ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 22-9-24 17:28:05
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Hương quê giữa phố

Báo Cà Mau (CMO) Món ăn ở thành phố ngày càng đa dạng về chủng loại, mùi vị, hình dáng, tuy nhiên bánh quê vẫn luôn giữ vị trí riêng trong lòng người thưởng thức. Ðơn sơ mà lưu giữ tinh tuý của xứ sở và sự chăm chút của người chế biến. Hương quê được hoà vào cuộc mưu sinh tưởng chừng đã chai sạn cảm xúc theo thời gian, nhưng khi chợt ai nhắc đến, lòng người lại rưng rưng.

Dân tứ xứ đến sinh cơ lập nghiệp ở TP Cà Mau, nhiều người mang theo nghề truyền thống của quê hương, góp thêm sắc màu cho vùng đất năng động, hiền hoà. Ðược nghe những tâm tình, thấy rằng ngoài mưu sinh, chất chứa trong những món ăn ấy còn là hạnh phúc tiếp nối, là nỗi nhớ quê cồn cào…

14 năm trước, ba anh em của anh Phạm Văn Luận khăn gói từ Ninh Bình vào Nam, chọn TP Cà Mau làm nơi định cư, lập nghiệp. Ðất lạ quê người, họ chỉ biết làm thuê, cuộc sống bấp bênh. Bao đêm suy tính tương lai, anh Luận nhớ quê, nhớ tuổi thơ ngày ngày cùng mẹ mang lỉnh kỉnh nồi, thau ra chợ quê bán bánh cuốn nóng. Anh Luận liền bàn với vợ thuê mặt bằng nhỏ, mở quầy bán bánh cuốn nóng. Mấy tháng đầu vợ chồng anh bị lỗ gần hết vốn liếng. Hồi mới, mọi người tưởng là món gỏi cuốn nên ít mua, thế rồi những ai ăn thử thấy ngon, quay lại và giới thiệu thêm, dần dà gia đình anh sống được với nghề. Anh em của anh Luận, người thì tập tành bán bánh cuốn như anh, người thì sản xuất giò lụa (chả lụa) theo công thức truyền thống ở quê, để cung cấp cho 2 quầy bánh cuốn và bán ra thị trường.

Anh Luận cho biết, bánh cuốn được coi là món ăn đặc sản ở quê anh, tương tự như bánh tráng ướt ở trong này, nhưng cho thêm phần nhưn (thịt bằm xào mộc nhĩ) rồi cuộn lại, rắc thêm hành phi, ăn cùng giá, dưa leo, chả lụa và nước mắm chua ngọt. Các công đoạn đều làm thủ công nên rất vất vả. Chuẩn bị cho buổi bán sáng, vợ chồng anh Luận thức từ 3 giờ khuya, xay bột, xào nhưn, trộn rau… Bánh cuốn có hương vị thanh đạm, cách ăn gọn lẹ, nên được thực khách ưa chuộng. Cứ thế, hơn 10 năm qua, vợ chồng anh Luận lo chu toàn cho 2 đứa con đang tuổi ăn tuổi học.

Giữa phố thị sôi động, náo nhiệt, quầy hàng của vợ chồng anh Luận giản đơn chỉ 2 cái nồi và chiếc xe đẩy bên đường Hùng Vương, Phường 5. Anh Luận tay thoăn thoắt tráng bánh, còn vợ anh tất bật vừa bán, vừa cuốn nhưn. Không lâu lại thấy những chiếc xe ô-tô dừng lại, mua một lượt mấy hộp. Hơi khói bốc lên lướt qua ánh mắt đầy niềm tin, anh Luận thổ lộ: “Sức vóc đàn ông lẽ ra phải chọn việc nặng nhọc hơn nghề làm bánh. Nhưng nghĩ lại tôi thấy cũng hay hay, vì tiếp nối nghề xưa của gia đình, vui mừng khi đặc sản xứ sở được người dân ở quê hương thứ hai đón nhận, làm mình vơi đi nỗi nhớ nhà”.

