Lịch sử giáo dục tỉnh Cà Mau phát triển từ phong trào giáo dục thời chiến: bình dân học vụ, nhiều hình thức học tập... và ghi đậm dấu ấn của nhiều vị tiến sĩ, trí thức trẻ. Việc học một cách tự giác đã trở thành niềm vui, niềm tự hào của người dân vùng cuối trời Tổ quốc.
Lịch sử giáo dục tỉnh Cà Mau phát triển từ phong trào giáo dục thời chiến: bình dân học vụ, nhiều hình thức học tập... và ghi đậm dấu ấn của nhiều vị tiến sĩ, trí thức trẻ. Việc học một cách tự giác đã trở thành niềm vui, niềm tự hào của người dân vùng cuối trời Tổ quốc.
Vùng đất trẻ vừa là cơ hội phát huy bản sắc văn hoá đa dân tộc, vừa là thách thức đặt nền tảng văn minh của cách mạng. Song, với những nỗ lực, đến cuối năm 1948, ở Cà Mau không còn ấp nào không có lớp học của phong trào bình dân học vụ theo lời hiệu triệu chống giặc dốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Giáo dục Cà Mau không ngừng nâng cao chất lượng. (Trong ảnh: Giờ thực nghiệm hoá học của thầy và trò Trường THCS xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển). |
Trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, vùng đất Cà Mau tiếp tục trở thành căn cứ địa cách mạng của Nam Bộ. Các ban, ngành của Trung ương đóng hầu hết trên khắp địa bàn các huyện của Cà Mau ngày nay: U Minh, Thới Bình, Cái Nước, Đầm Dơi.
“Chống dốt” đã trở thành cao trào cách mạng. Người dân Cà Mau suốt mấy đời “một chữ cắn đôi chẳng có” giờ hồ hỡi, đốt đèn dầu mù u, mỡ cá đến các lớp bình dân mỗi tối. “Đó là hiện thân của một xã hội học tập”, Nhà giáo Nhân dân, Tiến sĩ Thái Văn Long, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau, đã khẳng định trong công trình nghiên cứu của mình.
Được sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ uỷ Nam Bộ, Cà Mau là nơi tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho cuộc kháng chiến của dân tộc. Đến những năm 50, vùng Cà Mau có đến 30 trường, chiến 50% lượng trường học phổ thông, sư phạm toàn miền Nam. Từ đó làm nền tảng, cơ sở đào tạo hàng ngàn trí thức cho cách mạng và lãnh đạo cách mạng dân tộc. Từ sau chia tách tỉnh năm 1997, các chương trình giáo dục 9+3; 12+3… và đẩy mạnh đào tạo chuyên nghiệp, giáo dục tỉnh Cà Mau bắt đầu trang sử mới trong chuỗi phát triển đến ngày nay.
Kết quả công tác xoá mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học tính đến cuối năm 2015: tỷ lệ người trong độ tuổi 15-25 biết chữ đạt 99,40%; độ tuổi 26-35 biết chữ đạt 98,08%; độ tuổi 36-60 biết chữ đạt 95,58%; độ tuổi 15-60 biết chữ đạt 97,32%; 100% xã, phường, thị trấn tiếp tục duy trì đạt chuẩn xoá mù chữ; 100% huyện, thành phố tiếp tục duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, xoá mù chữ. |
Từng lúc, tuy chưa “giải quyết triệt để cơn khát”, nhưng ngành giáo dục đã khắc phục được tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng và cục bộ ở một số địa phương (nhất là giáo viên của bậc học mầm non). Điều đó được minh chứng bằng thực tiễn khi lượng giáo viên phục vụ bậc học này tăng hơn 100% vào năm 2010 so với năm 2001 (năm 2001 có 539 giáo viên, năm 2010 có 1.122 giáo viên). Với nhiều chính sách phát triển giáo dục, đến năm 2010, tỷ lệ huy động trẻ đến trường của tỉnh đạt trên 97%. Tỷ lệ trẻ bỏ học được ngăn chặn. Hệ thống các trường trung cấp chuyên nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên, cao đẳng, đại học hình thành mau chóng và hoạt động hiệu quả. Ngân sách địa phương chi cho giáo dục thời điểm này chiếm từ 22-25%. Điều này cho thấy kỳ quyết xây dựng nền giáo dục đổi mới, hiệu quả của tỉnh.
Bằng nhiều nỗ lực, đến năm 1998 tỉnh cơ bản được công nhận đạt chuẩn giáo dục phổ cập tiểu học và xoá mù chữ. Năm 2008, hoàn thành phổ cập giáo dục THCS. Năm 2009, hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Năm 2010, cơ bản giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên, đảm bảo chuẩn giáo viên ở mỗi cấp học. Năm 2015, tỉnh có 206/550 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.
Đến nay, Cà Mau đã xây dựng được hình ảnh và vị thế so với các địa phương trong khu vực. Điều này càng không thể thiếu sự đóng góp của chặng đường phát triển và cống hiến trên 70 năm của ngành giáo dục tỉnh Cà Mau./.
Bài và ảnh: Phong Phú