(CMO) Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 4.500 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động, với tổng số vốn đăng ký khoảng 68 ngàn tỷ đồng. Ðại đa số DN có quy mô nhỏ và vừa. Thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), từ năm 2018 đến nay, tỉnh Cà Mau đã tích cực thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ.
Cụ thể, tỉnh đã đầu tư hàng tỷ đồng hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho DNNVV về khởi sự kinh doanh và quản trị DN; hỗ trợ đào tạo nghề và hỗ trợ đào tạo tiếp tại DN về chuyên môn theo nhu cầu của DN.
Ngoài ra, còn hỗ trợ tư vấn đáp ứng nhu cầu cho DNNVV, nhằm triển khai đồng bộ các hoạt động trợ giúp pháp lý cho DN, tạo chuyển biến căn bản về nhận thức pháp lý, ý thức pháp luật và thói quen tuân thủ pháp luật để DN kinh doanh hiệu quả; phòng chống rủi ro pháp lý và tăng cường năng lực cạnh tranh của DN, góp phần nâng cao năng lực quản lý Nhà nước bằng pháp luật đối với DN.
Các DNNVV hiện đang rất cần sự trợ giúp về mặt pháp lý trong quá trình hoạt động. (Ảnh chụp HTX ba khía Ðầm Dơi). |
Ðội ngũ gồm 30 luật sư thuộc 9 văn phòng luật sư; 139 cán bộ, công chức thuộc 19 sở, ngành tỉnh và 9/9 huyện, thành phố, đây là lực lượng làm nhiệm vụ tăng cường hỗ trợ pháp lý cho DNNVV trên địa bàn tỉnh Cà Mau trong năm 2022.
Thực tế cho thấy, hiện nay DNNVV trong tỉnh Cà Mau còn hạn chế trong nắm bắt thông tin pháp lý, kiến thức pháp luật phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chính vì vậy, việc hỗ trợ thông tin, tư vấn và hỗ trợ pháp lý là hết sức cần thiết.
Là chủ DN nhỏ mới hình thành, anh Nguyễn Hoàng Ðão, Giám đốc Công ty Lanvifood (xã Tân Lộc, huyện Thới Bình), chia sẻ: “Tôi “bỏ phố về quê” lập nghiệp, ra thương trường có rất nhiều thứ mới mẻ. DN phải làm từ đầu; xuất phát điểm thấp, dịch bệnh tác động rất lớn…, nếu công ty không có sự hỗ trợ, tư vấn kịp thời từ Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ DN tỉnh, Hiệp hội DN tỉnh về các thủ tục pháp lý thì sẽ rất khó khăn”.
Mặc dù có những hạn chế, khó khăn nhất định, nhưng việc triển khai thực hiện chương trình Kế hoạch về hỗ trợ pháp lý cho DNNVV trên địa bàn tỉnh Cà Mau đảm bảo theo quy định. Thông qua nhiều hình thức phong phú, các cơ quan chức năng đã tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận thông tin nhanh và chính xác về các chính sách pháp luật có liên quan, góp phần hạn chế rủi ro trong hoạt động kinh doanh, hạn chế vi phạm pháp luật; đồng thời nâng cao vai trò quản lý Nhà nước ở địa phương.
Ông Lê Hoàng Phước, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, thông tin: “Tới đây, khi đã ổn định về mọi mặt, Hiệp hội sẽ tiến hành tổ chức các buổi gặp gỡ DNNVV, lắng nghe và hỗ trợ DN khi cần thiết”.
Kế hoạch về hỗ trợ pháp lý cho DNNVV trên địa bàn tỉnh gồm 4 nội dung: tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật; cập nhật hệ thống văn bản pháp quy trên hệ thống trang tin điện tử; tập huấn kiến thức pháp luật và tư vấn pháp luật cho DNNVV.
Yêu cầu kế hoạch đề ra là tất cả kiến nghị, phản ánh từ DNNVV phải được tiếp nhận, phân loại, đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết và tổ chức thi hành pháp luật hiệu quả. Cung cấp thông tin pháp lý cho DNNVV; khắc phục cơ bản tình trạng DN gặp khó khăn trong việc tiếp cận, tìm hiểu các thông tin pháp luật có liên quan đến ngành nghề sản xuất, kinh doanh.
Mục đích kế hoạch hướng đến là triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, thiết thực Luật Hỗ trợ DNNVV năm 2017, Nghị định số 80/2021/NÐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV, Nghị định số 55/2019/NÐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho DNNVV. Kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về pháp lý, góp phần hạn chế rủi ro, đảm bảo cho DNNVV hoạt động sản xuất, kinh doanh thuận lợi, hiệu quả, theo đúng quy định pháp luật.
Xung quanh công tác này, Chủ tịch UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo cần chủ động, thống nhất trong công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai và phối hợp thực hiện hiệu quả các hoạt động hỗ trợ pháp lý. Tăng cường các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DNNVV; tạo chuyển biến cơ bản về nhận thức pháp luật, ý thức tìm hiểu, tuân thủ pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, chủ động phòng, chống rủi ro pháp lý. Hỗ trợ DN tiếp cận nhanh chóng hệ thống văn bản pháp luật; tạo điều kiện cho DN đóng góp ý kiến, tham gia xây dựng pháp luật; tạo lập các điều kiện cần thiết phục vụ hoạt động thực thi pháp luật và giúp DN hoạt động hiệu quả, tăng cường năng lực cạnh tranh lành mạnh./.
Phú Hữu