ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 21-9-24 02:30:57
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Hậu đậu

Báo Cà Mau "Tai nạn" hơn, có lần Hậu Ðậu mang xe đạp đi chợ; ra về xe mình không lấy lại tỉnh bơ dắt xe người khác leo lên đạp đi. Lần ấy không nhờ bà con tích cực can ngăn (nó… hậu đậu mà, chợ này ai không biết…), chắc Hậu Ðậu đã no đòn cùng bà chủ xe tướng tá “sát thủ”. Mà không, nói đến đòn roi cũng chẳng phải chuyện gì lạ lẫm với Hậu Ðậu. Không có bà chủ xe, Hậu Ðậu cũng đã dài dài ăn đòn của mẹ.

1. Nàng tên Hậu, nhưng mọi người cứ quen gọi nàng là Hậu… Ðậu. Phải, rất hậu đậu, hậu đậu toàn tập, hậu đậu vô cùng. Lúc nhỏ ở nhà, mẹ sai mang chén đi rửa, y như rằng Hậu Ðậu rửa xong bốn cái sẽ thành năm, có khi còn nhiều hơn. Sai quét nhà thì chổi quét chổi chừa. Ði chợ ư, mua xong trả tiền cẩn thận nhưng về nhà với… tay không. May hơn thì món mang món "gửi". Lâu riết biết ý, chủ hàng tốt bụng sẽ ơi ới gọi theo. Gặp chủ hàng vô tâm hay có máu tham coi như… xong, chịu khó đi chợ lần hai mà mua lại!

"Tai nạn" hơn, có lần Hậu Ðậu mang xe đạp đi chợ; ra về xe mình không lấy lại tỉnh bơ dắt xe người khác leo lên đạp đi. Lần ấy không nhờ bà con tích cực can ngăn (nó… hậu đậu mà, chợ này ai không biết…), chắc Hậu Ðậu đã no đòn cùng bà chủ xe tướng tá “sát thủ”. Mà không, nói đến đòn roi cũng chẳng phải chuyện gì lạ lẫm với Hậu Ðậu. Không có bà chủ xe, Hậu Ðậu cũng đã dài dài ăn đòn của mẹ. Ăn nhiêu ăn, tính hậu đậu vẫn không thể sửa. Mẹ cay đắng ví von: "Con đó mắt nó… nằm trên chóp".  Ðúng, vẻ như Hậu Ðậu không bao giờ dòm xuống chân khi bước; bằng chứng là đụng gì cũng giẫm, kể cả con chó, con mèo, con cóc, con nhái. Ðồ đạc, giấy tờ gì giao tay Hậu Ðậu cất là coi như xong, khỏi có kiếm hoặc may mắn hơn thì nhờ… người khác kiếm ra! Chuyện bếp núc của Hậu Ðậu còn vui hơn: sống sít, khét khê, mặn quéo lưỡi hay nhạt nước lã là những sự cố thường trực. Mẹ cười mếu: "Cứ cái mửng ấy, mai mốt làm dâu chắc bị mẹ chồng… úp xoong lên đầu con ơi!".

MH: Minh Tấn

Lâu dần, chuyện chợ búa, bếp núc cửa nhà Hậu Ðậu đều tuần tự được “cho thôi việc” bởi lợi không bù hại. Hậu Ðậu được giao chăn bò. Chuyện này coi bộ hơi ổn bởi tính Hậu Ðậu thích nhảy nhót, lang thang, nghê nga đồng bãi. Tự do, không phải vào khuôn vào thước, không bị ai quản lý rầy rà. Bò ư, theo có chừng thôi; không có Hậu Ðậu thì lũ bò, theo bản năng, vẫn tự biết đường đi đường về. Qua sông qua suối hoặc đơn giản là… làm biếng đi còn được chúng chở trên lưng. Chị Hai cười trêu: "Mầy mà chăn bò gì, bò nó… chăn mầy thì có!". Nghe hơi tức, nhưng không phải là không có lý. Thôi kệ, ai chăn ai cũng được, miễn không ai phàn nàn ai. Mà, yên tâm đi, lũ bò có bất bình Hậu Ðậu chắc chắn chúng cũng không thể phàn nàn…

