(CMO) Nhà nước luôn khuyến khích cá nhân, doanh nghiệp (DN) tạo điều kiện để lao động nữ, lao động khuyết tật, lao động người dân tộc thiểu số (DTTS) có việc làm, phù hợp với trình độ, sức khoẻ, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Theo đó, người sử dụng lao động khuyết tật, lao động nữ, DTTS sẽ được hưởng những chính sách ưu đãi phù hợp, vừa tạo điều kiện để cá nhân, DN hoạt động hiệu quả, mặt khác, giúp các đối tượng lao động yếu thế vươn lên trong cuộc sống.
Bà Bùi Lệ Oanh, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp và việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), thông tin, thời gian qua, thông qua công tác tuyên truyền và qua kiểm tra, thanh tra cho thấy, các DN đều thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với lao động nữ, người lao động (NLÐ) cao tuổi, lao động là người DTTS, người khuyết tật... theo đúng quy định của pháp luật về lao động. Từ năm 2020 đến nay, chưa có trường hợp NLÐ phản ánh bị chủ DN chi trả không đầy đủ chế độ. Bên cạnh đó, các chính sách ưu đãi đặc biệt đối với đơn vị, cá nhân, DN sử dụng lao động đặc thù được thực hiện đúng theo quy định.
Theo số liệu từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Cà Mau hiện có 4.763 DN đang hoạt động, sử dụng 74.391 lao động. Riêng 6 tháng đầu năm nay, tỉnh giải quyết việc làm cho 34.936 lao động, trong đó có 14 lao động khuyết tật, 144 lao động thuộc hộ nghèo, 171 lao động thuộc hộ cận nghèo, 286 lao động là người DTTS và 15.068 lao động nữ... Việc tổ chức, cá nhân, DN có sử dụng lao động đặc thù, đối tượng yếu thế sẽ được hưởng những chính sách ưu đãi, tạo điều kiện cho cả DN và NLÐ cùng vươn lên.
Tổ hợp tác may gia công ở ấp Tân Quảng Đông, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, tạo việc làm cho khoảng 20 chị em.
Cụ thể, Ðiều 34, Luật Người khuyết tật năm 2010, quy định chính sách hỗ trợ cơ sở kinh doanh có nhiều NLÐ khuyết tật, như: cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật được hỗ trợ cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật; được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo dự án phát triển sản xuất, kinh doanh; được ưu tiên cho thuê đất, mặt bằng, mặt nước và miễn, giảm tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất, kinh doanh theo tỷ lệ lao động là người khuyết tật, mức độ khuyết tật của NLÐ và quy mô DN...
Chị Lê Thị Hồng Phương, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Nguyễn Huế, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã (HTX) thủ công mỹ nghệ Sông Trẹm (ấp Nguyễn Huế, xã Tân Bằng, huyện Thới Bình), cho biết: "Hiện nay, HTX tạo việc làm cho 20 chị khuyết tật và hơn 70 lao động nữ nhàn rỗi ở các địa phương. Thời gian qua, HTX nhận được sự quan tâm từ chính quyền địa phương, các sở, ngành, tạo điều kiện để HTX tiếp cận vốn chính sách mở rộng cơ sở, tạo môi trường lao động tốt cho chị em; hỗ trợ giảm thuế, tiếp cận đầu ra sản phẩm... Từ đó, giúp HTX duy trì hiệu quả hoạt động, đồng thời giúp chị em ổn định thu nhập, vươn lên trong cuộc sống".
HTX thủ công mỹ nghệ Sông Trẹm tạo việc làm cho 20 chị khuyết tật và hơn 70 lao động nữ nhàn rỗi ở các địa phương.
Anh Cao Thanh Quí, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh, cho biết, hội được tạo điều kiện mở 6 cơ sở xoa bóp, bấm huyệt, qua đó tạo việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 20 người mù. "Ngoài hưởng chính sách trợ cấp 1.080.000 đồng/tháng, đa phần người mù tự lực hùn vốn mở cơ sở kinh doanh, chứ chưa tiếp cận các chính sách khác do ngại việc thiếu nợ vốn vay. Hội mong muốn Nhà nước, cũng như địa phương, có chính sách, tạo điều kiện giúp người mù, nhất là khu vực vùng nông thôn có cơ hội tiếp cận học nghề, việc làm phù hợp để cải thiện cuộc sống, giúp họ vượt qua mặc cảm và trở thành người có ích trong xã hội", anh Cao Thanh Quí mong muốn.
Nghề xoa bóp, ấn nguyệt giúp anh Nguyễn Văn Hướng, hội viên Hội Người mù tỉnh, có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.
Ðối với việc sử dụng lao động là người DTTS, ngày 8/10/2012, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 42/2012/QÐ-TTg về việc hỗ trợ tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người DTTS tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Quyết định này quy định, đơn vị sử dụng lao động được áp dụng định mức lao động bằng 80% định mức lao động chung của đơn vị để khoán hoặc trả công cho NLÐ là người DTTS. Thời gian áp dụng là 5 năm đối với một người lao động vào làm việc tại đơn vị. Về tiền thuê đất, đơn vị sử dụng lao động có sử dụng từ 30% đến dưới 50% lao động là người DTTS so với tổng số lao động có mặt làm việc tại đơn vị được giảm 50% tiền thuê đất trong năm đối với diện tích đất của đơn vị thuộc diện phải thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Ðơn vị sử dụng lao động có sử dụng từ 50% lao động là người DTTS trở lên so với tổng số lao động có mặt làm việc thường xuyên tại đơn vị được miễn 100% tiền thuê đất trong năm đối với diện tích đất của đơn vị thuộc diện phải thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai...
Việc thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động yếu thế, đối tượng đặc thù, một mặt tạo điều kiện cho cá nhân, DN hoạt động thuận lợi, hiệu quả, mặt khác còn góp phần hỗ trợ địa phương thực hiện tốt công tác an sinh xã hội./.
Loan Phương