(CMO) Theo thống kê của UBND huyện Trần Văn Thời, tính đến hết ngày 5/8, mưa dông, nước biển dâng cao làm thiệt hại cho sản xuất của người dân trên 16,7 tỷ đồng; với gần 1.000 hộ dân bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều diện tích lúa hè thu đang trong giai đoạn làm đòng và trổ bị đổ ngã, nhiều diện tích cá nuôi và rau màu có nguy cơ bị ngập úng.
Nhiều diện tích lúa hè thu bị mưa dông làm đổ ngã, có nguy cơ ảnh hưởng đến năng suất. |
Các địa phương ven biển như xã Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc và thị trấn Sông Đốc bị thiệt hại nặng nề nhất.
Phó chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc Lâm Văn Phú thông tin, có đến 259 hộ trên địa bàn 5 khóm bị ảnh hưởng bởi thuỷ triều dâng cao bất ngờ. Ước tính sơ bộ thiệt hại trên 9 tỷ đồng. Đáng chú ý, phương tiện khai thác mang số hiệu CM 91548 của ông Nguyễn Văn Bằng (Khóm 4) bị tai nạn do ảnh hưởng bão, đã cứu vớt được 8 ngư phủ, còn ngư phủ Phạm Hữu Tuân (sinh năm 1986, quê xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời) mất tích, hiện vẫn chưa tìm thấy.
Theo ghi nhận của phóng viên, tối qua và sáng nay, 6/8, trên địa bàn huyện Trần Văn Thời, trời tiếp tục có mưa dông, mực nước vẫn ở mức cao, sóng tại cửa biển và trên sông Ông Đốc vẫn khá lớn. Huyện đang tiếp tục thống kê thiệt hại, con số thực tế sẽ lớn hơn nhiều.
Nhiều phương tiện cơ giới và hàng trăm lực lượng được huy động hộ đê biển Tây. |
Ngoài 1.838 m đê biển Tây bị sạt lở ở các đoạn: bờ Nam sông Đốc, Kinh Mới, đoạn kè Busanco… đang hộ đê khẩn cấp, hiện khoảng 2.830 m đê biển Tây có nguy cơ sạt lở tiếp theo. Ông Nguyễn Long Hoai, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, cho biết công tác hộ đê vẫn được tiếp tục duy trì túc trực 24/24 để theo dõi và xử lý khi có các tình huống xấu xảy ra. Tính đến nay, các lực lượng đã vô và tấn được 7.000 bao tải đất, đóng gia cố 2.500 cừ tràm, xử lý được 150 m đê bị sạt lở nguy hiểm nhất. Lực lượng hộ đê đang tập kết bổ sung 1.000 cừ tràm để tiếp tục gia cố đê, bảo vệ sản xuất của người dân./.
Trung Đỉnh