Phương pháp kỷ luật tích cực học sinh đã và đang được ngành giáo dục triển khai rộng rãi trong nhà trường. Phương pháp này đã tỏ rõ những ưu điểm nổi bật, phù hợp với nguyên tắc giáo dục, nhận được sự đồng tình cao của xã hội.
Phương pháp kỷ luật tích cực học sinh đã và đang được ngành giáo dục triển khai rộng rãi trong nhà trường. Phương pháp này đã tỏ rõ những ưu điểm nổi bật, phù hợp với nguyên tắc giáo dục, nhận được sự đồng tình cao của xã hội.
Khác với các biện pháp kỷ luật thường được áp dụng trong trường học trước đây là nhắc nhở, cảnh cáo ghi học bạ, buộc thôi học có thời hạn, thông báo về gia đình, phương pháp kỷ luật tích cực dựa trên nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất của học sinh, không làm tổn thương đến thể xác và tinh thần của học sinh; giúp các em nhận biết được đúng sai để điều chỉnh hành vi của mình theo hướng tích cực, từ đó tự giác sửa chữa khuyết điểm, tự giác rèn luyện…
Các hoạt động ngoại khoá góp phần giáo dục kỷ luật tích cực học sinh. |
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Trưởng Phòng Giáo dục huyện Thới Bình, cho biết: “Tăng cường phương pháp kỷ luật tích cực trong nhà trường là biện pháp giáo dục học sinh không sử dụng đến các hình thức bạo lực, trừng phạt, chủ yếu là động viên, khuyến khích, hỗ trợ, nuôi dưỡng lòng ham học dẫn đến ý thức kỷ luật một cách tự giác, nâng cao năng lực và lòng tin của học sinh vào giáo viên”.
Theo đó, Phòng Giáo dục huyện Thới Bình đã triển khai rộng rãi phương pháp giáo dục này đến các trường học. Bên cạnh việc chọn cử cán bộ, giáo viên tham gia các lớp tập huấn về phương pháp kỷ luật tích cực học sinh do Bộ, Sở GD&ÐT tổ chức, phòng chỉ đạo các trường cần thay đổi nhận thức trong đội ngũ cán bộ, giáo viên trong công tác giáo dục học sinh; đa dạng các hoạt động trong nhà trường,…
Thầy Trần Văn Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Biển Bạch Ðông, cho biết: “Thực hiện giáo dục kỷ luật tích cực học sinh, nhà trường chú trọng đa dạng các hoạt động giáo dục kỷ luật học sinh thông qua việc đẩy mạnh tuyên truyền dưới cờ; hoạt động ngoài giờ lên lớp; chú trọng nâng cao kỹ năng sống cho học sinh thông qua sinh hoạt câu lạc bộ, hoạt động văn nghệ, thể thao…”.
Trong những buổi sinh hoạt chào cờ đầu tuần tại Trường THCS Biển Bạch Ðông, bên cạnh việc đánh giá, triển khai kế hoạch, nhắc nhở, khen thưởng học sinh là những tình huống giáo dục sát với thực tế, gần gũi với học sinh được đưa ra để học sinh cùng xử lý bày tỏ ý kiến của mình, hay kể lại những câu chuyện đạo đức… Qua đó, không những làm cho tiết sinh hoạt dưới cờ sinh động mà còn giúp học sinh biết nhận ra những điều đúng, sai trong cuộc sống, học tập để tự giác điều chỉnh hành vi, ý thức sống tích cực.
Cô Lê Minh Huệ, Phó Hiệu trưởng Trường THTP Thới Bình, chia sẻ: Nhà trường đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục đạo đức, hình thành nhân cách, bồi dưỡng kỹ năng sống cho học sinh thông qua các hoạt động giáo dục kỷ luật tích cực. Bên cạnh đẩy mạnh các hoạt động giáo dục, vai trò của giáo viên luôn được đề cao. Theo đó, ban giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo cán bộ, giáo viên cần chú trọng nâng cao, bồi dưỡng kiến thức về tâm lý lứa tuổi học sinh, phương pháp sư phạm. Trong những buổi sinh hoạt chuyên môn, những tình huống học sinh vi phạm nội quy nhà trường thường được đặt ra để giáo viên giải quyết theo quan điểm giáo dục kỷ luật tích cực…
Cô Dương Thanh Hải, giáo viên Trường THCS Trí Phải, cho biết: “Ðiều cốt yếu trong giáo dục kỷ luật tích cực là học sinh luôn được tôn trọng. Khi các em mắc những sai lầm, khuyết điểm, giáo viên không nên “đao to búa lớn” mà phải biết gần gũi, quan tâm tạo cho các em sự tin tưởng để có thể bộc bạch những suy nghĩ, bản thân. Trên cơ sở đó, giáo viên giúp học sinh tự giác nhận ra được những khuyết điểm để sửa chữa. Vì thế, trong mỗi tiết sinh hoạt cuối tuần, tôi thường xen kẽ kể các em nghe những câu chuyện đạo đức, quán triệt nội quy nhà trường… đã làm cho không khí lớp học trở nên sôi nổi, thân thiện hơn, có tác dụng giáo dục nhẹ nhàng mà hiệu quả”.
Em Tô Như Ý, học sinh lớp 8A6, Trường THCS Trí Phải, chia sẻ: “Mỗi khi mắc khuyết điểm, các thầy cô không la mắng hay trừng phạt mà trái lại luôn quan tâm, chia sẻ, động viên với một giọng thân mật, tâm tình, vì vậy được chúng em tin cậy, tự tin để thổ lộ”.
Theo ông Nguyễn Văn Thành, cho dù có sự khác nhau trong việc thực hiện giáo dục kỷ luật học sinh theo hướng tích cực, song, trên thực tế, những người làm công tác giáo dục đều đã nhận thấy được kỷ luật trừng phạt không đem lại hiệu quả giáo dục tối ưu, có thể làm cho học sinh thiếu tự tin vào bản thân, mối quan hệ với giáo viên và học sinh trở nên căng thẳng. Nhiều khi các em cảm thấy mình bị xúc phạm, dồn ép dẫn đến có hành vi chống đối, phản kháng… gây ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục, tạo gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Tuy nhiên, cũng theo ông Thành, bất kỳ phương pháp kỷ luật nào trong nhà trường cũng có “điểm yếu”, do vậy mỗi giáo viên, tuỳ vào tình hình thực tế, đối tượng học sinh cần phải biết áp dụng những phương pháp giáo dục hợp lý. Cũng cần phải có những biện pháp giáo dục kỷ luật nghiêm khắc đối với những học sinh vi phạm để răn đe, phòng ngừa, đảm bảo kỷ cương nhà trường./.
Bài và ảnh: Mạnh Thắng