Ngày 22/2, tuyến lộ giao thông rộng 3 m, dài 3 km bờ Nam kênh Quảng Hảo, thuộc xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời tiếp tục xảy ra vụ sụt lún mới tại ấp Bình Minh 2.
Ông Nguyễn Văn Phước, người dân sinh sống ngay điểm sụp lún cho biết: “Sáng sớm nay, gia đình phát hiện sân nhà nứt nẻ, đoạn lộ trước mặt nhà nghiêng về phía bờ kênh. Khi xuống nhìn kỹ hơn thì toàn bộ chân đất phía dưới mặt lộ đã sụt lún, khoét hàm ếch sâu ăn sâu vào bên trong hết thân lộ, còn bùn sình thì trồi lên bít hết mặt kênh đã kiệt nước. Kiểu này thì nội trong ngày nay, đoạn lộ chừng 10 m này sẽ sụp xuống luôn”.
Điểm sụp lún tại ấp Bình Minh 2, xã Trần Hợi vào ngày 22/2, toàn bộ chân đất bên dưới thân lộ đã sụp lún hoàn toàn, khoét hàm ếch sâu ăn hết thân lộ
Ông Nguyễn Văn Đoàn, Chủ tịch UBND xã Trần Hợi có mặt tại hiện trường thông tin thêm: “Tuyến lộ bờ Nam kênh Quảng Hảo vừa được đầu tư, xây dựng và đưa vào sử dụng khoảng 1 năm rưỡi nay. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tuyến đã có 12 điểm sụp lún, có một số đoạn đã sụp lún gây hư hỏng hoàn toàn lộ giao thông. Địa phương đã cắm biển, căng dây và dừng hoàn toàn việc lưu thông tuyến này”.
Dù bước vào mùa khô hạn chưa lâu, kênh Quảng Hảo đã khô kiệt nước, kèm theo đó là 12 điểm sụp lún, gây tê liệt hoàn toàn giao thông toàn tuyến.
Theo thống kê của UBND xã Trần Hợi, toàn xã đã có 32 điểm sụp lún, gây thiệt hại cho 1,3 km lộ giao thông, thiệt hại ước tính trên 1 tỷ đồng.
Ông Duy Ngọc Nguyễn, Trưởng ấp Bình Minh 2, cho biết: “Do đang vào cao điểm thu hoạch vụ mùa Đông – Xuân, giao thông bị tê liệt gây nhiều khó khăn cho người dân trong đi lại, mua bán. Hiện nay, diện tích trồng lúa của bà con trong ấp chưa thu hoạch là khoảng 2/3 trong tổng số 185 ha. Thương lái giảm giá lúa để bù vào chi phí vận chuyển dẫn đến lợi nhuận của nông dân bị sụt giảm. Tuyến đường vừa mới đưa vào sử dụng đã hư hỏng, kinh phí sửa chữa sẽ tốn kém rất lớn. Mùa hạn năm nay rất khốc liệt, chỉ mới qua tháng Giêng kênh đã khô nước hết rồi”.
Tình trạng sụp lún diễn biến phức tạp, trong khi còn nhiều diện tích lúa chưa thu hoạch khiến người dân sinh sống trên tuyến bờ Nam kênh Quảng Hảo lo lắng.
Về giải pháp ứng phó của địa phương, ông Nguyễn Văn Đoàn chia sẻ: “Địa phương đã chỉ đạo làm ngay việc cắt tỉa cây cối, nhất là những cây cổ thụ ven các bờ kênh để giảm tải, giảm áp lực, hạn chế các điểm sụp lún mới. Bên cạnh đó, thực hiện việc tập kết vật tư, nông sản của bà con ở những nơi không gây áp lực cho lộ giao thông. Với những nơi đã sụp lún, các ấp tổ chức ban bờ ruộng để tạo đường vận chuyển nông sản thuận lợi. Về lâu dài, chúng tôi cũng khuyến cáo, vận động bà con di dời nhà cửa, các công trình ven bờ kênh lên vị trí an toàn, hạn chế tối đa những tổn thất do sụp lún gây ra”.
Cắt tỉa cây ven kênh là giải pháp mà người dân và chính quyền xã Trần Hợi đang rốt ráo thực hiện, giảm thiểu thiệt hại từ hiện tượng sụp lún đang diễn biến hết sức phức tạp.
Qua rà soát, xã Trần Hợi còn nhiều điểm nóng về sụp lún dù chỉ bước vào đầu mùa khô hạn. Bên cạnh tuyến bờ Nam kênh Quảng Hảo đã tê liệt, các tuyến lộ giao thông kênh Chống Mỹ, T32, T34, Cơi 4... dự báo tình trạng sụp lún sẽ tiếp tục có diễn biến phức tạp trong khi mùa hạn hán còn kéo dài.
Quốc Rin