phạm Toán học tại Trường Ðại học Cần Thơ và em Bùi Hải An, thủ khoa ngành Sư phạm Lịch sử - Ðịa lý tại Trường Ðại học Sài Gòn.

Nâng chất giáo dục mầm non

Huyện Ngọc Hiển có 8 trường mầm non, mẫu giáo, trong đó có 4 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và 2 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, với tổng số hơn 1.600 trẻ theo học. Những năm qua, huyện quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học, sân chơi cho trẻ theo hướng ngày càng chuẩn hoá, đáp ứng điều kiện chăm sóc, giáo dục, góp phần nâng cao tỷ lệ huy động trẻ đến trường.

Gương sáng cô giáo Trần Hồng Măng

Những năm qua, Chi uỷ Trường Tiểu học Nguyễn Văn Huyên, thị trấn U Minh, huyện U Minh luôn quan tâm chỉ đạo đảng viên trong trường nghiêm túc thực hiện việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xem đây là một trong những phong trào thi đua thiết thực từng năm học. Quá trình thực hiện, trong Chi bộ đã xuất hiện nhiều cá nhân điển hình tiên tiến, cô giáo Trần Hồng Măng là một trong số đó.

Học để thoát nghèo

Cái nghèo đeo bám gia cảnh khiến giấc mơ nối dài con đường học tập của những bạn trẻ này không hề dễ dàng. Biến khó khăn thành động lực phấn đấu, hành trang bước vào đời là sự cố gắng không ngừng, cùng những vòng tay nhân ái luôn che chở - tất cả đã tạo nên sức mạnh để các bạn bước tiếp trên hành trình chinh phục tri thức.

Giáo dục sức khoẻ giới tính trong học đường

Nhằm thực hiện công tác giáo dục sức khoẻ giới tính trong lứa tuổi vị thành niên, thời gian qua, Chi cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình (DS-KHHGÐ) đã đẩy mạnh hoạt động tư vấn trực tiếp, cung cấp kiến thức về vấn đề giới tính cho học sinh tại các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh.

Trao bằng tốt nghiệp cho trên 400 tân thạc sĩ, dược sĩ, cử nhân

Năm học 2023-2024, Phân hiệu  trường Đại học Bình Dương tại Cà Mau đã đào tạo hơn 2.000 người học các hệ chính quy và sau đại học, kết hợp linh hoạt giữa hình thức học trực tiếp và trực tuyến, góp phần tạo điều kiện để người học có thể tham gia học tập mọi lúc mọi nơi. Theo đó, có 410 tân thạc sĩ, dược sĩ, cử nhân được trao bằng tốt nghiệp.

Tìm giải pháp nâng chất lượng thi tốt nghiệp THPT

Năm 2024, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của tỉnh đạt 99,11%, giảm so với 2 năm gần nhất là 2022 (99,16%) và 2023 (99,22%), nhưng tỷ lệ điểm trung bình của tất cả các bài thi/môn thi tăng so với 4 năm liền kề. Từ đó cho thấy, chất lượng dạy và học tăng lên. Theo tổng hợp, điểm trung bình chung trong 5 năm cao hơn 0.01 điểm, xếp hạng trên 1 bậc so với khu vực và cả nước.