Giáo dục STEM trong thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông cấp tiểu học không chỉ tạo hứng thú, khơi gợi niềm say mê học tập, giúp học sinh khám phá tiềm năng của bản thân, khám phá khoa học, công nghệ, mà còn hỗ trợ, tăng cường giáo dục khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán, tin học và nghệ thuật; phát huy tính tích cực sáng tạo và vận dụng vào giải quyết vấn đề trong thực tiễn cuộc sống cho học sinh.
Giáo dục STEM là phương thức giáo dục chủ yếu dựa trên dạy học tích hợp, tạo cơ hội cho học sinh huy động, tổng hợp kiến thức. STEM tiểu học không phải là một môn học cụ thể chung chung nào đó, vì thế giáo viên có thể lên kế hoạch bài giảng có sự kết hợp giữa các hoạt động về STEM với nhiều bộ môn liên quan, bổ trợ cho nhau. Ðiều này vừa tạo sự hứng thú cho học sinh, vừa đảm bảo rèn luyện tư duy, năng lực (khoa học, vận dụng tổng hợp, sáng tạo, thiết kế) và nhiều kỹ năng hữu ích khác cho các bạn nhỏ.
Bài học STEM dựa trên quy trình thiết kế kỹ thuật hoặc quy trình khám phá khoa học với các hoạt động học phù hợp với đối tượng học sinh và sử dụng các thiết bị dạy học cấp tiểu học theo quy định của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) đã ban hành cùng các đồ dùng học tập của học sinh trong các môn học, các vật tư, vật liệu dễ tìm, sẵn có đối với giáo viên và học sinh.
Trường Tiểu học Quang Trung (Phường 5, TP Cà Mau) là 1 trong 5 trường được Phòng GD&ÐT TP Cà Mau thí điểm mô hình giáo dục STEM năm học 2023-2024. Trên cơ sở đó, ngay từ đầu năm học, nhà trường triển khai cho tất cả giáo viên và yêu cầu mỗi giáo viên gửi một bài học STEM giống như một chuyên đề nghiên cứu, bài học có báo cáo, đánh giá, nhận xét. Nhà trường khuyến khích tất cả giáo viên đăng ký dạy bài học STEM.
Tiết học STEM sôi nổi, vui tươi của cô, trò lớp 1A, Trường Tiểu học Quang Trung.
Ðược sự chỉ đạo của Ban Giám hiệu nhà trường, cô Trần Diệu Linh, giáo viên chủ nhiệm lớp 1A, đã thực hiện tiết dạy STEM môn Toán, thực hành làm đồng hồ tiện ích. Trong tiết dạy, cô Diệu Linh đã tổ chức cho học sinh thực hiện hoạt động thực hành với đầy đủ các bước của một bài học STEM. Các em học sinh sôi nổi khám phá kiến thức, tự do sáng tạo, áp dụng được những hiểu biết, thể hiện sở trường của mình... Các em sử dụng vốn hiểu biết ban đầu rồi tự mình tìm hiểu, nhận biết và phác thảo ra ý tưởng làm sản phẩm đồng hồ. Dưới sự hoạt động nhóm tích cực, các nhóm đã tạo được sản phẩm đồng hồ với những hình dạng, kích thước và màu sắc đa dạng.
Cô Trần Diệu Linh chia sẻ: “Ðể chuẩn bị cho một tiết học STEM, giáo viên phải chuẩn bị về phòng học, sắp xếp bàn ghế, vật liệu, đồ dùng học tập cần thiết để các em làm ra một sản phẩm. Qua mô hình giáo dục STEM, hoạt động học tập của học sinh có nhiều tiến bộ, với hình thức làm việc theo nhóm, giúp các em đưa ra được rất nhiều ý tưởng sáng tạo so với khi các em làm việc cá nhân hoặc những hình thức học khác; bên cạnh đó, giúp học sinh tự tin hơn, biết trao đổi nhóm, giao lưu với thầy cô, không còn sợ sệt, rụt rè”.
Thầy Lý Ngọc Hiển, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Trung, cho biết: “Cho đến nay, nhà trường đã tổ chức dạy 24 tiết bài học STEM ở tất cả các khối lớp. Ðây là chương trình giáo dục mới, được tiếp cận với mô hình học STEM, học sinh rất thích thú, sáng tạo, phấn khởi khi chính tay của mình cùng với các bạn làm ra một sản phẩm. Trong năm học tới, nhà trường sẽ áp dụng đại trà mô hình giáo dục STEM, tăng tiết học STEM từ 5-7 tiết/lớp”.
Tương tự, tại Trường Tiểu học Lê Quý Ðôn (Phường 9, TP Cà Mau), cô Lý Mỹ Linh, giáo viên dạy lớp 2B, đã thực hiện tiết dạy STEM ở môn tự nhiên và xã hội. Trong tiết học, cô đã tổ chức các hoạt động một cách hợp lý, phù hợp với yêu cầu cần đạt của bài học, điều kiện thực tế và năng lực của học sinh. Tất cả học sinh tham gia các hoạt động rất hào hứng, tích cực theo sự phân công của các nhóm trưởng. Ðồng thời, các em được rèn luyện kỹ năng phối hợp, làm việc nhóm; kỹ năng thuyết trình; kỹ năng đánh giá, nhận xét...
Hoạt động tích cực của các nhóm của lớp 2B, Trường Tiểu học Lê Quý Ðôn đã tạo được sản phẩm tranh vẽ miêu tả các loài động vật, với những hình dạng, kích thước và màu sắc đa dạng.
Em Trần Ngô Khánh Quân, học sinh lớp 2B, Trường Tiểu học Lê Quý Ðôn, bày tỏ: “Ðược tham gia tiết học, em rất vui vì tự tay làm ra các con vật và tô màu. Sau khi được học bài Nơi sống của động vật, em đã biết động vật sống ở đâu và cần nên bảo vệ động vật như thế nào".
"Khi thực hiện bài dạy STEM, học sinh hứng thú hơn với tiết học, các em tự chuẩn bị những gì có thể và tự tay làm ra sản phẩm; nội dung liên kết được nhiều môn hơn so với phương pháp dạy học truyền thống. Sau tiết học STEM giúp học sinh sáng tạo hơn, phát huy tính tích cực của học sinh nhiều hơn”, cô Lý Mỹ Linh chia sẻ.
Theo hướng dẫn của Sở GD&ÐT về tổ chức hoạt động giáo dục STEM trong giáo dục tiểu học, năm học 2023-2024, mỗi huyện, thành phố chọn ít nhất 5 cơ sở giáo dục tiểu học để tổ chức tập huấn, hướng dẫn các nhà trường xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Bắt đầu từ năm học 2024-2025, triển khai thực hiện đến tất cả các cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn bảo đảm chất lượng và yêu cầu theo quy định. |
Một tiết học STEM diễn ra thật nhẹ nhàng, vui vẻ nhưng không kém phần sôi nổi, thích thú. Các em vô cùng hào hứng với các hoạt động thực hành để tạo ra sản phẩm từ những vật liệu khác nhau như đất nặn, giấy màu, màu vẽ, các hình có sẵn trong bộ đồ dùng... Gương mặt các em thể hiện rõ niềm vui, sự phấn khởi khi đã làm ra được các sản phẩm đẹp mắt, đúng yêu cầu. Tiết học kết thúc trong niềm vui thích của tất cả các em vì nhóm nào cũng nêu được ý tưởng và tạo ra được các sản phẩm từ các vật liệu do chính các em chuẩn bị./.
Quỳnh Anh - Hữu Nghĩa