(CMO) Sáng ngày 16/11, Toà án nhân dân (TAND) tỉnh tổ chức Hội nghị chuyên đề triển khai, quán triệt, tổ chức thực hiện Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án năm 2022.
Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án có hiệu lực và triển khai thực hiện từ ngày 1/1/2021, đạt nhiều kết quả khả quan. Tính đến ngày 30/9/2022, TAND hai cấp tỉnh Cà Mau đã chuyển gần 1.900 vụ, việc sang hòa giải, đối thoại theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; trong đó, hòa giải, đối thoại thành hơn 1.000 vụ việc, đạt tỷ lệ 57,75%. Các vụ việc hòa giải, đối thoại thành tại Tòa án đa phần là về yêu cầu ly hôn, nuôi con chung, cấp dưỡng cho con và chia tài sản khi ly hôn.
Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là hoạt động hòa giải, đối thoại được tiến hành trước khi Tòa án thụ lý vụ việc dân sự, hành chính.
Việc hòa giải thành, đối thoại thành giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử; kết quả hòa giải thành, đối thoại thành phần lớn được các bên tự nguyện thi hành; vụ việc không phải trải qua thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm theo quy định của các luật tố tụng; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước; hạn chế tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc thi hành Luật cũng gặp những khó khăn, vướng mắc cần được tổng hợp nghiên cứu, đưa ra những giải pháp khắc phục.
Trong thời gian tới, TAND hai cấp trong tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án để nhân dân hiểu và lựa chọn, góp phần đưa Luật vào cuộc sống, góp phần giảm tải lượng án thụ lý của Tòa án.
Ông Hà Thanh Hùng, Chánh án Toà án Nhân dân tỉnh, khẳng định: Giải quyết tranh chấp, khiếu kiện bằng con đường hòa giải, đối thoại tại Tòa án mang lại nhiều lợi ích hơn cho các bên so với giải quyết bằng con đường tố tụng.
Ông Hà Thanh Hùng, Chánh án TAND tỉnh cho biết: Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là hoạt động hòa giải, đối thoại do hòa giải viên tiến hành trước khi Tòa án thụ lý vụ việc dân sự, hành chính nhằm hỗ trợ các bên thỏa thuận giải quyết vụ việc. Hoạt động này sẽ giảm thủ tục, thời gian, chi phí của các bên và góp phần đắc lực giúp cho hệ thống Tòa án hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Những lợi ích do Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đem lại đã thấy khá rõ như tiết kiệm chi phí, tiết kiệm công sức, thời gian của công dân, giúp bảo mật những thông tin cá nhân; những bên tham gia hòa giải, đối thoại sẽ có môi trường tự thỏa thuận, tự hòa giải, phần nào giúp cho mối quan hệ của các bên bớt căng thẳng. Trên hết là kết quả hòa giải, đối thoại thành sẽ được Tòa án công nhận nếu các bên có yêu cầu, quyết định công nhận này có giá trị thi hành như các bản án, quyết định trong các vụ, việc dân sự được giải quyết theo thủ tục tố tụng.
Cán bộ Toà án 2 cấp trong tỉnh tham dự hội nghị.
“Giải quyết tranh chấp, khiếu kiện bằng con đường hòa giải, đối thoại tại Tòa án mang lại nhiều lợi ích hơn cho các bên so với giải quyết bằng con đường tố tụng. Các bên nên lựa chọn cơ chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án và tạo điều kiện cho mình cũng như các bên trong tranh chấp, khiếu kiện tìm kiếm cơ hội thỏa thuận, thống nhất việc giải quyết tranh chấp, khiếu kiện nếu thực sự mong muốn có được kết quả hài hòa lợi ích các bên, là một giải pháp thay thế việc xét xử”, ông Hùng nhấn mạnh.
Chiều cùng ngày, TAND tỉnh tổ chức Hội nghị tập huấn Hội thẩm nhân dân năm 2022. Tham dự có hơn 400 đại biểu là Hội thẩm, Thẩm phán, Thẩm tra viên và Thư ký TAND hai cấp tỉnh Cà Mau.
Trong 3 ngày, từ 16-18/11, đại biểu sẽ được tập huấn về công tác xét xử án dân sự liên quan đến lĩnh vực tranh chấp đất đai và công tác xét xử án hình sự đối với một số tội phổ biến. Qua đó, nâng cao kỹ năng, nắm vững các quy định của pháp luật, áp dụng và tham gia xét xử tốt các loại án.
Bên cạnh đó, hội nghị còn trao đổi, giải đáp, rút kinh nghiệm những vấn đề còn vướng mắc để Hội thẩm, Thẩm phán, Thẩm tra viên và Thư ký Tòa án áp dụng có hiệu quả vào công tác chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng xét xử, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao./.
Kim Cương