2. Hậu Ðậu học giỏi, "điểm sáng" duy nhất cứu vãn tình hình.

Mẹ thở dài, thôi, ráng học, mai mốt có năm ba chữ bỏ bụng mà kiếm cơm. Chớ cái bộ mầy không chữ nữa thì làm gì ăn? Ba lạc quan hơn: "Con này coi bộ sáng, giống tao hồi nhỏ! Mẹ trợn mắt: “Giống tao, giống tao rồi báo tui phải nuôi suốt đời đó…". Ba “tắt đài”, nín khe. Mẹ nói không oan, ba chữ nghĩa nhiều thật, nhưng làm ăn tính toán vụng về, rốt cuộc một tay “cáng đáng giang san” vẫn là mẹ. Anh chị em Hậu Ðậu đa số được việc nhà, việc đồng thì phải bỏ học sớm lo làm ăn (nhà khổ, cơm đâu nuôi cả đám ăn không?). Riêng Hậu Ðậu “vô tích sự” từ nhà ra đồng nên được… đi học. Ðể nó ở nhà ăn chi, phí cơm? Mẹ vốn tính toán căn cơ. Ðược cái, Hậu Ðậu cũng thích học: quần cùi áo cụt, cơm độn, xe chành... gì miễn được đến trường là "ok", không kén cá chọn canh. Còn nữa, lâu lâu, Hậu Ðậu ôm tấm giấy khen về nhà, chòm xóm trầm trồ khiến ba mẹ cũng mát mặt. Thôi, ráng!

Vậy nhưng, học gì học, trách nhiệm chăn bò (hay “bò chăn”) ngày một buổi, Hậu Ðậu vẫn cứ phải lo. Thì lo. "Sáng trường chiều bò", vậy mà rồi cũng lặn lội hết phổ thông. Thêm ba năm bánh tráng mì tôm phòng trọ sinh viên, Hậu Ðậu giật được tấm bằng cao đẳng sư phạm ra làm cô giáo. Ước mong “năm ba chữ bỏ bụng kiếm cơm” của mẹ giờ thành hiện thực. Có điều cái tính hậu đậu của Hậu Ðậu thì vẫn nguyên xi, không bớt chút nào…

3. Ấy là “lý lịch trích ngang” của Hậu Ðậu, chẳng khó mấy để tìm ra. Một cô nàng có bề ngoài hết sức cổ quái từ phục sức giày vớ, mũ áo tới đôi mắt kính cận tròn to (như mắt… gấu trúc). Nhỏ bé nhưng có tướng đi kiêu hãnh, mái đầu ngẩng cao kiêu hãnh, nói năng nhìn thẳng người đối diện, phong thái tự tin không chút ngại ngùng! Học trò có cho kẹo cũng không dám gọi cô giáo mình là Hậu… Ðậu. Không sao, chúng hè nhau đặt cho bà cô yêu quý biệt danh (còn trứ danh hơn): “cô Hậu… Einstein”. Gọi vậy bởi cô có thói quen xong tiết là nhét sổ đầu bài vào cặp mang đi, sổ điểm bỏ lại. Còn nữa, có hôm lên lớp áo dài đàng hoàng nhưng chân mang… dép lê. Vậy mà vẫn tỉnh bơ suốt buổi, hết lên lớp tới xuống phòng hội đồng cho đến lúc bị đồng nghiệp phát hiện, la toáng…

Hơn ba mươi tuổi vẫn chưa chồng, Hậu Ðậu biến thành đề tài “buôn dưa” cho các "nhà xã hội học… quạt mo" trong lẫn ngoài trường. Lý giải chuyện này, người bảo, do hậu đậu quá. Người bảo, do cổ quái quá. Người bảo, do… chảnh quá. "Ðã không xinh còn cứ vác cái mặt lên, nhìn thẳng khiến trai nó chờn! Sao chảnh? Tại nó ỷ dạy giỏi…".

