Những năm gần đây, công tác kêu gọi, vận động các “địa chỉ đỏ” xây dựng, hỗ trợ nhà công vụ cho giáo viên trở thành việc làm thường xuyên, thiết thực, đầy nghĩa tình. Kết quả mang lại không chỉ là những căn nhà mà còn là niềm tin để ngành giáo dục Ngọc Hiển tiếp tục phát triển.
Những năm gần đây, công tác kêu gọi, vận động các “địa chỉ đỏ” xây dựng, hỗ trợ nhà công vụ cho giáo viên trở thành việc làm thường xuyên, thiết thực, đầy nghĩa tình. Kết quả mang lại không chỉ là những căn nhà mà còn là niềm tin để ngành giáo dục Ngọc Hiển tiếp tục phát triển.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển Lê Thanh Phùng thông tin: “Huyện Ngọc Hiển còn nhiều khó khăn, đặc biệt là việc xây dựng kết cấu hạ tầng. Ngành giáo dục trong những năm qua đã gặt hái nhiều thành tựu, song việc ổn định nơi ăn chốn ở cho giáo viên vẫn là nỗi lo chung của địa phương”.
Những phần quà, suất học bổng sẽ giúp thầy, trò vùng biển bớt đi khó khăn, thêm cơ hội để phấn đấu. |
Theo lời ông Phùng, 80% giáo viên của Ngọc Hiển là người ngoài địa phương, trong đó, số giáo viên có chỗ ở ổn định chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, phần lớn giáo viên còn lại phải tự khắc phục khó khăn để bám trường, bám lớp.
Ông Ðỗ Thanh Tâm, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Ngọc Hiển, chia sẻ: “Mỗi căn nhà công vụ hoàn thành, chúng tôi lại có thêm niềm tin, động lực để tiếp tục phấn đấu”.
Nhớ về những ngày đầu ở huyện Ngọc Hiển, các thầy, cô giáo không khỏi chạnh lòng khi nhà ở tạm bợ, nước lên thì ngập, mùa hè nóng nực, mưa thì dột ướt. Có những thầy, cô bám trụ lại ở nhà dân, cùng ăn, cùng làm với bà con để tiếp tục đứng trên bục giảng. Vậy mà số lượng thầy, cô quyết tâm gắn bó với Ngọc Hiển vẫn rất đông, chất lượng giáo dục vì thế từng bước nâng lên, ổn định và có nhiều điểm nhấn ấn tượng.
Khi đến xã Tam Giang Tây với ước muốn cùng địa phương tháo gỡ những khó khăn của đồng nghiệp, các thầy, cô giáo Trường Ðại học Tin học - Ngoại ngữ TP Hồ Chí Minh không khỏi cảm động trước nỗ lực và sự cống hiến của giáo viên miền biển Ngọc Hiển.
Ông Phạm Tấn Thành, Phó Bí thư Thường trực Ðảng uỷ xã Tam Giang Tây, bộc bạch: “Xã chân thành ghi nhận những tình cảm to lớn của các tổ chức, cá nhân đã góp sức cho địa phương phát triển. Sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, của ngành giáo dục và đặc biệt là của các nhà tài trợ đã giúp các thầy, cô nơi đây yên tâm công tác. Từ đó, sự nghiệp trồng người của địa phương cũng đã đạt được kết quả nhất định”.
Trong chuyến ghé thăm này, đoàn cán bộ, giáo viên Trường Ðại học Tin học - Ngoại ngữ bàn giao 2 căn nhà công vụ cho Trường Tiểu học 1 Tam Giang Tây, tổng kinh phí đầu tư 100 triệu đồng. Ðịa phương đã đón nhận tình cảm ấy bằng sự xúc động và biết ơn sâu sắc.
Ông Ðỗ Thanh Tâm, thay mặt các thầy cô giáo, gởi đến những đồng nghiệp Trường Ðại học Tin học - Ngoại ngữ lời cam kết sẽ sử dụng nhà công vụ đúng mục đích, đúng đối tượng. Cũng chuyến đi này, đoàn bạn còn tặng 1 ti-vi 32 inch, 1 ấm điện, 1 quạt máy, 500 quyển tập và 15 suất học bổng trị giá 10 triệu đồng. Số học bổng này dành cho con em xã Tam Giang Tây có hoàn cảnh khó khăn, thành tích học tập tốt, đang theo học tại các trường trên địa bàn.
Ông Phạm Hồng Kỳ, Phó Bí thư Ðảng uỷ, Chủ tịch Công đoàn trường Ðại học Tin học – Ngoại ngữ, chia sẻ: “Ðóng góp nhỏ bé của chúng tôi không thể nào bằng tâm huyết, sự hy sinh của các đồng nghiệp tại Ngọc Hiển. Chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi, vận động để cùng san sẻ những khó khăn mà giáo viên Ngọc Hiển đang phải đối mặt. Bằng tình cảm chân thành, chúng tôi mong muốn từng giáo viên đều có được chỗ ở ổn định, có điều kiện phụng sự trọn vẹn cho sự nghiệp giáo dục”.
Ông Dương Chí Tâm, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục Cà Mau, khẳng định: “Nơi nào giáo viên còn khó khăn, nơi đó tổ chức Công đoàn sẽ dành sự quan tâm cao độ. Bằng nhiều nguồn, nhiều cách thức để nâng cao đời sống cho giáo viên, tạo điều kiện tốt cho người giáo viên yên tâm công tác. Trường Ðại học Tin học - Ngoại ngữ đã hỗ trợ cho Cà Mau rất nhiều. Tình cảm và cả vật chất mà các đồng nghiệp gởi về Cà Mau đều thật lớn, thật đáng trân trọng”./.
Bài và ảnh: Quốc Rin