Hải Vân Quan (cổng quan trên đèo Hải Vân), công trình được vua Minh Mạng xuống chỉ cho xây dựng vào tháng 2 năm Bính Tuất (1826). Phía trước cổng quan viết 3 chữ "Hải Vân Quan", phía sau viết 6 chữ "Thiên hạ đệ nhất hùng quan", hai bên tả hữu xếp đá làm tường, trước sau liền nhau. Muốn vượt qua ải Hải Vân đều phải qua hai lần cửa xây bằng gạch theo lối vòm cuốn, giống cửa ở kinh thành Huế, nhưng không có vọng lâu, bên trên cửa là sân thượng dùng để quan sát bốn phía, có xây bậc thang lên xuống.
Cuối năm 1946, khi Pháp trở lại xâm lược nước ta đã cải tạo Hải Vân Quan thành cứ điểm với nhiều công sự vững chắc án ngữ trên đỉnh đèo hiểm trở. Sau năm 1954, hệ thống nhà ở, đồn bót, công sự... được quân đội Mỹ và chính quyền Sài Gòn tiếp tục sử dụng...
Thời gian và chiến tranh tàn phá đã làm cho công trình này ngày một xuống cấp. Ngày 14/4/2017, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng Hải Vân Quan là Di tích cấp Quốc gia. Ngày 19/12/2021, Dự án “Bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan” đã được chính quyền TP Ðà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế khởi công thực hiện. Sau gần 3 năm, với sự nỗ lực của các cơ quan liên quan, đến ngày 1/8/2024, công trình được nghiệm thu và đưa vào phục vụ khách tham quan.
Ðèo Hải Vân không chỉ là một danh thắng hùng vĩ vào bậc nhất nước ta - “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”, mà còn là nơi chứng kiến bao nhiêu chiến tích oai hùng trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc trong suốt nhiều thế kỷ qua, đặc biệt là trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ./.
Những căn nhà việc của Cai đội và lính thú thời xưa tại Hải Vân Quan.
Một dãy tường thành của Hải Vân Quan.
Hải Vân Quan nhìn từ Quốc lộ 1.
Cổng vòm Hải Vân Quan.
Nhà việc trung tâm của Hải Vân Quan.
Ðào Minh Tuấn thực hiện