ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 4-7-25 16:22:02
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Hiu hiu gió lạnh

Báo Cà Mau (CMO) Sáng sớm tỉnh giấc, mở cửa ra, đón ngay luồng gió lạnh hắt vào mặt… biết là trời đã trở gió rồi. Gọi là gió bấc, gió chướng… nhưng tôi vẫn thích nhắc tới nó theo cách của riêng mình: gió Tết. Bởi vì mỗi khi trời se se lạnh, gió thổi hiu hiu là biết sắp Tết đến nơi.

Cũng cùng đón cơn gió lạnh sớm mai tràn về thành phố cực Nam. Hay xưng là Cu Ðen, trên mạng xã hội, anh Nguyễn Triều (báo Tuổi Trẻ) viết những dòng hóm hỉnh, dễ thương: “Ðêm qua, thừa lúc Cu Ðen ngủ, ai đó đã lén dời Ðà Lạt xuống Cà Mau…”.

Có lẽ sống ở xứ biển nắng nóng mặn mòi, mưa dầm xì xụp, nên dường như khí trời mát dịu, gió lạnh nôn nao lòng người mỗi khi trở bấc cũng làm con người ta cảm thấy thoải mái hơn, dễ chịu hơn và hớn hở đón nhận, trừ những người khổ sở hắt hơi, sụt sịt vì mắc bệnh về hô hấp, viêm mũi dị ứng.

Hồi còn nhỏ, hễ mỗi lần nghe gió lạnh mơn man da thịt như vầy, tôi lại nôn Tết, trông mau tới Tết để được mặc quần áo mới, ăn bánh - kẹo - mứt, được lì xì, được đi chơi Tết… Lớn dần, sự trông ngóng tới Tết mỗi khi đón gió lạnh ùa về cũng dần vơi; khi đi xa nhà, thay vào đó là cảm giác co ro mong được về nhà sum họp, đoàn tụ.

Từ thời kháng chiến, ông nội tôi có một nền nhà nằm bên dòng kênh Rạch Rập (Phường 8, TP Cà Mau), cất nhà làm chỗ ở tản cư. Sau này, mảnh đất đó là nơi giúp tiếp nối con đường học vấn cho cả mấy gánh con cháu trong dòng họ. Cứ hễ học hết cấp 1 ở trường làng, các con cháu lại được ba mẹ cất nhà cây lá tạm trên nền đất của ông nội mua đó để đi học tiếp lên cao hơn. Cấp 2 thì học trường Phường 8, nằm ngay chân cầu Gành Hào (nay đã dời địa điểm và đổi tên thành Trường THCS Lương Thế Vinh). Cấp 3 thì học Trường Bán Công (nay là Trường THPT Cà Mau), Trường Hồ Thị Kỷ, Trường chuyên Phan Ngọc Hiển.

Cứ thế, lớp lớp con cháu trong nhà học xong phổ thông, rời quê đi học xa hơn, lớp em cháu lại nối tiếp ra ở để đi học. Mãi tới mấy năm gần đây mới có được cây cầu dành cho người đi bộ từ kênh Rạch Rập qua Phường 2, chứ trước đó toàn phải đi đò chèo qua sông. Nhưng dù phải đi bộ ra bến đò Rạch Rập, xuống đò qua sông rồi đi bộ tiếp đến trường thì vẫn gần, tiện hơn là chịu cảnh mới tờ mờ sáng đã phải dậy dắt xe đạp xuống xuồng, bơi qua tới lộ ngánh (tên con lộ nhỏ dẫn từ đường lớn xuống đình Tân Hưng, ấp Tân Hưng, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau), rồi đạp xe hì hục thêm 5, 6 cây số tới trường. Gặp lúc mưa gió, xe hư giữa chừng là coi như phải nghỉ học.

Ðang sống trong sự bảo bọc của ba mẹ, phải đùm túm ra ở riêng đi học, tự lực mọi thứ, mấy lúc gió thổi hiu hiu báo Tết lại ngồi nhớ nhà muốn khóc!

Thời buổi khó khăn, đi học thiếu thốn đủ điều, những kỷ niệm vui buồn theo đó cũng rưng rưng. Thương nhất là ông anh con cô Năm, buổi trưa đi học về đói meo, hì hục nhóm lò nấu cơm; củi ỉ ướt nhóm hoài không cháy, quạu quá đập cái cà ràng nứt ra làm ba, rồi nhịn đói đi ngủ. Ngủ mê mệt, tới khi thức dậy, nguôi cơn nóng nảy, lại lủi thủi đi kiếm dây chì ràng cái lò lại, nấu cơm ăn.

