(CMO) Thực hiện Quyết định số 766/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử, với nhiều nỗ lực, đến nay tỉnh Cà Mau tạm xếp thứ 5/63 tỉnh, thành cả nước về dịch vụ công được cung cấp và kết quả giải quyết TTHC trên môi trường điện tử được xếp thứ hạng 26/63 tỉnh, thành cả nước.
Nếu như trước đây TTHC được thực hiện theo Nghị định số 43/2011, theo đó dịch vụ công trực tuyến có 4 mức độ, thì nay thực hiện theo Nghị định số 42/2022 quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của cơ quan Nhà nước trên môi trường mạng, chỉ còn 2 mức độ, là DVCTT toàn trình và DVCTT một phần.
Ðể thực hiện TTHC theo 2 mức độ nói trên, Trung tâm Giải quyết TTHC tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh tái cấu trúc lại cơ sở dữ liệu, thiết lập các ứng dụng để kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia.
Việc cung cấp và giải quyết TTHC trên môi trường điện tử được đánh giá công khai qua Cổng dịch vụ công Quốc gia. |
Ông Hồ Chí Linh, Giám đốc Trung tâm Giải quyết TTHC tỉnh, cho biết, DVCTT toàn trình là tất cả các quy trình giải quyết TTHC, từ khâu tiếp nhận, xử lý, phê duyệt cho đến khâu trả kết quả, đều được thực hiện trên môi trường mạng. Không yêu cầu phải nộp bản giấy, không phải đi kiểm tra trực tiếp tại hiện trường, không yêu cầu gặp trực tiếp nộp hồ sơ, tất cả đều được thực hiện trên môi trường mạng. Người nộp hồ sơ chỉ cần gởi file hồ sơ điện tử theo đúng quy định thì sẽ được giải quyết và nhận kết quả điện tử để hình thành kho dữ liệu số hoá để sử dụng lâu dài. Trả kết quả giấy nếu hồ sơ có yêu cầu, người dân có thể nhận kết quả trực tiếp hoặc qua bưu chính.
Hiện Cà Mau đang tạm xếp thứ 5/63 tỉnh, thành về dịch vụ công được cung cấp, tỉnh đang thực hiện tái cấu trúc, sẽ công bố 1.805 TTHC được cung ứng DVCTT toàn trình và một phần. Trong đó, có khoảng 200 thủ tục sẽ được công bố DVCTT toàn trình, tất cả quy trình đều phải đảm bảo được giải quyết trên môi trường mạng; hiện đang rà soát để đảm bảo thực hiện thành công. TTHC còn lại không đủ điều kiện sẽ đưa vào DVCTT một phần. Phấn đấu khoảng 97% TTHC được công bố DVCTT để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân.
Trước khi TTHC được công bố trên môi trường mạng, sẽ trải qua dịch vụ kiểm thử theo Quyết định số 31 của Thủ tướng Chính phủ, nếu hoàn thành việc kiểm thử dịch vụ hành chính công được cung cấp DVCTT toàn trình và DVCTT một phần thì tỉnh Cà Mau có số lượng đứng đầu cả nước về số TTHC được công bố DVCTT toàn trình và DVCTT một phần.
Song song với việc công bố TTHC DVCTT toàn trình và DVCTT một phần được đánh giá cao thì kết quả giải quyết TTHC trên môi trường điện tử đến nay Cà Mau cũng đạt khá, xếp thứ 26/63 tỉnh, thành trong cả nước.
Ông Hồ Chí Linh thông tin: "Năm nay Cà Mau hoàn thành chỉ tiêu về số hoá TTHC. Từ khi Chính phủ triển khai Nghị định 107/2021 thì Cà Mau đã triển khai việc số hoá tương đối đảm bảo. Ðến nay, tỷ lệ TTHC số hoá được ghi nhận trên cơ sở bản đồ thực về đánh giá chất lượng TTHC thì Cà Mau đạt hơn 60% hồ sơ được số hoá. Ðây là điều rất đáng mừng, trong điều kiện tỉnh còn nhiều khó khăn nhưng đã cố gắng đạt được kết quả khả quan. Tiêu chí về cung cấp DVCTT đạt kết quả khả quan cũng được Văn phòng Chính phủ đánh giá cao. DVCTT hiện nay thực hiện theo Nghị định 42/2022 được tính trên cả 2 phương diện: thứ nhất là nộp trực tuyến, giải quyết theo hình thức toàn trình, một phần; thứ hai là thanh toán trực tuyến. 2 vấn đề này Cà Mau đều có chỉ số tương đối đảm bảo và xếp thứ hạng cao trên toàn quốc về mức độ này”.
TTHC được công bố trên DVCTT và kết quả giải quyết TTHC trên môi trường mạng của tỉnh Cà Mau hiện nay đạt kết quả khá. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là đẩy mạnh phát triển công dân số, vì vậy tỉnh Cà Mau đang hỗ trợ người dân tiếp cận DVCTT thông qua tổ công nghệ số cộng đồng.
Những tháng cuối năm nay và đầu năm 2023 tập trung thông qua tổ công nghệ số cộng đồng để tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân thực hiện các DVCTT. Tăng cường phối hợp với Công an tỉnh để đẩy mạnh việc sử dụng tài khoản định danh điện tử theo hệ thống định danh của Bộ Công an nhằm đảm bảo việc thực hiện TTHC trên môi trường điện tử đúng quy định.
"Một trong những nhiệm vụ đang được thực hiện là rà soát các TTHC nội bộ, kể cả các đơn vị sự nghiệp, y tế, giáo dục để đảm bảo từ ngày 1/1/2023 khi không còn sử dụng hộ khẩu giấy thì việc giải quyết TTHC của người dân, kể cả TTHC nội bộ được thuận lợi, thông suốt", ông Hồ Chí Linh cho biết./.
Phúc Duy