Dấu ấn 3 năm từ uy tín của một dự án
Sau 3 năm thực hiện Kế hoạch "Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021 - 2025" được phê duyệt theo Quyết định số 1721/QĐ-UBND ngày 11/9/2020 của UBND tỉnh Cà Mau - Dự án do Chi cục Tiêu chuẩn và Đo lường chất lượng - Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau làm chủ đầu tư và Công ty cổ phần Vietnam Blockchain (VBC) là nhà thầu thực hiện, đến nay, hiệu quả của dự án đã được khẳng định; giá trị thực tiễn là nâng cao tính minh bạch và uy tín cho các sản phẩm OCOP chất lượng cao, thúc đẩy phát triển bền vững và tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm địa phương. Bước vào năm thứ 4 của dự án, năm 2024, đánh dấu bước tiến vững chắc của dự án ở miền đất cực Nam Tổ quốc.
Ấn tượng từ những con số
Trong năm 2024, với những lợi ích rõ rệt mà hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh mang lại, dự án tiếp tục được mở rộng cho nhiều sản phẩm chủ lực đạt chuẩn OCOP 3 sao và OCOP 4 sao trên địa bàn tỉnh. Việc triển khai thành công cho các sản phẩm OCOP chất lượng cao thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc phát triển bền vững và nâng tầm thương hiệu sản phẩm tỉnh Cà Mau.
Giải pháp truy xuất nguồn gốc của VBC đã được triển khai thành công cho 20 sản phẩm mới đạt chứng nhận OCOP 3 sao và OCOP 4 sao, đến từ 17 hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Tiếp nối thành công từ năm 2023, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng không chỉ duy trì triển khai hệ thống hiệu quả với sản phẩm đã truy xuất nguồn gốc, mà còn mở rộng áp dụng truy xuất nguồn gốc cho đa dạng sản phẩm mới ngoài nhóm sản phẩm thuỷ sản tươi và chế biến. Tiêu biểu trong số đó là: trà gừng túi lọc, yến sào tinh chế, đông trùng hạ thảo, bò viên, bắp bò ngâm nước mắm...
Một số sản phẩm OCOP tiêu biểu tại tỉnh Cà Mau được triển khai truy xuất nguồn gốc.
Mỗi sản phẩm đều được quản lý truy xuất nguồn gốc theo quy trình chuẩn hoá, cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm, câu chuyện thương hiệu, cùng thông tin liên hệ tin cậy của doanh nghiệp. Người tiêu dùng có thể dễ dàng truy cập những thông tin này bằng cách quét mã QR trên tem sản phẩm, hoặc trực tiếp qua hệ thống và Cổng truy xuất nguồn gốc sản phẩm tỉnh Cà Mau. Nhờ đó, người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh được trải nghiệm một nền tảng thông tin minh bạch và đáng tin cậy.
Tính đến thời điểm hiện tại, hệ thống đã ghi nhận tổng cộng 96 sản phẩm chủ lực của tỉnh Cà Mau, từ trái cây, thuỷ sản tươi sống đến các sản phẩm chế biến đa dạng thuộc 65 cơ sở sản xuất, số tem QR đã được phát hành hơn 90.000 tem, đảm bảo mỗi sản phẩm khi ra thị trường đều được gắn mã truy xuất nguồn gốc, củng cố niềm tin và uy tín của sản phẩm tỉnh Cà Mau đối với người tiêu dùng.
Hình ảnh giao diện Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm tỉnh Cà Mau năm 2024.
Điểm khác biệt của Cổng truy xuất nguồn gốc sản phẩm tỉnh Cà Mau
Hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm tỉnh Cà Mau đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn quốc gia TCVN và chuẩn quốc tế GS1 về truy xuất nguồn gốc. Được triển khai trên nền tảng công nghệ 4.0 và ứng dụng công nghệ Blockchain, hệ thống này không chỉ hiện đại mà còn là bước đi chiến lược, phù hợp với mục tiêu trong Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Blockchain đến năm 2025 theo Quyết định 1236/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ban hành ngày 22 tháng 10 năm 2024.
Với khả năng xử lý dữ liệu nhanh chóng, xác thực và lưu trữ bất biến theo thời gian thực, hệ thống giúp chuẩn hoá quy trình truy xuất nguồn gốc, đồng thời cung cấp công cụ quản lý thông tin đơn giản và chính xác. Đặc biệt, chú trọng phát triển các công cụ ghi nhận nhật ký sản xuất điện tử dễ sử dụng, giao diện thân thiện và trực quan, cho phép các đơn vị chỉ cần điền các trường thông tin chuẩn hóa sẵn. Qua đó, hệ thống hỗ trợ việc ghi nhận và truy vết thông tin từ các cơ sở sản xuất một cách đồng nhất, tuân thủ các nguyên tắc truy xuất và mã truy vết theo quy định.
Phù hợp với Thông tư 02/2024/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ, hệ thống này đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối thông tin chuỗi giá trị từ sản xuất, phân phối đến tiêu dùng. Đồng thời, hệ thống tạo nền tảng tích hợp và đồng bộ dữ liệu giữa Cổng truy xuất nguồn gốc sản phẩm tỉnh Cà Mau và Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hoá Quốc gia, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu và hiệu quả quản lý sản phẩm của tỉnh Cà Mau theo đúng quy định pháp luật.
Thông tin Hội nghị "Phổ biến các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc và tập huấn thực hiện truy xuất nguồn gốc"
Tới đây vào lúc từ 7h30 đến 11h00, ngày 19/11/2024, tại Hội trường Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau sẽ diễn ra Hội nghị: “Phổ biến các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc và tập huấn thực hiện truy xuất nguồn gốc”. Với mục tiêu là thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 32/KH-SKHCN ngày 17/4/2024 của Sở Khoa học và Công nghệ về triển khai áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh Cà Mau năm 2024.
Tại hội nghị này, Ban tổ chức sẽ giới thiệu về cổng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia cũng như việc ứng dụng mã số mã vạch trong đời sống; các yêu cầu về dữ liệu truy xuất nguồn gốc và mã truy vết phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia. Đồng thời sẽ tổng kết, nhìn nhận lại kết quả triển khai áp dụng hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc tỉnh Cà Mau trong năm 2024. Song song đó sẽ hướng dẫn sử dụng các chức năng chính của phần mềm truy xuất nguồn gốc.
Tin chắc rằng, với sự nhìn nhận thực tế kết quả thực tế thời gian qua; chủ động phương hướng, kế hoạch trong thời gian tới; chúng ta có quyền kỳ vọng rằng “Hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021-2025” sẽ trở thành điểm sáng, là đòn bẩy để các sản phẩm OCOP tỉnh Cà Mau vươn xa trên trường Quốc tế, khẳng định thương hiệu sản phẩm từ nguồn tài nguyên bản địa của Cà Mau./.
Tuyết Mỉnh