(CMO) Nhiều năm gần đây, công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại các điểm trường học được các ngành, các cấp quan tâm triển khai, nhất là khối mầm non, nơi tập trung nhiều trẻ nhỏ. Thực tế ghi nhận, tỷ lệ hoả hoạn tại trường học thấp hơn rất nhiều so với các khu dân cư, cơ sở kinh doanh, tuy nhiên việc nâng cao ý thức PCCC vẫn đặt lên hàng đầu.
Nâng chất trang thiết bị PCCC
Trường Mầm non Hương Tràm (Phường 5) và Trường Mẫu giáo Bông Hồng (Phường 5) là 2 điểm trường được chọn xây dựng thí điểm hệ thống PCCC tự động. Theo đó, tuỳ diện tích, quy mô của mỗi trường mà xây dựng hệ thống PCCC phù hợp với tình hình thực tế tại cơ sở. Ðây là hệ thống PCCC khá hiện đại, khi có sự cố về đám cháy, nhiệt, khói, hệ thống sẽ báo cháy bằng tiếng chuông cảnh báo. Khi đó lực lượng bảo vệ tại chỗ hoặc giáo viên sẽ phát hiện và tiến hành dập tắt đám cháy trong thời gian sớm nhất. Kinh phí lắp đặt hệ thống PCCC do UBND TP Cà Mau cấp, Phòng Giáo dục và Ðào tạo làm công tác tham mưu, Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh lắp đặt thiết bị.
Các kiến thức về PCCC được giáo viên lồng ghép vào các hoạt động học tập và vui chơi. (Trong ảnh: Giáo viên Trường Mầm non Hương Tràm giới thiệu bình chữa cháy và cách sử dụng bình chữa cháy khi có sự cố xảy ra). |
Bà Nguyễn Bích Thảo, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hương Tràm, phấn khởi: "Việc lắp đặt hệ thống PCCC tại trường nhằm hạn chế mối nguy hại từ các sự cố cháy. Ðặc biệt là thời điểm không có sự hiện diện của con người, khi phát hiện sự cố, hệ thống này sẽ làm nhiệm vụ cảnh báo, giúp việc dập tắt đám cháy được kịp thời, đảm bảo an toàn tính mạng cho trẻ, cán bộ, giáo viên, nhân viên và tài sản của nhà trường".
Năm học 2022-2023, Trường Mầm non Hương Tràm có 310 trẻ/10 phòng học và 5 phòng làm việc chuyên biệt. Trường đã được lắp đặt 20 bình chữa cháy, bao cát, chăn, bao bố, tiêu lệnh chữa cháy, xây dựng hồ chứa nước và lắp đặt hệ thống phun, vòi phun đến từng phòng học, khu học tập, vui chơi, khu bếp… Ðặc biệt, ngoài cổng trường còn bố trí trạm tiếp nước để phục vụ công tác PCCC quy mô khi cần huy động xe và lực lượng chữa cháy.
Năm học này, Trường Mẫu giáo Bông Hồng có 9 lớp. Bà Nguyễn Thị Hồng Yến, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Trước khi được chọn là trường thí điểm xây dựng hệ thống PCCC thì việc trang bị cơ sở vật chất PCCC vốn là điều khó khăn tại trường. Ban đầu nhà trường chưa có hệ thống hồ chứa nước nên trường chọn cách bơm nước trữ sẵn tại các thùng đặt trong nhà vệ sinh, tuy nhiên, điều này không khả quan vì nguy cơ cao trẻ chơi đùa không an toàn, có thể dẫn đến đuối nước. Do đó, khi lắp đặt được hệ thống PCCC hiện đại là niềm vui của cả tập thể nhà trường, của phụ huynh, giúp giải quyết được bài toán về đầu tư trang thiết bị PCCC”.
Ðể đảm bảo công tác PCCC, Trường Mẫu giáo Bông Hồng chủ động xây dựng kế hoạch phù hợp. Do đặc thù là trường bán trú nên để tiện trong sinh hoạt, dựa vào tính chất sử dụng, tách biệt các phòng học với khu hoạt động vui chơi, bếp ăn để tổ chức PCCC. Các vật dễ cháy nổ, bắt nhiệt được bố trí cách xa khu bếp. Ðịnh kỳ thiết bị điện, gas đều có nhân viên đến kiểm tra bảo trì cẩn thận tránh rò rỉ, hư hại. Với phần khuôn viên trường khá hẹp, ngoài cổng chính còn xây dựng thêm cửa thoát hiểm phụ. Sau khi khảo sát để xây dựng hệ thống PCCC, ngoài phân tích những lợi thế, điểm yếu để tập thể nhà trường nắm bắt, còn xây thêm cầu thang phụ tạo nhiều lối trên cao để thoát hiểm nhanh và an toàn.
Cô và trò cùng tìm hiểu về hệ thống PCCC, bằng hình ảnh trực quan và thực tế giúp trẻ dễ hình dung và tiếp thu kiến thức. |
Chủ động lồng ghép kiến thức, kỹ năng về PCCC
Xác định công tác PCCC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và ưu tiên song hành cùng với việc chăm sóc và giáo dục trẻ, định kỳ, tại Trường Mầm non Hương Tràm và Trường Mẫu giáo Bông Hồng đều cử cán bộ tham gia tập huấn PCCC. Mặt khác, trong các tiết học, hoạt động góc khi phù hợp sẽ lồng ghép kiến thức và kỹ năng PCCC cơ bản cho trẻ theo từng độ tuổi, khối lớp học.
Cô Ðỗ Ngọc Huỳnh, giáo viên chủ nhiệm lớp Lá 3, Trường Mầm non Hương Tràm, chia sẻ: “Tại trường, giáo viên dạy cho trẻ nghe tiếng chuông báo động và chạy thoát hiểm, sơ tán theo sự hướng dẫn của cô. Ngoài ra, còn cho trẻ xem video về PCCC, thoát nạn giúp trẻ vững tâm lý hơn khi có sự cố. Bên cạnh đó, cứ 3 tháng, nhà trường còn liên kết các khối lớp tổ chức giáo dục về PCCC quy mô, trong đó chú trọng trang bị các kỹ năng cho trẻ là chính, tránh xa các nguồn nhiệt nguy hiểm…”.
“Các kiến thức về PCCC là một trong những kỹ năng cần thiết để giáo dục trẻ. Ở độ tuổi mầm non, bài học PCCC được lồng ghép khá nhẹ nhàng, mọi lúc mọi nơi để trẻ dễ tiếp thu và thích nghi. Như dạy trẻ tránh xa những nơi nguy hiểm; khi phát hiện những dấu hiệu bất thường cần hô hào hoặc báo ngay với cô; xây dựng các tình huống giả định; giới thiệu để trẻ làm quen với bình chữa cháy, công dụng và số điện thoại báo cháy 114…”, cô Huỳnh Thị Vân Phương, giáo viên chủ nhiệm lớp Lá B, Trường Mầm non Bông Hồng, chia sẻ.
Khác với những cấp học khác, đối với cấp mầm non đặc thù giáo viên phần lớn là nữ, chỉ có bảo vệ là nam nên đối với công tác PCCC nghiêng về phòng là chính. Chính vì vậy việc xây dựng hệ thống PCCC tự động có ý nghĩa lớn giúp đảm bảo an toàn về người và của, giảm thiệt hại đến mức thấp nhất khi sự cố xảy ra./.
Ngô Nhi