Công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh thời gian qua đạt được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, dịch HIV/AIDS vẫn còn đe doạ sức khoẻ, tính mạng và hạnh phúc của nhiều gia đình. Cùng với cả nước, tỉnh Cà Mau đang ra sức phấn đấu, thực hiện tốt các chương trình phòng, chống HIV/AIDS nhằm hưởng ứng mục tiêu 90-90-90 của Liên hợp quốc, hướng tới kết thúc đại dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030.
Công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh thời gian qua đạt được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, dịch HIV/AIDS vẫn còn đe doạ sức khoẻ, tính mạng và hạnh phúc của nhiều gia đình. Cùng với cả nước, tỉnh Cà Mau đang ra sức phấn đấu, thực hiện tốt các chương trình phòng, chống HIV/AIDS nhằm hưởng ứng mục tiêu 90-90-90 của Liên hợp quốc, hướng tới kết thúc đại dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030.
Tính đến ngày 30/9/2015, trên địa bàn tỉnh có 9/9 huyện, thành phố và trên 98,8% xã, phường, thị trấn có người nhiễm HIV/AIDS với hơn 4.041 trường hợp nhiễm HIV, chuyển sang AIDS 1.034 trường hợp, tử vong 301 trường hợp. Mặc dù chính quyền địa phương, các ban, ngành xã hội có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống, tuy nhiên số người nhiễm vẫn chưa giảm nhiều, chủ yếu tập trung ở các đối tượng như người nghiện ma tuý, gái mại dâm, quan hệ tình dục đồng giới. Trong đó, đường lây nhiễm HIV cao nhất là qua đường tình dục không an toàn, chiếm 74%.
Phòng xét nghiệm Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS được trang bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu chuyên môn. |
Bác sĩ Lâm Chí Phương, Khoa Kiểm soát dịch bệnh - HIV/AIDS, Trung tâm Y tế huyện Cái Nước, thông tin: So với cùng kỳ năm 2014, tình hình dịch bệnh HIV/AIDS tại huyện Cái Nước có xu hướng giảm, với 9 trường hợp nhiễm mới và 2 trường hợp chuyển sang AIDS, tử vong 1. Song, thực trạng lây nhiễm HIV/AIDS vẫn còn phức tạp, công tác tuyên truyền, phòng, chống lây nhiễm vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Bởi, sự kỳ thị trong cộng đồng dân cư còn khá cao; sự mặc cảm, tự ti không dám đối diện với thực tại của người nhiễm HIV; đặc biệt là gái mại dâm hoạt động tại các khu nhà trọ có xu hướng tăng, đối tượng nghiện chích ma tuý tiềm ẩn trong các khu dân cư là một trong những vấn đề làm tăng cao nguy cơ nhiễm HIV/AIDS.
Hưởng ứng mục tiêu 90-90-90 của Liên hợp quốc, chủ đề Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2015 là “Hướng tới mục tiêu 90-90-90 để kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam”, nghĩa là 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người nhiễm HIV chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi-rút và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi-rút kiểm soát được số lượng vi-rút ở mức thấp. Từ đó, nhằm thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của toàn dân vào thực hiện chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.
Với mục tiêu là vận động và truyền thông thay đổi hành vi, mở rộng việc tiếp cận các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị bằng thuốc kháng vi-rút cho người nhiễm HIV/AIDS. Nội dung hoạt động tập trung vào các hoạt động như: truyền thông, nâng cao nhận thức và thực hiện hành vi an toàn dự phòng lây nhiễm HIV trong các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, lực lượng thanh - thiếu niên, tăng cường các dịch vụ khám, tư vấn, xét nghiệm, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS…
Bác sĩ Võ Hoàng Luân, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, cho biết, công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Cà Mau trong thời gian qua đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Bên cạnh đó, được sự quan tâm của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, UBND tỉnh, Sở Y tế đã trang bị cho Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị đầy đủ phục vụ tốt công tác phòng, chống HIV/AIDS tại tỉnh nhà. Hằng năm, trung tâm tiến hành giám sát hơn 4.000 mẫu tại cộng đồng và tại các trại giam. Riêng công tác giám sát trọng điểm, đã tiến hành xét nghiệm mẫu cho các trung tâm y tế huyện, thành phố hằng năm hơn 10.000 mẫu.
Về công tác điều trị, trung tâm đã thành lập và duy trì được 5 phòng ô-xy, điều trị trên 800 bệnh nhân AIDS. Công tác truyền thông được duy trì và củng cố rộng khắp trong toàn tỉnh được cộng đồng quan tâm, ủng hộ. Về công tác xét nghiệm, được sự quan tâm của cấp trên, hiện Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS được cấp và được công nhận là Phòng xét nghiệm, khẳng định HIV/AIDS có đủ điều kiện thực hiện các thủ thuật xét nghiệm tại địa phương, rút ngắn thời gian xét nghiệm, sớm đưa ra các kết quả chính xác và có hướng điều trị kịp thời.
Trong thời gian tới, để hạn chế số ca nhiễm HIV mới trong cộng đồng và hưởng ứng mục tiêu 90-90-90, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS đưa ra nhiều giải pháp như: tham mưu cấp trên về việc đưa công tác điều trị bằng Methadone vào hoạt động, bắt đầu từ năm 2016; triển khai Thông tư 15 của Bộ Y tế về việc khám và điều trị cho bệnh nhân AIDS bằng BHYT. Ðây là những vấn đề cần có hướng giải quyết sớm để phục vụ công tác điều trị liên tục, kịp thời cho bệnh nhân AIDS, quan trọng là phải sớm điều trị cho bệnh nhân HIV để ngăn chặn nguồn lây cho cộng đồng dân cư.
Bác sĩ Võ Hoàng Luân cho biết thêm: “Mỗi mục tiêu 90-90-90 là một dấu mốc hết sức quan trọng để khẳng định những kết quả trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng. Theo đó, với mục tiêu 90 thứ nhất, chúng tôi sẽ điều tra nắm lại số người nhiễm HIV trong tỉnh, từ đó tiếp cận, quản lý, tư vấn và cung cấp các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị cho phần lớn người nhiễm HIV. Mục tiêu 90 thứ hai là khám và điều trị bằng BHYT để người nhiễm HIV được điều trị sớm. Mục tiêu thứ ba, những người đang điều trị ARV trên 3 năm cần xét nghiệm lại tải lượng vi-rút để biết họ có điều trị đúng không hay do thất bại trong điều trị. Ðể thực hiện tốt và đạt những mục tiêu này, đòi hỏi phải có sự cam kết và nỗ lực mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, mỗi người lãnh đạo, mỗi người dân trong việc nâng cao nhận thức về phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới thực hiện đạt mục tiêu 90-90-90 và kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030”./.
Bài và ảnh: Ngọc Mai