ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 20-7-25 10:36:25
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Giao thoa giữa Nguyễn Ngọc Tư và triết lý Nietzsche

Báo Cà Mau Giải thưởng "Văn học Ðông Nam Á xuất sắc nhất năm 2024" mà Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư nhận được từ Tạp chí Văn học Ðiền Trì (Trung Quốc) khẳng định tài năng của chị, đồng thời khẳng định tầm ảnh hưởng của văn học Việt Nam với các nước trong khu vực và quốc tế.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.                                              (Ảnh tư liệu)

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. (Ảnh tư liệu)

Truyện ngắn "Những biển" là 1 trong 3 tác phẩm nằm trong tập truyện "Cố định một đám mây" của Nguyễn Ngọc Tư, được Tạp chí Ðiền Trì trao giải. Qua câu chuyện của Nhị, người vợ đang tìm kiếm chồng mất tích trên biển, Nguyễn Ngọc Tư vừa chia sẻ nỗi đau mất mát, vừa khắc hoạ tinh tế tâm lý phức tạp của con người khi đối mặt với sự chia ly, hoang mang và tuyệt vọng.

Tác phẩm thể hiện những khía cạnh sâu kín nhất trong nội tâm con người, biến biển cả từ bối cảnh tự nhiên sang ám ảnh của sự mất mát và vô thường. Qua “Những biển”, Nguyễn Ngọc Tư đưa người đọc trải qua hành trình đầy ám ảnh của “những bi kịch thực tại”.

Không biết vô tình hay hữu ý, khi đọc “Những biển”, tôi lại liên tưởng đến tác phẩm triết học “The Birth of Tragedy” (Sự ra đời của bi kịch) của Friedrich Nietzsche (1844-1900), triết gia nổi tiếng người Ðức.

Theo Nietzsche, cuộc sống đầy rẫy những bi kịch và khổ đau là điều tất yếu. Bi kịch chính là phần không thể tránh khỏi của sự tồn tại, hiện thân của sự mâu thuẫn và hỗn loạn trong bản chất cuộc sống. Nhưng Nietzsche không nhìn nhận bi kịch chỉ là một điều tiêu cực. Bi kịch có thể mang lại sự khai sáng, khi con người hiểu được bản chất khổ đau của sự tồn tại. "Ý chí sống mạnh mẽ" là điều giúp con người vượt qua bi kịch. Nietzsche tin rằng, thay vì trốn tránh đau khổ và bi kịch, con người cần học cách đối diện và chấp nhận. Từ đó, ta có thể vượt qua sự huỷ diệt, tìm thấy sức mạnh nội tại và trở thành phiên bản mạnh mẽ hơn của chính mình.

Câu nói nổi tiếng của Nietzsche: "What doesn’t kill you makes you stronger" (Ðiều gì không giết được bạn sẽ khiến bạn mạnh mẽ hơn), chính là sự phản ánh hoàn hảo cho quan điểm này.

Nguyễn Ngọc Tư và Friedrich Nietzsche, dù đến từ hai nền văn hoá và bối cảnh khác nhau nhưng lại có những điểm giao thoa trong cách nhìn nhận về cuộc đời và nỗi đau con người. Cả hai đều thể hiện sự thấu hiểu sâu sắc về bi kịch cuộc sống, về những nỗi đau không thể tránh khỏi và cách con người đối diện với nó.

Nhân vật Nhị phải đối mặt với sự mất mát, hoang mang trước sự biến mất của người chồng giữa biển cả. Nhị đã trải qua đau khổ khi mất người thân, đối diện với nỗi hoài nghi, tuyệt vọng về ý nghĩa của cuộc sống và mối quan hệ vợ chồng. Sự bất lực và đau khổ của cô là hiện thân cho cái nhìn sâu sắc của Nguyễn Ngọc Tư về bi kịch hiện sinh và cách con người phải đối mặt với những bất định của cuộc đời. Nhị giằng xé giữa hy vọng và tuyệt vọng, giữa tình yêu và oán giận. Sự chịu đựng và dấn thân vào khổ đau của Nhị không phải là sự đầu hàng, mà là cách để hiểu sâu hơn về thực tại khắc nghiệt của đời người. Cô nhận ra rằng, bi kịch không chỉ đến từ sự mất mát người thân, mà còn từ việc phải đối diện với những sự thật phũ phàng về mối quan hệ và cuộc đời mà cô đã sống.