Ðã nói là bánh quê thì có hàng trăm món, từ 3 miền Bắc, Trung, Nam, ở đâu cũng có vị bánh quê đặc trưng của vùng miền ấy. Ðược làm nên từ hạt lúa, hạt nếp, củ khoai, trái chuối…, qua đôi bàn tay khéo léo của các bà, các mẹ, các loại bánh quê trở nên đậm đà, tròn vị, không thể thiếu trong ký ức tuổi thơ của mỗi người. Vì thế bánh quê luôn giữ cho mình một vị trí riêng trong lòng người thưởng thức. Trên những ngả đường, góc phố Cà Mau dễ bắt gặp những quầy hàng hay xe đẩy bán các món bánh dân dã: chuối chiên, bánh bò, tai yến, bánh kẹp, bánh bông lan…

Hàng ngày, tầm 6 giờ sáng là bà Nguyễn Thị Út (70 tuổi) cùng con gái dọn hàng, nhóm lửa cho ra lò những mẻ bánh bông lan nóng hổi, thơm lừng cả góc phố. Nghề làm bánh bông lan của gia đình bà Út đã qua 3 đời, mẹ dạy cho bà, rồi giờ bà truyền lại cho con gái. Sở dĩ bánh được nhiều thực khách ưa chuộng là vì vẫn giữ được hương vị đậm đà ngày xưa, nhờ vào phương thức chế biến hoàn toàn bằng thủ công, nhưng vẫn đảm bảo an toàn vệ sinh. Ngoài bán lẻ, bà Út còn nhận làm cho đám cưới, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán bà phải thức sáng đêm, nướng cùng lúc 3 lò mới kịp giao cho khách. Tuy cực nhưng có nguồn thu nhập ổn định và quan trọng hơn hết là gìn giữ kỷ niệm với người thân.

Bà Nguyễn Thị Út (70 tuổi) vẫn ngày ngày cho ra lò những mẻ bánh bông lan nóng hổi, thơm lừng cả góc phố.

Gia đình bà Út quê ở Năm Căn, sinh sống chủ yếu bằng nghề buôn bán. Mỗi khi nhà có đám tiệc hay tết nhất, chị em bà cùng mẹ quây quần đánh bột, giành nhau đổ khuôn, để cho ra lò những chiếc bánh vàng ươm, thơm béo đãi người thân, hàng xóm. Kỷ niệm ấy và nghề làm bánh đã gắn bó trong cuộc mưu sinh của bà Út hơn 20 năm qua. Bà Út kể, hồi trước bà cùng người chị bán thay phiên, rồi chị bà qua đời, bà Út vẫn quyết bám nghề, dù cực, dù lớn tuổi. Mấy tháng rồi bà Út bị té đau chân phải nằm nhà, vừa bớt là chống cái tó ra ngồi chợ, để được nướng bánh, được trọn vui tuổi già với hương quê giữa phố.

Cuộc sống ngày càng hối hả, giữa phố gặp bánh quê chợt thấy lòng lắng lại, nhớ về một khoảng trời bình yên của quê hương, xứ sở. Dân dã trong tên gọi, mộc mạc ở cách chế biến như tấm lòng người dân chân chất, nghĩa tình, bánh quê đã góp mặt làm đẹp đời sống tinh thần và văn hoá ẩm thực đất Cà Mau./.

 

Mộng Thường

 

Mang niềm vui đến trẻ kém may mắn

Luôn quan tâm đến những hoàn cảnh kém may mắn, trong đó có trẻ em, thời gian qua, Ban Từ thiện xã hội Phật giáo tỉnh Cà Mau tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, không chỉ giúp đỡ về vật chất cho trẻ mà còn mang lại ý nghĩa to lớn về mặt tinh thần.