Rồi chuyện qua đò đi học mỗi ngày cũng cười ra nước mắt. Không phải trả tiền đò, ngày nào ngay giờ cao điểm, học sinh cũng chen chúc tranh thủ qua sông nhanh cho kịp giờ học. Dù là dân miệt sông nước nhưng mặc áo dài vướng víu, nhìn cái cầu thang nhỏ đóng sơ sài bằng cây tràm, không tay vịn, để bước từ trên sàn bến xuống đò mà e ngại, vì sóng nước dập dềnh, mũi chiếc đò tam bản cũng bị xô đẩy theo con sóng. Có lần đi ngay chuyến đò đông ngẹt, khẳm lấp lém nước, nhìn về ngã ba Chùa Bà, rồi nhìn dòng nước cuồn cuộn chảy, tôi sợ thót tim. Nước chảy siết, chị chèo đò không thể chèo ngang qua sông, mà phải chèo ngược nước xéo lên phía trên, để trừ hao, khi đò bị trôi xuống là cũng vừa cập đúng bến.

Nhưng đi riết rồi thành quen, mấy cô cậu học trò bước lên bước xuống thoăn thoắt, đủ chỗ thì ngồi, chật thì cứ nương theo dợn sóng mà đứng. Giờ xe cộ, lộ làng thuận lợi hơn, lại có cầu dành cho người đi bộ qua sông, những chiếc đò chèo, đò máy cũng vắng bóng dần, nhưng mỗi lần anh em có dịp tụ tập xúm xít, cứ nhắc hoài mấy chuyện ở bến đò. Chuyện về tình huống tẽn tò của một anh học trò thấy em gái dễ thương khó nhọc với đôi quang gánh xếp đầy cá chuẩn bị bước lên bờ, anh hào hiệp đỡ tiếp một đầu gánh, sề cá ở đầu kia mất thăng bằng đổ ụp xuống sông; hoảng quá anh buông tay, sề cá ở đầu còn lại đổ nốt!

Dù không còn “thịnh hành” như trước, nhưng những chiếc đò chèo trên đoạn sông khu vực ngã ba Chùa Bà vẫn hiện hữu, ngày ngày đưa rước khách.     Ảnh: LÊ TUẤN

Rồi chuyện mẹ tôi đi khám bệnh ở bệnh viện thị xã lúc bấy giờ, bận về bị chìm đò. Không biết bơi, chới với giữa dòng nước, nhớ lời ông cố từng dạy: chiếc xuồng dù bị chìm, nó cũng sẽ lập lờ, không chìm ngay xuống đáy, nếu không biết bơi thì cứ bình tĩnh vịn vào xuồng để chờ được cứu. Mẹ tôi bấu được vào be xuồng, vịn cột chèo ngoi ngóp và được một chiếc đò khác kịp vớt lên. Thoát chết, được chở đưa về tới nhà rồi mà mẹ vẫn còn run lập cập, xanh mét, thất thần…  

Học xong phổ thông, rời căn nhà nhỏ bên dòng kênh Rạch Rập, vào đại học, càng xa quê hơn, mỗi bận nghe gió lạnh thổi, lại nôn nao, chờ thi nốt mấy môn cuối để cuốn gói về ngay, trước khi xe cộ cận Tết vừa đông vừa tăng giá vé. Những năm sau, già dặn hơn thì cứ học xong, chuẩn bị sẵn hết mọi thứ, để từ 4 giờ khuya, anh em đã thức dậy về quê, kịp ra khỏi thành phố trước khi kẹt xe. Chở nhau bằng xe máy chạy từ Sài Gòn về Cà Mau, đoạn đường gần 300 km mà không thấy xa xôi, lâu lắc gì. Qua Long An, Tiền Giang, gió lạnh vẫn mơn man thổi… sau mấy bận dừng chân ghé quán nghỉ ngơi ăn uống, xế xế là tới nhà. Bận về háo hức nên thấy nhanh, bận đi thì nặng trĩu. Mới mùng 5, gió Tết vẫn còn thổi hây hẩy mà đã phải trở lên để mùng 6 kịp vào học, thế là chạy lâu ơi lâu vẫn thấy chưa ra khỏi địa phận Bạc Liêu.