Gã mới chân ướt chân ráo về trường. Chưa biết thực hư, nhưng mọi nơi Hậu - Ðậu - Einstein đều khiến gã tò mò. Hiếu kỳ thôi, gã vốn khoái sự lạ…

Lựa dịp, gã mời Hậu Ðậu đi cà phê. Một mình. Hậu Ðậu "ok" ngay, chóng vánh, giản đơn, không “thủ tục” màu mè...

4. Chuyến “thâm nhập thực tế” nơi quán cà phê giúp gã nhận ra điều đầu tiên: Hậu Ðậu đúng là… hậu đậu, nhưng phía sau hậu đậu lại là một trí tuệ! Lũ học trò quả tinh tường khi gọi cô "Hậu Einstein". Ðúng phóc!

Nói chuyện tương đắc. Cái tương đắc dần xoá đi những ấn tượng tiêu cực gây nên bởi một nàng Hậu Ðậu vụng về, kỳ khôi và (nói thật) có ngoại hình không mấy hấp dẫn phái nam! Tầm phơ đủ chuyện trên trời dưới biển. Hậu Ðậu đọc nhiều, biết nhiều, khá nhiều so với chuẩn kiến thức thông thường mà một cô giáo dạy văn thường biết…

Còn nữa, mồm mép nàng Einstein lại không hề hậu đậu!

Bữa ấy, Hậu Ðậu "thuyết phục" gã được phân nửa. Nửa còn lại, chờ đến lúc gã chính thức đi dự giờ tiết dạy của "nàng Einstein" trên lớp mới "ok" nốt. Giờ thì gã hiểu câu: “Nó ỷ dạy giỏi nên chảnh”, hiểu vì sao lũ học trò quỷ sứ luôn khúc khích cười bà cô dạy Văn lẩm cẩm, kỳ khôi. Nhưng đứa nào cũng lễ phép, quý trọng cô, tuyệt không giở thói hỗn hào. Lạ. Chỉ cần vào lớp, bước lên bục giảng, Hậu Ðậu lập tức "biến thành người khác": vững chãi, mê hoặc, tự tin. Có giám khảo dự giờ hay không, với Hậu Ðậu dường như không phải là chuyện cần quan tâm. Học trò, lây cái tự tin của cô, cũng “cộng tác” thoải mái, nhiệt thành, không có không khí e dè, “áp lực” thường thấy nơi những tiết học dự giờ.

Không riêng ở trường, Hậu Ðậu đi hội giảng huyện, rồi tỉnh, vẫn vậy.

Ðương nhiên, đánh giá tiết dạy dành cho Hậu Ðậu cấp nào cũng "ok". Có vị vừa cho điểm vừa gật gù: "Tố chất sư phạm từ trong máu thịt!". Ðồng nghiệp khen truyền đạt kiến thức giỏi quá, Hậu Ðậu lắc đầu: "Không phải kiến thức, mình “truyền lửa” thôi…".

5. Thằng bạn cùng tổ cười cười: "Thấy mầy với Hậu Ðậu ăn ý lắm rồi, chắc sớm muộn gì cũng "fall in love" thôi". Gã quát, đồ khùng! Khùng thật. Sao yêu Hậu Ðậu được hở trời? Một cô nàng hậu đậu, cổ quái, lại còn… xuất chúng (giờ thì - mặc cho lòng tự tôn, cao ngạo bị tổn thương - gã phải thẳng thắn, ngậm ngùi thừa nhận). Từng món ấy nơi phụ nữ - với đàn ông - đã khó nuốt, huống chi đây lại "ba trong một"!

