Sông Ðốc là một trong những cửa biển lớn của tỉnh Cà Mau, với hơn 60.000 dân sinh sống, người dân nơi đây chủ yếu là khai thác thuỷ hải sản. Phương tiện đi lại của họ hằng ngày đều phải dựa vào đò dọc, phà khách ngang sông.
Sông Ðốc là một trong những cửa biển lớn của tỉnh Cà Mau, với hơn 60.000 dân sinh sống, người dân nơi đây chủ yếu là khai thác thuỷ hải sản. Phương tiện đi lại của họ hằng ngày đều phải dựa vào đò dọc, phà khách ngang sông. Trong khi đó, việc trang bị các loại phao cứu sinh lại rất hạn chế, không những các chủ phương tiện không chú trọng mà ngay cả những người dân tham gia trên các phương tiện này hằng ngày cũng tỏ ra khá chủ quan. Từ đó, ẩn chứa nguy cơ mất trật tự an toàn giao thông đường thuỷ, nhất là vào mùa mưa bão.
Hằng tháng, vào khoảng ngày 10-20 âm lịch, tất cả tàu, ghe đánh bắt thuỷ sản sẽ vào bờ. Ðây cũng là lúc Sông Ðốc tấp nập người lưu thông giữa hai bờ, các loại đò dọc, phà khách ngang sông có cơ hội hoạt động liên tục, làm gia tăng sự mất trật tự an toàn giao thông.
Theo chính quyền địa phương, đa số các bến đò dọc tập trung ở những khóm trọng điểm như: Khóm 1, Khóm 4, Khóm 7 và tất cả đều có điểm chung là rất ít đò dọc được trang bị các loại phao cứu sinh. Ðáng chú ý, qua công tác kiểm tra, hầu hết các chủ phương tiện đò dọc đều chưa qua đào tạo chứng chỉ chuyên môn, phương tiện lại chưa đăng ký, đăng kiểm. Ðiển hình như ông Tạ Văn Ly, ngụ Khóm 6, thị trấn Sông Ðốc, dù đã có thâm niên hành nghề chạy đò dọc trên 10 năm, nhưng phương tiện của ông trong nhiều năm không hề trang bị phao cứu sinh cho khách. Ông Ly nói: “Biết là chạy đò mà không có áo phao bảo hiểm cho dân là vi phạm, nếu mai mốt có gì xảy ra là mình phải chịu trách nhiệm”.
Song song với những chiếc đò dọc là các phà khách ngang sông, tại thị trấn Sông Ðốc có 4 bến phà khách với hàng chục hành khách qua lại mỗi lượt, trong đó có cả phương tiện xe máy. Thế nhưng, mỗi chiếc phà ấy chỉ trang bị vài cái phao tròn cùng đôi ba cái áo phao đã cũ kỹ, điều đáng nói ở đây là trên những chuyến phà có cả người già và trẻ nhỏ. Theo người dân nơi đây cho rằng, họ đã sống trong môi trường sông nước từ lúc nhỏ thì việc biết bơi để tự cứu mình là chuyện bình thường nên đôi khi việc trang bị áo phao, hay bất cứ dụng cụ cứu hộ nào khi qua sông đối với họ là không cần thiết lắm.
Anh Huỳnh Lâm, Khóm 4, thị trấn Sông Ðốc, chia sẻ: “Hồi đó đến giờ có thấy trang bị trên phà nhưng chưa ai mặc lần nào hết. Nói chung mình sống vùng sông nước thì cũng biết lội cho nên thấy cũng an tâm. Thường thường thấy mấy người vùng trên xuống người ta nhát, còn mình đi thường nên thấy cũng bình thường”.
Từ thực trạng đó, thời gian qua, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an huyện cùng với Công an thị trấn kết hợp chính quyền địa phương không ngừng tuyên truyền giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường thuỷ nội địa, hạn chế mức thấp nhất những tình huống đáng tiếc xảy ra. Tham mưu cho các cấp, các ngành chức năng tạo điều kiện cho các chủ phương tiện đang hoạt động tại cửa biển Sông Ðốc tham gia đăng ký, đăng kiểm, học chứng chỉ chuyên môn.
Trung tá Kiều Minh Ðược, Phó Trưởng Công an huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Thời gian tới sẽ tăng cường công tác tuần tra kiểm soát xử lý nghiêm các trường hợp phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, người điều khiển không bằng cấp, chứng chỉ, không trang bị áo phao, đi đêm không đèn. Ðối với các bến phà không đảm bảo các thủ tục, chúng tôi cương quyết với chính quyền địa phương đình chỉ không cho hoạt động để đảm bảo an toàn cho người dân”./.
Xuân Thảo