(CMO) Trang Travel+Leisure vừa công bố bình chọn The World's Best Awards 2021 dành cho các điểm đến và dịch vụ du lịch hàng đầu thế giới, trong đó TP Hội An của Việt Nam đã lọt vào tốp 15 thành phố tuyệt vời nhất châu Á (The Top 15 cities in Asia). Sự vinh danh The World's Best Awards 2021, dành cho các điểm đến và dịch vụ du lịch hàng đầu thế giới, được bình chọn từ tháng 1 đến tháng 5/2021 trong bối cảnh nhiều điểm đến đang dần gỡ bỏ các hạn chế phòng dịch Covid-19. Ðể chọn ra tốp 15 thành phố du lịch hàng đầu châu Á, chuyên trang du lịch Travel+Leisure đã dựa vào đánh giá của độc giả về các thành phố xét theo các tiêu chí như địa điểm tham quan, văn hoá, ẩm thực, sự hiếu khách, mua sắm...
Chùa Cầu, một biểu tượng của Hội An. |
Phố cổ Hội An nằm bên bờ sông Thu Bồn. Nơi đây từng nổi tiếng một thời với cái tên Faifoo mà các thương nhân Nhật Bản, Trung Quốc, Bồ Ðào Nha, Ý đã biết đến từ thế kỷ 16, 17. Từ thời đó, thương cảng Hội An đã thịnh vượng, là trung tâm buôn bán lớn của Ðông Nam Á, một trong những thương cảng chính của thương thuyền vùng Viễn Ðông. Hội An có những con phố cổ gần như còn nguyên vẹn là những ngôi nhà hình ống chạy dài từ phố này sang phố kia.
Trong đó có con phố nằm sát bờ sông Hoài thơ mộng. Những ngôi nhà ở đây đều làm bằng gỗ quý, liễn đối, câu đối, cột trang trí hoa văn rất tinh xảo… Hội An là một bảo tàng sống, khu phố cổ đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá thế giới. Thành phố Hội An nhỏ bé trên mảnh đất Quảng Nam này từng là nơi chứng kiến 2 cuộc giao lưu văn hoá lớn trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Lần thứ nhất cách đây hơn 5 thế kỷ, khi dân tộc Việt tiến về phương Nam mở mang bờ cõi, và lần thứ hai cách đây 2 thế kỷ, khi người phương Tây theo các chiến thuyền và thương thuyền đặt chân lên mảnh đất này với ý đồ truyền bá và thôn tính. Cả 2 sự kiện lớn đó đều kéo theo tương tác văn hoá lớn lao và nền văn hoá Việt đã vượt qua thử thách đồng hoá để tự cải biến và tồn tại cùng thời cuộc. Giờ đây, du khách đến Hội An, ngoài việc khám phá sự bình dị, chân thật trong tâm hồn người dân phố Hội, sẽ có thêm nhiều thời gian chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính và tĩnh lặng của các mái ngói phủ rêu xanh mướt và nét chạm trổ tinh vi trong những căn nhà gỗ đã tồn tại từ hơn 300 năm nay...
Bước chân vào khu phố cổ, du khách sẽ ngỡ ngàng trước một thế giới biệt lập, tách khỏi mọi dòng chảy và sự phá huỷ của thời gian. Không có tiếng động cơ gầm rú, cũng chẳng có những thương hiệu rực rỡ đèn màu. Tất cả đã lùi xa sau lưng, cả không gian và thời gian đều lắng đọng trong những nếp nhà gỗ cổ xưa. Hội quán Phúc Kiến lặng lẽ tồn tại để con người hoài niệm về một thời quá khứ. Ðặc biệt, khu phố cổ có mang một vẻ lãng mạn, sâu lắng và bình yên dưới ánh đèn lồng huyền ảo mỗi đêm 14, 15, 16 âm lịch hàng tháng.
Hội quán Phúc Kiến, dấu tích của những thương nhân người Hoa đến làm ăn và mua bán cách đây 300 năm. |
Xưa kia, nếu như người Việt quen dùng đĩa đèn dầu lạc, thì người Nhật Bản và Trung Hoa đã đưa tới Hội An thói quen sử dụng đèn lồng. Sáng kiến khôi phục việc thắp đèn lồng thay cho ánh sáng điện từ mùa thu năm 1998 đã mang lại hiệu quả không ngờ ngay từ buổi đầu tiên. Vào mỗi đêm 14, 15, 16 âm lịch, mọi sinh hoạt của thành phố bình yên này quay trở về với tập quán của hơn 300 năm trước, và khu phố cổ nằm trong giới hạn của 4 con đường Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Lê Lợi, Bạch Ðằng đồng loạt tắt đèn và treo trước nhà những ngọn đèn lồng huyền ảo. Ánh sáng của đèn lồng mờ dịu và phảng phất dấu ấn của thời gian xưa cũ. Những chiếc đèn tròn, lục lăng theo phong cách Nhật Bản treo dưới mái hiên và hai bên cửa ra vào, đèn quả trám hoặc ống dài kiểu Nhật Bản… tạo lên một thế giới lung linh, huyền ảo.
Trong những ngôi nhà cổ rêu phong, bóng người phụ nữ áo dài cặm cụi làm việc dưới ánh đèn lồng được tạo thành từ chiếc nơm cá giản dị, bên vỉa hè, hai người già râu tóc bạc phơ đang chìm đắm vào suy nghĩ với ván cờ tướng thắp sáng bởi ngọn nến lung linh... Dường như con người đang được sống với dĩ vãng khi những phiền toái của cuộc sống hiện tại chưa hiện hữu. Trong bầu không khí cổ tích đó, hãy kiểm nghiệm sự hiện hữu bằng việc nếm một vài món ăn phong vị xứ Quảng như bánh bò, bánh vạc, cao lầu tại các nhà hàng hoặc cách gánh hàng rong còn giữ nguyên vị chân quê.
Sẽ là thiếu sót nếu đến Quảng Nam mà bạn không tham quan “biểu tượng của Hội An” - Chùa Cầu. Nơi đây còn có cái tên khác - chùa Nhật Bản - nằm tiếp giáp giữa đường Nguyễn Thị Minh Khai và Trần Phú. Công trình kiến trúc độc đáo này còn được in trên tờ tiền polyme 20.000 đồng của nước ta. Chùa Cầu cong cong, được làm bằng ván gỗ bắc ngang qua con lạch thông ra sông Hoài. Cầu dài 18 m, có mái che lợp bằng ngói âm dương, quay mặt về phía sông Thu Bồn. Ðiều đặc biệt là dù được người Nhật xây dựng nhưng Chùa Cầu lại mang đậm nét kiến trúc Việt Nam. Phía trên cửa chính có chạm nổi 3 chữ Hán là Lai Viễn Kiều, nghĩa là cầu của những người bạn từ xa đến.
Không quá trang nghiêm như Cố Ðô Huế, không quá sôi động như Chợ Lớn, nét cổ truyền nơi đây mang một vẻ thuần khiết, thu hút những tâm hồn ưa chuộng lãng mạn của những ngày xa xưa.
Hãy một lần đến với Hội An để lắng lòng và chiêm nghiệm…
Ðào Minh Tuấn