ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 22-4-25 12:20:36
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Hẹn về Đất Mũi

Báo Cà Mau (CMO) Anh bạn đồng nghiệp đi cùng tôi xuống Đất Mũi, ngỡ ngàng: “Mới có bao lâu đâu mà Đất Mũi thấy thay đổi quá trời”. Anh hỏi, cái cột mốc điểm cuối đường Hồ Chí Minh xây khi nào; đường Hồ Chí Minh đoạn cuối thông xe đã lâu chưa; mấy khu du lịch homestay khai trương hồi nào…

Khi thấy công trình biểu tượng Cột cờ Hà Nội đang thành vóc, thành hình, anh thổ lộ: “Vậy là mình lạc hậu tình hình quá trời!”. Chẳng là với cánh phóng viên, báo chí địa phương Cà Mau, Đất Mũi là một địa điểm “đi riết thành ngán”. Bởi đoàn khách nào, bạn bè nào về Cà Mau cũng muốn đi Đất Mũi. Ngán cái nữa là mỗi bận đi về, khách cứ băn khoăn. Mình hỏi mai mốt về Đất Mũi nữa không, họ trả lời: Chừng nào Đất Mũi có cái gì đó mới mới, sẽ trở lại…

Đất Mũi là linh hồn của ngành kinh tế du lịch Cà Mau, đó là một mệnh đề không cần bàn cãi. Việc tập trung phát triển du lịch với hạt nhân Đất Mũi là định hướng đúng đắn, có ý nghĩa lâu dài. Trên chuyến xe xuôi về Đất Mũi, chúng tôi nghe thuật lại một câu chuyện vui của anh Cảnh, tài xế của UBND tỉnh. Anh kể, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải luôn theo dõi sát sao tình hình xây dựng hạ tầng cơ sở ở Đất Mũi, nhất là việc thông xe đoạn cuối từ cầu Rạch Tàu vô khu du lịch trung tâm. Một bữa, Chủ tịch UBND tỉnh xuống khảo sát bất ngờ, không có thành lập đoàn, cũng không thông tin cho phía nhà thầu. Khi thấy công trường còn ngổn ngang, đường sá chưa thông suốt, lúc này Chủ tịch UBND tỉnh mới điện thoại. Cũng từ chuyến khảo sát này mà tiến độ hoàn thành đoạn cuối đường Hồ Chí Minh được đẩy nhanh, Đất Mũi giờ gần thêm chút nữa.

Du khách tham quan, chụp ảnh lưu niệm tại Khu du lịch Đất Mũi.                       
Trong tương lai không xa, du lịch Đất Mũi sẽ vươn tầm trở thành hình ảnh du lịch mang tính đại diện cho vùng đất cực Nam Tổ quốc, tạo sức hút mạnh mẽ với du khách trong và ngoài nước.                     

Không chỉ với Cà Mau, Đất Mũi còn là mảnh đất thiêng, là nơi được lựa chọn để làm hình ảnh mang tính đại diện của cả Tổ quốc Việt Nam. Bằng chứng là việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 774/QĐ-TTg, ngày 18/6/2018, phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau, tỉnh Cà Mau đến năm 2030. Thông tin này càng củng cố vững chắc niềm tin của Cà Mau về tương lai phát triển rực rỡ của Đất Mũi. Nói như lời Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển Lý Hoàng Tiến: “Nếu có cơ chế, sự đầu tư hợp lý, Đất Mũi có đủ mọi yếu tố để trở thành khu du lịch có tầm vóc và sức hút không thua kém bất kỳ nơi đâu”.

Trưởng Ban Quản lý Khu du lịch Đất Mũi Đinh Thanh Liêm cho biết: “Trước giờ, cái khó nhất của Đất Mũi vẫn là hạ tầng cơ sở du lịch. Giờ có cơ chế mới, hạ tầng đã và đang được đầu tư, đặc biệt là cơ chế kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư thì không bao lâu nữa, Đất Mũi sẽ có bước chuyển mình mạnh mẽ”. Không chỉ tạo ra “cú hích” về cơ chế, đột phá về hạ tầng cơ sở, người dân Đất Mũi cũng đã mạnh dạn, tự tin hơn để gắn bó và đầu tư vào du lịch. Là người quen đã lâu, anh Nguyễn Hoàng Hôn trước giờ vẫn gắn bó với hợp tác xã nuôi nghêu, hàu thuộc dạng có tiếng ở xứ Mũi. Giờ đây, anh lại mở thêm cơ sở homestay với đủ loại dịch vụ ẩm thực, du lịch trải nghiệm, khám phá… Anh Hoàng Hôn chia sẻ: “Bắt đầu cũng có nhiều khó khăn lắm, nhưng với anh và bà con làm du lịch Đất Mũi hiện nay có một niềm tin rất lớn vào sự phát triển. Mình làm du lịch bằng cái tâm, bằng bản sắc của con người vùng Đất Mũi, nên được nhiều người ủng hộ lắm”.