Tái diễn lấn chiếm lòng đường trước cổng bệnh viện

Theo ghi nhận và xác minh thực tế của phóng viên Báo Cà Mau, khu vực trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau gần đây thường xuyên xuất hiện tình trạng mua bán thức ăn lấn chiếm lòng đường.

Trường Đại học Bình Dương Phân hiệu Cà Mau: Đào tạo hơn 2 ngàn sinh viên

Năm học 2023-2024 đánh dấu chặng đường 27 năm Trường Đại học Bình Dương hình thành và phát triển. Riêng tại Phân hiệu Cà Mau đến nay đã tuyển sinh và đào tạo được 11 khoá học.

Xây dựng khu dân cư tự quản đoàn kết, ấm no, hạnh phúc

Xây dựng khu dân cư (KDC) tự quản đoàn kết, ấm no, hạnh phúc, là mô hình đột phá mà Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau hướng đến trong nhiệm kỳ 2024-2029, với mục tiêu hướng mạnh hoạt động về cơ sở, địa bàn KDC. Ðể mô hình này thực hiện có hiệu quả, đòi hỏi sự đồng thuận, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân.

Chuyến xe yêu thương

Với mong muốn san sẻ khó khăn, tương trợ đồng bào các tỉnh phía Bắc đang phải chịu thiệt hại, mất mát nặng nề do cơn bão số 3 (Yagi) gây ra, Huyện đoàn - Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Trần Văn Thời phối hợp với Bưu điện huyện phát động thực hiện chương trình “Chuyến xe yêu thương” từ ngày 12-17/9. Chương trình đã nhận được sự đồng hành của nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân, lan toả mạnh mẽ tình yêu thương, sẻ chia và giúp đỡ trong nghĩa đồng bào.

Những ngôi nhà ấm áp nghĩa tình

Thời gian qua, các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, địa phương trên địa bàn huyện Trần Văn Thời đã vận động, huy động mọi nguồn lực để xây dựng, sửa nhà ở cho hộ nghèo. Nhờ sự chung tay, đồng tình hưởng ứng, ủng hộ với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, hàng trăm ngôi nhà Ðại đoàn kết ấm áp nghĩa tình đã được xây dựng, giúp hộ nghèo có chỗ ở ổn định, từng bước vươn lên trong cuộc sống.

Người dân Năm Căn hướng về đồng bào miền Bắc

Cơn bão số 3 (còn gọi là bão Yagi) đã qua đi, nhưng sự khốc liệt của nó đã gây thiệt hại rất nặng nề cho đồng bào ở một số tỉnh miền Bắc. Bằng tấm lòng ruột thịt Bắc - Nam một nhà, người dân tỉnh Cà Mau nói chung, huyện Năm Căn nói riêng đã có những việc làm thiết thực, nhằm sẻ chia, động viên bà con sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Trao học bổng "Quỹ xe đạp chở ước mơ"

Chiều 18/9, kỷ niệm 28 năm thành lập và Tháng hành động vì trẻ em, Công ty Bảo Việt nhân thọ Cà Mau tổ chức trao học bổng xe đạp cho các em học sinh nghèo hiếu học. Đây là hoạt động trong chương trình “Trao hơn cả cam kết” thể hiện sự quan tâm, chia sẻ khó khăn với các em học sinh nghèo hiếu học. 

Chống ngập cho TP Cà Mau cần giải pháp căn cơ

Hệ thống mương thoát nước thiếu đồng bộ, chưa đảm bảo năng lực, cùng với cao trình nhiều tuyến đường thấp hơn so với mực nước triều cường... được xác định là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ngập cục bộ tại nhiều khu vực trên địa bàn TP Cà Mau khi có mưa lớn.

Nhà văn hoá ấp xanh, sạch, đẹp

Mô hình trang trí Nhà văn hoá - Khu thể thao ấp, khóm xanh, sạch, đẹp và có nội dung hoạt động phong phú, được huyện Thới Bình linh hoạt tổ chức thành cuộc thi. Từ đó, góp phần thúc đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh trên địa bàn huyện.