Nietzsche phát triển ý tưởng “amor fati” - yêu lấy số phận, như triết lý sống để con người vượt qua bi kịch. Với ông, thay vì trốn tránh nỗi đau và bi kịch, cần học cách yêu thương và chấp nhận số phận. Chỉ khi yêu cả những điều tồi tệ nhất mà cuộc đời mang đến, con người mới thực sự sống mạnh mẽ và trọn vẹn.

Nhân vật Nhị không từ bỏ hy vọng, dù cô không thể tìm thấy chồng, cô vẫn tiếp tục tồn tại trong sự đan xen của đau đớn và hy vọng mỏng manh. Cô không chạy trốn bi kịch, mà dường như hoà mình vào nó, tương tự như cách Nietzsche khuyến khích con người chấp nhận thực tại, thay vì chống lại nó.

Một điểm tương đồng khác giữa triết lý của Nietzsche và Nguyễn Ngọc Tư là khái niệm về sức mạnh nội tại. Nietzsche đề cao "ý chí sống" như động lực để vượt qua đau khổ, khẳng định bản thân và tạo ra ý nghĩa cuộc sống. Ðối với Nietzsche, chính thông qua việc đối diện và chấp nhận khổ đau, con người có thể phát huy sức mạnh nội tại và trở nên mạnh mẽ hơn.

Tương tự, Nhị có sức mạnh tinh thần lớn, xuất phát từ chính những khó khăn và bi kịch phải đối diện. Dù tổn thương và đau khổ trước lời nói phũ phàng rằng chồng cô có thể đã bị cá rỉa sạch, nhưng Nhị vẫn bình tĩnh đáp lại: "Thì cũng phải thấy đống xương đó mới được chớ".

Câu nói này thể hiện sự bướng bỉnh và kiên quyết của Nhị. Dù tình hình có tồi tệ đến mức nào, Nhị cũng không dễ dàng từ bỏ hy vọng. Cô không bị những lời ác ý làm suy sụp mà vẫn giữ vững niềm tin, tiếp tục chờ đợi chồng. Hành động không bỏ cuộc này chính là hình ảnh tiêu biểu của lòng dũng cảm trong bi kịch, tương tự với triết lý của Nietzsche về việc con người cần đối mặt và chấp nhận nỗi đau, tìm sức mạnh từ những mất mát và khổ đau trong cuộc sống.

Cả Nguyễn Ngọc Tư và Nietzsche đều khám phá sự mâu thuẫn nội tại của con người. Nietzsche chỉ ra rằng, con người luôn bị giằng xé giữa bản năng hỗn loạn, cảm xúc mạnh mẽ và sự kiểm soát, lý trí. Sự mâu thuẫn này tạo ra bi kịch trong đời sống con người.

Bìa sách “Cố định một đám mây”, Nhà Xuất bản Ðà Nẵng.

Bìa sách “Cố định một đám mây”, Nhà Xuất bản Ðà Nẵng.

Nhị bị giằng xé bởi những cảm xúc đối lập: tình yêu và nỗi oán giận, hy vọng và tuyệt vọng. Cô vừa mong muốn tìm thấy chồng, vừa cảm thấy tức giận và nghi ngờ sự mất tích của anh ta.

Minh chứng cụ thể về tình yêu và nỗi oán giận khi Nhị nhớ lại khoảnh khắc cô và chồng tranh cãi trước khi anh biến mất: “Anh đã đưa chiếc xe máy già lạc vài chục cây số chỉ vì "nghe đằng trước tiếng trống múa lân, tưởng gần" và lúc chồng vuốt cổ chân rủ thử coi giường khách sạn có êm không, Nhị đã đạp anh văng vào vách không chút xót”. Oán giận chồng, vì những hành động bốc đồng và hời hợt của anh, nhưng sau khi anh biến mất, Nhị cảm thấy hối hận và đau khổ.