Những đặc sản tại cơ sở homestay của anh Hoàng Hôn đâu mấy xa lạ với người Cà Mau: cá dứa, cá chẽm, cá thòi lòi, cua biển, tôm sú, vọp rừng… Qua bàn tay của các mẹ, các chị, các em trở thành các món ăn đậm hương rừng, vị biển và tình người. Những người nông dân ở miệt đất chóp mũi lại có thêm một nghề mới, cái nghề mà trước giờ đâu ai nghĩ mình có cơ hội làm, đó là làm du lịch. Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Tạ Hoàng Hiện khẳng định: “Việc sắp xếp, quy hoạch người dân làm du lịch, đặc biệt là trong khu vực trung tâm của Đất Mũi được tiến hành rất cẩn trọng, không để tình trạng mất kiểm soát, mất thẩm mỹ”. Ngành du lịch cũng đảm bảo sẽ tạo mọi điều kiện để người dân bản địa tham gia và hưởng lợi từ du lịch.

Trong tương lai, Đất Mũi sẽ là nơi đầu tư trọng điểm của du lịch, chủ trương của tỉnh Cà Mau là lựa chọn những nhà đầu tư chiến lược, tập trung và đầy đủ năng lực, uy tín để đưa Đất Mũi phát triển xứng tầm với vị thế, tiềm năng. Đó cũng là điều được Chủ tịch UBND tỉnh nhắc đi nhắc lại nhiều lần là “không đầu tư manh mún, xẻ nhỏ ra các hạng mục, công trình mà phải cân nhắc, lựa chọn những nhà thầu, nhà đầu tư xứng đáng”. Tất nhiên, để Đất Mũi vươn tầm quốc gia và xa hơn là quốc tế còn cần hội đủ rất nhiều điều kiện và cần thời gian để hiện thực hoá. Tính kết nối, tạo ra không gian du lịch, sản phẩm văn hoá du lịch đặc trưng, các dịch vụ du lịch giá trị gia tăng… vẫn là những bài toán mà Cà Mau, đặc biệt là ngành chủ quản cần phải sớm giải quyết.

Nhưng ở thời điểm hiện tại, nếu có bạn bè nào hỏi thăm Đất Mũi giờ ra sao, chúng tôi sẽ tự hào mà nói rằng: Hẹn về Đất Mũi nhé, bây giờ ở đó đã có rất nhiều cái mới, cái hay…/.

Phạm Hải Nguyên

Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau, tỉnh Cà Mau đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 744/QĐ-TTg. Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau là tên điều chỉnh của Khu du lịch Năm Căn, tỉnh Cà Mau thuộc Danh mục các địa điểm tiềm năng phát triển Khu du lịch quốc gia ban hành kèm theo Quyết định số 201/QĐ-TTg, ngày 22/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau chủ yếu thuộc địa bàn huyện Ngọc Hiển và một phần nhỏ thuộc huyện Năm Căn; có diện tích khoảng 20.100 ha, trong đó khu vực tập trung phát triển có diện tích 2.100 ha.
Về mục tiêu phát triển tổng thể, đến năm 2025, phấn đấu đưa Khu du lịch Mũi Cà Mau trở thành trọng điểm du lịch lớn nhất của tỉnh; là một trong những trung tâm du lịch sinh thái, trải nghiệm rừng ngập mặn đặc sắc, điểm đến quan trọng trên hành trình tham quan vùng ĐBSCL. Đến năm 2030, Khu du lịch Mũi Cà Mau đáp ứng các tiêu chí và được công nhận là khu du lịch quốc gia. Theo đó, định hướng các mục tiêu phát triển cụ thể như: đón 1 triệu lượt khách đến năm 2025, trong đó khách quốc tế đạt 6.000 lượt; phấn đấu đến năm 2030, đón 2 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế 22.000 lượt,...
Quyết định phê duyệt cũng định hướng xây dựng các tuyến du lịch quốc tế, tuyến du lịch liên tỉnh, nội tỉnh và tuyến du lịch nội bộ; tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch. Từ đó đề xuất các giải pháp thực hiện, kêu gọi, ưu đãi đầu tư vào các nhóm dự án nằm trong quy hoạch.