Dạo này gã hay nghĩ ngợi vơ vẩn. Thằng bạn không hoàn toàn nói quá. Quả thật, gã với Hậu Ðậu hay làm việc chung. Hợp đồng hết sức “ăn rơ”. Còn nữa, văn nghệ văn gừng, cà pháo cà phê. Thân. Có khi nào như ông bà nói "lửa gần rơm…" không trời? Gã chủ động né xa Hậu Ðậu chút. Nhưng xa thì lại… buồn. Thôi kệ! Gã đã quen có Hậu Ðậu trong lúc làm cũng như lúc chơi, như người bạn đồng hành. Chỉ bạn thôi. Bạn thân…

…Duy nhất một lần, cảm giác của gã về Hậu Ðậu dường như "không phải bạn". Ấy là lần Hậu Ðậu bật khóc do bị đồng nghiệp đùa ác. Nức nở, yếu đuối đến tội nghiệp. Gã nhớ mình đã nổi điên đến mức suýt đấm vỡ mặt tên đồng nghiệp vô ý thức. Bình thường gã rất biết kiềm chế, không bao giờ…

6. Hậu Ðậu nhận quyết định "trưng tập", chuyển trường.

Gã ngẩn ngơ, hụt hẫng. Ðầu tuần lên trường không thấy bóng Hậu Ðậu tự nhiên chẳng thiết dạy dỗ, dòm ai cũng muốn đổ quạu. Suốt ngày đầu óc gã mất tập trung, làm không nên hồn việc gì. Ðiện thoại bỏ túi, gã đã cẩn thận mở chuông, chuông lớn; vậy nhưng cứ chốc chốc lại lôi ra dòm, như sợ chuông kêu mà không hay…

Không dám gọi điện, sợ bị chọc quê bởi những cặp mắt đang lom lom bộ dạng khác thường. Nhưng… đáng lẽ Hậu Ðậu phải gọi cho gã và gọi từ lâu mới phải. Sao…

Nhắm mắt. Thẫn thờ hình dung cảnh Hậu Ðậu đang tung tăng, nói cười cùng các đồng nghiệp nam nơi nhiệm sở mới. Cô nàng Hậu Ðậu cổ quái bí ẩn của gã. Mừng ngày đầu tiên về trường. Biết đâu đấy, có thể còn được một đồng nghiệp nam lịch sự, ga lăng mời ra quán cà phê…

Ðột nhiên, gã thấy giận sôi!

Giận dữ trộn cảm giác hoảng hốt. Không, không được! Không ai được phép đụng vào Hậu Ðậu của gã. Không ai được phép nói cười, bắt tay hoặc mời Hậu Ðậu ra quán cà phê. Chỉ mình gã, mình gã có quyền ấy thôi. Gã phải ngay lập tức xác định quyền ấy, không muộn mất…

Lần này thì, kệ cho đồng nghiệp săm soi, gã móc điện thoại, dứt khoát bấm số…

Truyện ngắn của Y Nguyên

"Lửa thử vàng" - Câu chuyện truyền nhân gia tộc cải lương

Cải lương đi qua thời hoàng kim, nhưng truyền nhân các gia tộc cải lương chưa bao giờ tắt ngọn lửa đam mê và niềm khao khát viết tiếp chặng đường nghệ thuật của cha ông đã gầy dựng.

Cảm xúc dẫn lối

Từ nhỏ, Nguyễn Hoàng Giang đã yêu thích nghệ thuật. Cơ duyên đưa anh đến với nhiếp ảnh bắt đầu từ tình yêu dành cho cái đẹp và nghệ thuật. Thế nên, tuy từng có 20 năm gắn bó với Hà Nội, nhưng mảnh đất Hội An đậm chất nghệ thuật lại chính là động cơ thôi thúc, khiến anh quyết định chuyển vào nơi này định cư. Ðến nay, khi đã là chủ một công ty du lịch và sở hữu chuỗi khách sạn, nhà hàng, dù bận rộn, anh vẫn dành thời gian cho nhiếp ảnh.

