(CMO) Trên trang mạng xã hội facebook, người có nick name Mỹ Phụng ở huyện Ngọc Hiển vừa đăng tải một đoạn clip ngắn dưới hình thức Live Stream video (cách ghi lại hình ảnh đang hoạt động). Trong đoạn clip này có một em nhỏ khoảng 10 tuổi đang ung dung điều khiển vỏ máy chạy trên sông, rạch và một thanh niên khoảng 25 tuổi đi cùng nhưng lại để mặc cho em nhỏ điều khiển, gây bức xúc cho người xem.
Hình ảnh bé trai khoảng 10 tuổi vô tư điều khiển vỏ máy trên sông rạch gây bức xúc trên mạng xã hội facebook nhiều ngày qua.(Ảnh cắt từ clip). |
Đoạn clip này thu hút sự quan tâm của rất nhiều người. Nhiều lượt thích (like), bình luận (comment) và chia sẻ rầm rộ trên trang mạng xã hội. Có người bức xúc, bày tỏ sự trách móc, tại sao ngươi lớn lại vô tâm, thờ ơ và xem thường tính mạng của trẻ em đến vậy. Một bạn có nick name Sóc Nâu bình luận: “Ôi, sao để cho bé vô tư chạy máy như vậy? Thật là nguy hiểm”.
Bạn gái có nick name Ngọc Bích bức xúc: “Trời ơi, để trẻ con vô tư điều khiển phương tiện rồi quay clip, ghi hình đăng facebook. Sao bạn vô tâm quá vậy? Nếu không may bé điều khiển phương tiện gây tai nạn thì sao?”.
Những ý kiến bức xúc về đoạn clip được nhiều người quan tâm, bày tỏ trên trang mạng xã hội. Đa số mọi người đều bất bình, tỏ ý không hài lòng trước hành vi của người đăng đoạn clip lên mạng để câu like. Việc để trẻ nhỏ vô tư điều khiển vỏ máy chạy trên các tuyến sông rạch là rất nguy hiểm và tiềm ẩn nhiều rủi ro xảy ra tai nạn cho chính bản thân các em. Lý giải cho hành vi của mình, sau khi bị hàng loạt người bình luận phê phán, trách móc, chủ nhân của đoạn clip trên cho biết: “Mọi người đừng lo lắng, không sao đâu, bé này lái rất là “pro”, mình đi vỏ bạn này chở hoài à, không vấn đề gì đâu. Mọi người cứ like cho bé nhé”.
Câu trả lời của vị chủ nhân đoạn clip vô tình “thêm dầu vào lửa” khiến cho facebook thêm dậy sóng, nhiều người tranh cãi quyết liệt và đưa ra những ý kiến phân tích hợp lý được tất cả cộng đồng mạng đồng tình. Theo quan điểm cá nhân, chúng tôi cũng không đồng tình với đoạn clip của cô gái. Bởi, bé trai còn quá nhỏ, chưa nhận thức được hành vi của mình khi điều khiển phương tiện trên sông nước. Và nếu chẳng may gặp sự cố và gây tai nạn trên sông thì sẽ ra sao? Khi ấy, trách nhiệm thuộc về ai? Bên cạnh đó, ở tuổi của bé trai chưa được phép điều khiển phương tiện trên sông theo luật định. Đó là chưa kể đến những quy định khắt khe của pháp luật về chứng chỉ, giấy phép điều khiển phương tiện mà bất cứ người điều khiển phương tiện giao thông nào cũng phải có.
Hay như mới đây, chúng tôi có dịp ra cửa biển Vàm Lũng (ấp Xẻo Mắm, xã Tân Ân) để tìm hiểu về cuộc sống tạm bợ của người dân nơi đây. Trong lúc lênh đênh trên cửa biển, chúng tôi chứng kiến cảnh hai em trai trạc 13-14 tuổi điều khiển chiếc vỏ mong manh giữa biển khơi để đăng bắt cá kèo giống. Hình ảnh đó khiến chúng tôi đặt ra câu hỏi, liệu các em có ý thức được rằng việc một mình điều khiển phương tiện ra biển như vậy là rất nguy hiểm hay không, nếu chẳng may gặp sóng gió thì các em phải xử lý như thế nào? Khi ấy, liệu rằng các em có đủ bình tĩnh để xử lý tình huống nguy hiểm gặp phải trên biển không?
Từ thực trạng trên cho thấy, ý thức giáo dục trẻ em của một số phụ huynh tại các vùng sâu, vùng xa của huyện Ngọc Hiển còn rất hạn chế. Họ xem nhẹ những quy định của pháp luật về an toàn giao thông đường thuỷ nội địa. Chính việc để mặc cho trẻ nhỏ tự do điều khiển phương tiện với tốc độ cao trên sông nước và không trang bị những vật dụng cứu hộ, cứu nạn cần thiết khi tham gia giao thông trên sông rạch của các bậc phụ huynh đã vô tình làm hại các em. Bởi, đâu ai biết trước được những hiểm hoạ luôn rình rập tại các tuyến sông, trong khi các em còn quá nhỏ, chưa nhận thức được hành vi của mình và chưa đủ kinh nghiệm để điều khiển phương tiện trên sông nước.
Một điều đáng lên án là hình ảnh người thanh niên trong clip, anh vô tư tạo dáng trước ống kính để mặc em bé điều khiển phương tiện. Vả như, nếu chẳng may em bé không làm chủ được tốc độ, hay gặp trục trặc gì đó trong quá trình điều khiển phương tiện mà không xử lý được kịp thời, khi ấy sẽ ra sao?
Sau khi xem clip trên mạng xã hội facebook, chị Hứa Minh Quang, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Ân, nói: “Chúng ta không nên làm như vậy, nếu xảy ra tai nạn, hậu quả đau lòng. Các em phải được xã hội bảo vệ, che chở và nuôi dạy, uốn nắn thành người”.
Ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật về Luật Giao thông đường thuỷ nội địa cho người dân trên địa bàn sông nước, đồng thời đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát trên các tuyến sông, rạch, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông đường thuỷ.
Trần Khải