Trải qua những năm tháng khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã bao phen vào sinh ra tử cùng đồng chí, đồng đội, hoà bình lập lại ông tiếp tục cống hiến sức mình cho quê hương, đất nước. Năm 2011 được nghỉ hưu, đến năm 2013 ông lại tiếp tục công việc mới, mong góp phần cùng xã hội chăm sóc những mảnh đời bất hạnh do hậu quả chiến tranh gây ra.
Trải qua những năm tháng khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã bao phen vào sinh ra tử cùng đồng chí, đồng đội, hoà bình lập lại ông tiếp tục cống hiến sức mình cho quê hương, đất nước. Năm 2011 được nghỉ hưu, đến năm 2013 ông lại tiếp tục công việc mới, mong góp phần cùng xã hội chăm sóc những mảnh đời bất hạnh do hậu quả chiến tranh gây ra.
Ông Mạc Thanh Bô, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam TP Cà Mau, bộc bạch: "Cống hiến cho cách mạng hơn 40 năm, đến tuổi nghỉ hưu định về vui thú điền viên với vườn rau, ao cá, thanh thản tuổi già. Nhưng chứng kiến cảnh đau khổ của đồng chí mình, nhìn con cái của đồng chí mình bị hành hạ bởi hậu quả của chất độc da cam, những con người teo tóp, nằm một chỗ, sống một cuộc đời không biết buồn vui là gì mà lòng mình quặn đau, thôi thúc bản thân phải làm một điều gì đó để góp phần xoa dịu nỗi đau của những người kém may mắn. Thế là mình lại tiếp tục công tác".
Ông Bô (ngồi bìa phải) thăm nạn nhân Lê Hữu Tuấn, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau. |
Ông làm Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam TP Cà Mau từ năm 2013 cho đến nay. Công việc đầu tiên của ông là củng cố, kiện toàn tổ chức hội từ thành phố đến cơ sở, theo đó chỉ đạo các hội cơ sở thống kê, nắm chính xác số nạn nhân và tình hình đời sống của nạn nhân để có kế hoạch giúp đỡ. Làm Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố, ông Bô không bao giờ ngồi yên ở văn phòng hội mà thường xuyên có kế hoạch đi cơ sở thăm hỏi, khảo sát tình hình đời sống của nạn nhân.
TP Cà Mau có 9 xã, phường, với trên 1.000 nạn nhân chất độc da cam, trong đó có 805 nạn nhân trực tiếp hoạt động kháng chiến bị nhiễm và 209 nạn nhân là con em của người hoạt động kháng chiến. Những nạn nhân có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nạn nhân không tự lực được, ông Bô đều đến tận nhà thăm, tìm hiểu từng hoàn cảnh một xem họ đang cần gì rồi về bàn cùng hội cơ sở và địa phương để tìm cách giúp đỡ. Do luôn sát cơ sở, làm việc bằng cả tấm lòng nên dù TP Cà Mau có đến hàng ngàn nạn nhân, nhưng nói đến tên nạn nhân nào là ông Bô biết ngay người đó đang ở đâu, mức độ suy giảm khả năng lao động như thế nào, hoàn cảnh sống ra sao, nếu được yêu cầu, chính ông sẽ dẫn đường đến nhà ngay.
Có lần, người viết yêu cầu dẫn đường đến nhà nạn nhân, chính ông đã đích thân dẫn đường đến nhà ông Lâm Văn Ổi, xã An Xuyên, TP Cà Mau. Từ trung tâm thành phố đến nhà ông Ổi phải đi qua nhiều đoạn đường hư hỏng, ngoằn ngoèo hơn chục ki-lô-mét, rất khó nhớ, nhưng ông Bô rất rành đường.
Ðiều ngạc nhiên là nghe tiếng ông Bô trước cửa, cả nhà đều reo mừng như đón người thân trở về. Nhìn sự thân mật giữa ông cùng gia đình nạn nhân, người viết càng thấm thía hơn những điều ông tâm sự. Bà Nguyễn Tuyết Nga, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh Cà Mau, cho biết, ông Bô luôn hết lòng vì nạn nhân. Ông không chỉ nắm sát tình hình nạn nhân mà còn vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ các nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mỗi năm lên đến hàng trăm triệu đồng. Khi Tỉnh hội cần thông tin về nạn nhân, chỉ cần vài phút là ông Bô báo cáo được ngay, vì ông liên tục cập nhật thông tin nạn nhân trên địa bàn.
Sát thực tế, thấu hiểu nỗi đau của nạn nhân, một lòng giúp đỡ những hoàn cảnh thật sự khó khăn nên khi xét trợ giúp tiền, quà cho nạn nhân trên địa bàn thành phố luôn chính xác và đến nơi, đến chốn. Có không ít trường hợp hàng trợ giúp tập trung tại trung tâm xã, những nạn nhân ở xa phải đi đò hoặc xe ôm đến nhận; không ít lần ông Bô đã xuất tiền túi ra trả không để nạn nhân phải tốn kém, vì ông cho rằng, quà từ thiện thì chẳng có là bao, nạn nhân lại nghèo mà phải chi trả tiền tàu xe thì họ còn lại được bao nhiêu. Rất nhiều trường hợp ông Bô cùng hội cơ sở đã mang gạo đến tận nhà cho nạn nhân và cùng gia đình nạn nhân bàn cách tháo gỡ khó khăn trong cuộc sống.
Vui khi nhận được tin có một tổ chức, một nhà hảo tâm sẵn lòng giúp đỡ nạn nhân, buồn khi chứng kiến nạn nhân đang oằn oại trong cơn đau thể xác hay khi nghe tin gia đình nạn nhân nào đó đang gặp khó khăn trong cuộc sống mà hội chưa tìm được cách tháo gỡ... đó cũng chính là động lực để ông Bô tiếp tục làm tốt trách nhiệm của mình cùng đồng chí, đồng đội ngày nào./.
Bài và ảnh: Huyền Linh