Dâng hương Tổ nghiệp Sân khấu

Suốt 13 năm qua, Ngày Sân khấu Việt Nam cũng là ngày hướng về Tổ nghiệp của những người hoạt động lĩnh vực sân khấu. Ngày Giỗ Tổ là dịp để những người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu cùng nhau nhắc nhớ về thế hệ tiền nhân đã có công sáng lập, gìn giữ loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc. Đồng thời cũng là cuộc họp mặt hâm nóng tình nghệ sĩ, tạo sự gắn kết, cùng động viên nhau phấn đấu để mang những cái hay, cái đẹp phục vụ công chúng.

Còn đó những cánh chim không mỏi

Nghe tôi có ý định tìm một địa điểm lý tưởng để khám phá, thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống tại mảnh đất được mệnh danh là “thành phố đáng sống”, một người anh đồng nghiệp đang công tác tại Ðài Phát thanh - Truyền hình Ðà Nẵng giới thiệu ngay Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Vậy rồi, qua vài lời kết nối nhiệt tình, NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát, liền đích thân mời đoàn văn nghệ sĩ Cà Mau đến xem một suất diễn trong ngày gần nhất.

Nối dài tình yêu nước bằng nghệ thuật

Nghệ thuật kết nối quá khứ và hiện tại, là phương tiện giúp gìn giữ, lưu truyền và phát huy văn hoá dân tộc. Với ý nghĩa ấy, các bạn trẻ tại Cà Mau, bằng hoạt động nghệ thuật, đã góp phần lan toả, nhân lên tình yêu quê hương, đất nước trong những người trẻ và cộng đồng.

Ấm áp chương trình nghệ thuật “Tình ca Đất Mũi”

Nhằm tôn vinh Âm nhạc Việt Nam nói chung, Âm nhạc Cà Mau nói riêng, thể hiện sự tri ân đối với các tác giả có nhiều cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc tỉnh nhà. Tối 3/9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh đã diễn ra Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm lần thứ 15 Ngày Âm nhạc Việt Nam với chủ đề :“Tình ca Đất Mũi”. Chương trình do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp tổ chức.

Sắc màu miền Tây đến với Huế

Những năm qua, mỹ thuật đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) có bước phát triển mạnh, tạo được tiếng vang trong khu vực, các vùng miền trong và cả ngoài nước. Câu lạc bộ (CLB) "Sắc màu miền Tây ART" đã có 4 cuộc triển lãm tại Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh và Hà Nội từ năm 2019-2023.

Khám phá cùng nhiếp ảnh

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Lê Minh Vũ (Quyên Vũ) sinh năm 1974, tại tỉnh Tiền Giang, hiện sinh hoạt tại Hội NSNA Việt Nam, Chi hội Tiền Giang.

Sắc màu văn hoá địa phương hoà quyện trong từng bài ca, điệu múa

Đạo diễn Nguyễn Tiến Dương, Trưởng Ban giám khảo Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Cà Mau lần thứ IX - 2024, đánh giá, một trong những điểm nổi bật của hội diễn là những sắc màu văn hoá của địa phương hoà quyện trong các bài hát, điệu múa, càng làm tăng thêm sự hấp dẫn. So với những hội diễn trước, các đội đã có nhiều sự tiến bộ về ca, múa, âm nhạc và trang phục.

Cho chữ mùa Vu lan

Tôi gặp thầy đang cho chữ tại một góc nhỏ trong khuôn viên chùa Thiền Lâm, phường Tân Thành, TP Cà Mau, vào ngày chùa tổ chức lễ Vu lan. Mặc dù bút trên tay đang nắn nót, mắt chăm chú vào con chữ, nhưng được vài nét, khi ngẩng lên chấm mực là thầy nhanh miệng mời gọi mọi người đang đứng túm tụm gần đó: “Viết mấy câu tặng cha mẹ đi chị (cô, chú, anh, em...) ơi!”; “Lại chú cho chữ cầu sức khoẻ, học giỏi nè các con!”; “Cầu tài lộc, sức khoẻ, vạn sự như ý nè anh chị em, cô bác ơi!”... Và bao giờ sau những câu mời gọi, thầy cũng nhấn mạnh “tặng chữ hoàn toàn miễn phí” để khách khỏi đắn đo.