Giờ gió lạnh lại thổi hiu hiu, mà dịch bệnh đang hoành hành, lòng người càng mong mỏi về một cái Tết sum vầy, sức khoẻ, bình an, để anh em ở xa được tụ họp về thăm ba mẹ nơi quê nhà./.

 

Tâm Hảo

 

Liên kết hữu ích

Mối đe doạ thầm lặng với trẻ nhỏ

Hút thuốc lá không chỉ là thói quen có hại với chính người hút thuốc mà còn là nguyên nhân gây ra nhiều hệ luỵ nghiêm trọng cho những người xung quanh, đặc biệt là trẻ nhỏ.

Những xã, phường “đặc biệt”

Tỉnh Cà Mau (mới) có diện tích tự nhiên hơn 7.942 km2, quy mô dân số trên 2,6 triệu người. Sau khi sáp nhập, tỉnh Cà Mau có 64 đơn vị hành chính cấp xã (9 phường, 55 xã), trong đó phường Bạc Liêu có diện tích nhỏ nhất nhưng dân số đông nhất và xã Ðất Mũi - xã cuối cùng nơi địa đầu cực Nam Tổ quốc là xã có diện tích lớn nhất tỉnh. Ðặc biệt, trong 64 xã, phường mới của Cà Mau chỉ có duy nhất xã Hồ Thị Kỷ được giữ nguyên không sáp nhập.

Chung dòng phù sa...

Sau bao lần hợp - tách, lần gần nhất cũng cách nay 28 năm thời chung tên tỉnh Minh Hải, Cà Mau - Bạc Liêu như anh em ruột thịt, nay về chung một nhà với tên gọi Cà Mau.

Khánh thành, bàn giao 51 căn nhà tại xã Khánh An

Chiều nay (ngày 1/7), Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) phối hợp với UBND xã Khánh An, tỉnh Cà Mau tiếp tục tổ chức Lễ khánh thành và bàn giao 51 căn nhà Đại đoàn kết cho các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã.

Lá chắn an sinh cho mọi người dân

Ngày 1/7 hằng năm là Ngày Bảo hiểm y tế (BHYT) Việt Nam, là dịp để toàn xã hội cùng nhìn lại chặng đường triển khai một trong những chính sách trụ cột của hệ thống an sinh xã hội. Trải qua nhiều năm, BHYT ngày càng khẳng định tính nhân văn sâu sắc, trở thành điểm tựa chăm sóc sức khỏe cho người dân, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Trao 500 suất học bổng cho học sinh khó khăn nhân sự kiện hợp nhất Bạc Liêu – Cà Mau   

Chiều 30/6, tại tỉnh Bạc Liêu, UBND tỉnh tổ chức chương trình “Chắp cánh ước mơ” trao 500 suất học bổng cho học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, chào mừng sự kiện hợp nhất hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau.

Tăng cường các giải pháp giảm tác hại của thuốc lá

Ngày 24/5/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định số 568/QÐ-TTg ban hành Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030, với các mục tiêu và giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ, tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Hoàn thiện hạ tầng tạo sức bật toàn diện

Ðầu tư phát triển hạ tầng là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược được xác định trong Nghị quyết Ðại hội Ðại biểu Ðảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025. Triển khai thực hiện, đến nay nhiều công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng, nhiều dự án đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, cũng như chuẩn bị khởi công..., thực sự tạo đột phá không chỉ cho hạ tầng giao thông mà còn giúp kinh tế - xã hội (KT-XH) bứt tốc.

Mai mốt Cà Mau em lớn…

Khi có dịp nhắc về tên gọi Minh Hải, tỉnh chung của Cà Mau - Bạc Liêu hồi trước, trong tâm khảm nhiều người vẫn nghe man mác những giai điệu ngọt ngào: “Rừng xanh Ðất Mũi Cà Mau/Ðồng xanh muối trắng Bạc Liêu/Chung sức dựng xây Minh Hải đẹp giàu” (ca khúc “Trên quê hương Minh Hải”, Nhạc sĩ Phan Nhân).

Khánh thành, bàn giao 300 căn nhà tại xã Phan Ngọc Hiển

Chiều nay (30/6), tại xã Viên An Đông (huyện Ngọc Hiển), nay là xã …, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau phối hợp với địa phương tổ chức Lễ khánh thành và bàn giao 300 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.