Về hy vọng và tuyệt vọng, sự giằng xé cảm xúc của Nhị thể hiện rõ trong cách cô đối mặt với tình trạng mất tích của chồng: "Chồng sửa soạn cho cuộc biến mất ấy ngay trước mặt Nhị, với vẻ hớn hở thường ngày. Chơi sóng một lúc, chồng trườn lên bãi uống cạn ly nước mía trong tay Nhị... rồi anh hụp khỏi lớp sóng khảm bạc, một tay bịt mũi, như thể bằng cách đó anh có thể nhịn thở lâu hơn".

Mặc dù chồng biến mất giữa biển, Nhị không ngay lập tức lo lắng hay hốt hoảng. Cô vẫn giữ hy vọng rằng chồng sẽ trở về, nhưng dần dần, sau nhiều ngày không có tin tức, cô chuyển sang tuyệt vọng. Sự chờ đợi mệt mỏi và đau khổ này giằng xé Nhị giữa mong muốn tìm thấy chồng còn sống và sự sợ hãi về thực tế tàn nhẫn rằng anh đã không còn.

Chính sự thể hiện phức tạp của cảm xúc đối lập trong nhân vật, làm nổi bật chiều sâu tâm lý và bi kịch mà cô phải đối mặt. Cảm xúc của Nhị không có sự rõ ràng, mà là sự pha trộn giữa nhiều trạng thái phức tạp, tượng trưng cho mâu thuẫn nội tâm mà con người phải đối diện trong cuộc đời. Sự giằng xé này chính là biểu hiện của sự đấu tranh giữa cảm xúc hoang dại và lý trí, giữa hy vọng và thực tế phũ phàng, rất tương đồng với triết lý của Nietzsche về bi kịch.

Cuối cùng, cả Nguyễn Ngọc Tư và Nietzsche đều đồng tình rằng bi kịch là một phần không thể tránh khỏi của cuộc sống. Ðối với Nietzsche, việc đối mặt với bi kịch và đau khổ chính là cách con người nhận ra sự thật của cuộc sống, từ đó tìm thấy ý nghĩa sâu sắc hơn. Nguyễn Ngọc Tư xây dựng câu chuyện đầy bi kịch, nhưng không phải để làm con người gục ngã, mà để họ đối diện với sự thật và học cách tiếp tục sống, dù đôi khi không còn hy vọng.

Mặc dù Nguyễn Ngọc Tư không trực tiếp chịu ảnh hưởng từ Nietzsche, nhưng tác phẩm của chị thể hiện sự cộng hưởng sâu sắc với triết lý của ông. Cả hai đều nhận ra sự thật rằng, bi kịch và khổ đau không thể tránh khỏi, nhưng thay vì né tránh, chúng ta phải đối mặt, chấp nhận và tìm thấy sức mạnh từ chính những điều đó. Ðây là sự giao thoa tinh tế giữa triết học và văn chương, khi cả hai tác giả cùng chung sự thấu hiểu về bản chất bi kịch.

Với lối viết tinh tế, gần gũi nhưng đầy chiều sâu, Nguyễn Ngọc Tư đã tạo nên tác phẩm mang giá trị nhân văn sâu sắc, tiếp cận và chạm đến cảm xúc của người đọc toàn thế giới.

Việc được trao Giải thưởng Văn học Ðông Nam Á xuất sắc nhất năm 2024, một lần nữa khẳng định dấu ấn độc đáo của Nguyễn Ngọc Tư trong văn chương. Ðộc đáo ở chỗ Nguyễn Ngọc Tư là một trong những nhà văn hiếm hoi của văn học Việt Nam hiện đại có khả năng kể chuyện bằng sự chân thật, đồng thời khơi dậy những suy tư triết lý về cuộc sống./.

 

Nguyễn Hoàng Lê

 

Lan toả đam mê

Chị Ðặng Thị Thanh Mai không nhớ rõ mình bén duyên với nhiếp ảnh từ khi nào. Chỉ nhớ cách đây hơn 10 năm, lúc chưa nghỉ hưu, nhưng vì mê dịch chuyển đó đây, nên tranh thủ ngày cuối tuần, ngày phép... cứ có dịp là chị lại thu xếp thực hiện nhiều chuyến đi.

