Ði qua chặng đường khá dài trong tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay môi trường nông thôn Cà Mau có nhiều chuyển biến tích cực, đường làng, ngõ xóm ngày thêm khang trang, sạch đẹp. Thế nhưng, việc hoàn thiện tiêu chí này là vấn đề không hề đơn giản, bởi phụ thuộc rất lớn vào ý thức của người dân.
Ði qua chặng đường khá dài trong tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay môi trường nông thôn Cà Mau có nhiều chuyển biến tích cực, đường làng, ngõ xóm ngày thêm khang trang, sạch đẹp. Thế nhưng, việc hoàn thiện tiêu chí này là vấn đề không hề đơn giản, bởi phụ thuộc rất lớn vào ý thức của người dân.
“Đây là tiêu chí đơn giản nhất trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM. Bởi khi thực hiện ít tốn kém nhất, ít cần đầu tư mà phần nhiều phụ thuộc vào hành vi, nếp sống của chính người dân. Những thói quen, tập quán của người dân nông thôn hiện nay chính là những rào cản lớn khiến tiêu chí về môi trường khó hoàn thiện như mong muốn”, ông Ðoàn Văn Bình, Chánh Văn phòng Ðiều phối xây dựng NTM, trăn trở.
Nhiều khó khăn
Ðây là tiêu chí số 17 trong 19 tiêu chí về xây dựng NTM. Ðể thực hiện tiêu chí này, buộc các địa phương phải hoàn thiện 5 chỉ tiêu. Trong đó, 50% hộ trong xã được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy định chuẩn quốc gia; các cơ sở sản xuất kinh doanh không gây suy giảm, ô nhiễm môi trường; nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch; chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định; phát triển cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp.
Người dân xã Tân Dân, huyện Đầm Dơi ý thức rất cao trong việc xây dựng hàng rào cây xanh, tạo cảnh quan môi trường, góp phần hoàn thiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh: NHẬT HUY |
Qua hơn 5 năm thực hiện, đến nay, toàn tỉnh có 47/82 xã đạt tiêu chí này. “Gọi là đạt chứ hoàn thiện thì rất khó, bởi tỉnh chỉ mới kiểm tra, thẩm định được 17 xã, còn lại 30 xã là do xã, huyện tự đánh giá, Ban Chỉ đạo tỉnh chỉ mới ghi nhận kết quả”, ông Bình thông tin thêm.
Trong 5 chỉ tiêu nêu trên, có rất nhiều vấn đề khó khăn mà các địa phương đang gặp phải. Trong đó, ngoài sự đòi hỏi quá cao của tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch trong khi thực tế hiện nay trên địa bàn còn rất nhiều nơi đang thiếu nước sinh hoạt. Còn lại thì phần đông cái khó đều xuất phát từ ý thức của từng hộ dân, hộ kinh doanh trên địa bàn trong việc bảo vệ môi trường.
Nói về chỉ tiêu cơ sở sản xuất kinh doanh không gây ô nhiễm môi trường càng khó hơn. Ðặc thù Cà Mau thế mạnh là nuôi trồng thuỷ sản, nhất là con tôm, do đó có rất nhiều công ty chế biến thuỷ sản hoạt động, các cơ sở thu mua tôm nhỏ lẻ cũng phát triển theo. Theo đánh giá của các địa phương, khó nhất là quản lý các cơ sở thu mua này, nhìn chung các nhà máy, xí nghiệp lớn đều có xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhưng đối với các cơ sở thu mua cặp bờ sông thì họ cứ vô tư xả nước thải trực tiếp xuống sông, khiến môi trường ảnh hưởng không ít.
Quan trọng hơn hết là tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán của người dân trên địa bàn khó thay đổi được, bởi đã trở thành thói quen, nếp sống bao đời nay. Người dân đã quen với việc chăn nuôi cạnh nhà cho tiện việc chăm sóc, rồi thải phân động vật trực tiếp xuống sông hay ao hồ, khiến cho môi trường, cũng như việc quy hoạch chuồng trại, theo mong muốn của tiêu chí rất khó lòng đảm bảo.
Mưa dầm thấm đất…
Vấn đề rác thải ở các cụm dân cư tuy không còn đáng lo ngại như trước đây bởi ý thức người dân hiện nay được nâng lên rõ rệt, nhưng ở các khu chợ tập trung, ý thức các hộ kinh doanh vẫn còn rất kém. Dù đã có điểm tập kết rác nhưng họ vẫn đổ rác xuống sông, khiến lòng sông ở khu vực chợ luôn bị ô nhiễm.
Là một trong các địa phương thực hiện khá tốt về tiêu chí môi trường, tính đến hết quý I, toàn huyện Thới Bình có 8/11 xã đạt tiêu chí này. Còn lại 3 xã là Hồ Thị Kỷ, Tân Lộc Bắc và Tân Bằng dự kiến sẽ đạt trong năm 2016. Ông Nguyễn Hoàng Lâm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Thới Bình, bộc bạch: “Hiện nay, có thể nói huyện gần đạt tiêu chí này, nhưng muốn hoàn thiện và duy trì còn tuỳ thuộc rất nhiều vào ý thức của người dân. Bởi toàn huyện chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm khá đông, mỗi năm dao động từ 300.000-400.000 gia cầm và từ 30.000-35.000 con heo nên vấn đề quy hoạch theo tiêu chí là rất khó. Mặt khác, huyện có trên dưới 150 cơ sở thu mua tôm nguyên liệu, phần lớn các cơ sở này ít nhiều đều gây ô nhiễm môi trường, mặc dù đã qua không ngừng kiểm tra, phạt hành chính”.
Là một trong số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nhiều năm nay tại Khóm 7, thị trấn Thới Bình, huyện Thới Bình, chú Lý Văn Triệu thật thà: “Gia đình cũng nuôi vài chục con gà thả vườn và mấy con heo để phát triển kinh tế. Lúc trước có sử dụng hầm biogas nhưng năm nay hư rồi, tạm thời thải ra ao bên cạnh nhà”.
Bà Trần Thị Hồng Nga, Phó Chi cục trưởng Chi cục Môi trường tỉnh Cà Mau, nói: “Ðây là tiêu chí không cần nhiều vốn đầu tư như những tiêu chí khác, bởi hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức người dân. Do vậy, trên hết công tác tuyên truyền cần phải được quan tâm thường xuyên và liên tục, với phương châm “mưa dầm thấm đất”. Có như vậy, các địa phương sẽ nhẹ gánh để hoàn thiện tiêu chí này theo tiến trình xây dựng NTM”./.
Hồng Nhung