 

Du lịch Cà Mau sôi động dịp nghỉ lễ

(CMO) Kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 kéo dài 4 ngày, dù thời tiết khá bất lợi do mưa nhiều nhưng lượng khách đến các điểm tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh vẫn rất đông. Các điểm dịch vụ phục vụ khách tham quan chu đáo, an toàn, giá cả hợp lý, tạo ấn tượng đẹp trong lòng du khách.

Quảng bá du lịch bằng âm nhạc

(CMO) Ðể du lịch Cà Mau được quảng bá rộng và theo hình thức thú vị hơn, tiệm cận với giới trẻ hơn, một nhóm bạn trẻ đã triển khai những sản phẩm giới thiệu và làm mới hình ảnh Cà Mau với bạn bè khắp nơi bằng âm nhạc.

Khơi thông tiềm lực kinh tế du lịch

(CMO) "Quy hoạch chung xây dựng Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đang được cấp thẩm quyền trong tỉnh xem xét thông qua, hoàn thiện các bước cuối cùng trình Trung ương phê duyệt. Từ đó, tạo cơ sở triển khai thực hiện, đặc biệt trong kêu gọi thu hút đầu tư, phát huy tiềm năng và lợi thế du lịch địa lý, sinh thái của địa phương", ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, thông tin.

Nạp năng lượng cho con vào năm học mới

(CMO) Trong kỳ nghỉ hè, nhiều gia đình đã đưa con đi du lịch hoặc rời thành phố về quê để các con được khám phá, trải nghiệm, bổ sung kiến thức trực quan sinh động, từ đó khuyến khích con học tập tích cực. Đây còn là dịp để gia đình gắn kết, có thêm nhiều kỷ niệm đẹp.

Quy hoạch Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau: Phát huy kinh tế biển

(CMO) "Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được cấp thẩm quyền trong tỉnh thông qua, hoàn thiện các bước cuối cùng trình Trung ương phê duyệt. Từ đó, tạo cơ sở triển khai thực hiện, đặc biệt trong kêu gọi thu hút đầu tư, phát huy tiềm năng và lợi thế du lịch địa lý, sinh thái của địa phương", ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, thông tin.

Hướng bền vững cho du lịch sinh thái cộng đồng

(CMO) Du lịch sinh thái cộng đồng (DLSTCÐ) là loại hình du lịch do cộng đồng tổ chức, dựa vào thiên nhiên và văn hoá địa phương với mục tiêu bảo vệ môi trường. Với khách du lịch, DLSTCÐ tạo cơ hội tìm hiểu, nâng cao nhận thức về môi trường và giao lưu văn hoá, trải nghiệm cuộc sống hàng ngày của người dân bản địa. Vì vậy, DLSTCÐ chính là nét tinh tuý của du lịch sinh thái và du lịch bền vững.

Ðất Mũi bứt phá đầu tư hạ tầng du lịch

(CMO) Xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển, đạt chuẩn đô thị loại V, đây là tiền đề để địa phương bứt phá phát triển. Cùng với lợi thế và tiềm năng du lịch sẵn có, Ðất Mũi đang được cấp trên đầu tư vốn để xây dựng các hạng mục trong xây dựng nông thôn mới (NTM).

Du lịch Cà Mau - Bài toán giữ chân du khách

(CMO) Trong những ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5, du lịch Cà Mau tăng mạnh về số lượng du khách lẫn doanh thu, nhưng bài toán nan giải vẫn là câu chuyện duy trì sức hút và giữ chân khách du lịch sau đó.

Hướng đến du lịch thân thiện môi trường

(CMO) Thời gian qua, các khu du lịch trên địa bàn tỉnh Cà Mau đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng chống rác thải nhựa, hướng đến du lịch thân thiện môi trường.

Tạo đột phá phát triển du lịch

(CMO) Sau 2 năm thực hiện Chương trình số 10-Ctr/HU của Ban Chấp hành Ðảng bộ huyện về phát triển du lịch trên địa bàn giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo, du lịch huyện Trần Văn Thời đã có bước phát triển đáng ghi nhận, đảm bảo đúng định hướng của tỉnh, của huyện và là một trong những ngành chuyển biến tích cực về tốc độ tăng trưởng.