Gìn giữ con chữ, vun bồi bản sắc

Cộng đồng người Hoa tại Cà Mau, luôn quan tâm giữ gìn, lưu truyền chữ viết của dân tộc và duy trì thường xuyên các lớp giảng dạy, với sự hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể tỉnh. Những lớp học ấy không chỉ là nơi truyền dạy ngôn ngữ, mà còn là cầu nối thế hệ, vun bồi bản sắc, văn hóa của một cộng đồng giàu truyền thống.

Khi sắc màu dẫn lối

Tay máy nữ Nguyễn Bích Thu hiện sinh sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Ðam mê nhiếp ảnh từ năm 2020, tuy không sinh hoạt chính quy ở tổ chức nào, nhưng tình yêu dành cho nhiếp ảnh trong chị luôn được nuôi dưỡng, vun đắp, duy trì qua rất nhiều những chuyến đi kết hợp giữa sáng tác nhiếp ảnh và du lịch trải nghiệm. Ngoài chủ đề yêu thích nhất là ảnh phong cảnh, chị cũng thích chụp ảnh chân dung, đời thường và nhiều chủ đề khác theo phong trào của anh em nhiếp ảnh tại TP Hồ Chí Minh.

Bác Ba Phi kể chuyện miệt rừng giờ đã thành miệt ước mơ

“Mấy chú ơi, đừng tưởng tui già rồi không biết thời cuộc nhen. Ừ thì tóc rụng, răng rụng, chớ tai mắt còn thính lắm. Tui nghe người ta nói Cà Mau giờ không còn là cái chấm cuối bản đồ nữa đâu nghen. Mà là chấm khởi đầu cho giấc mơ mới đó. Tui nghe mấy ổng gọi là... Cà Mau mới! Mới là phải rồi, vì mình đâu có như hồi xưa nữa!”.

Cà Mau: Đoàn kết phát triển - vững bước tương lai

Chương trình nghệ thuật và bắn pháo hoa chào mừng sự kiện hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau với chủ đề: “Cà Mau: Đoàn kết phát triển - Vững bước tương lai” được truyền hình trực tiếp trên sóng Báo và Đài Phát thanh, truyền hình Cà Mau (CTV), Báo và Đài Phát thanh – Truyền hình Bạc Liêu (BTV) và trên các nền tảng công nghệ số.

Tổng duyệt chương trình nghệ thuật chào mừng sự kiện hợp nhất hai tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu

Tối 29/6, tại Quảng trường đường Trần Hưng Đạo (Phường 5, TP Cà Mau), Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau tổ chức tổng duyệt chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng sự kiện hợp nhất tỉnh Cà Mau và tỉnh Bạc Liêu.

Khi Bác Ba Phi gặp Công tử Bạc Liêu

Trong một buổi trò chuyện ở xứ Cà Mau, khi bàn về hình ảnh biểu tượng cho sự hợp nhất giữa 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau, một bác nông dân cười hóm hỉnh: “Thì để bác Ba Phi gặp Công tử Bạc Liêu thử coi!”.

Ðậm tình với đất quê

Sinh ra và lớn lên ở Xứ Thanh, tác giả Hiệp Sơn (Phan Trung Sơn), Phó ban Nhiếp ảnh (thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thanh Hoá), gắn bó máu thịt với quê hương, cả trong đời sống và sáng tác.

Bạc Liêu đến thấy yêu, xa thấy nhớ

Chẳng có cảnh sắc hùng vĩ do thiên nhiên ban tặng như nhiều nơi, vùng đất Bạc Liêu với những “đặc sản” là tính cách mến khách, nghĩa tình, những nét văn hóa không pha lẫn đã nhẹ nhàng gieo vào lòng du khách những tình cảm đặc biệt.

Trang sách mở…

​Thật lòng bây giờ nghe nói đến nhập nhập, tách tách, xuống xuống, lên lên là tôi rất… “oải chè đậu”. Hơn 30 năm theo Đài Phát thanh - Truyền hình (PT-TH) tỉnh, tôi đã quá thấm cảnh “lên bờ, xuống ruộng”.