ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 21-11-24 18:42:02
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Khắc khoải chờ nước

Báo Cà Mau Cứ cách 3 ngày, anh Huỳnh Văn Toàn, ấp Sào Lưới, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, lại đi chở nước ngọt về nhà. Công việc này đã quá quen thuộc với anh hơn 25 năm qua, bởi từ khi gia đình về đây sinh sống là ngần ấy thời gian phải đối diện với tình cảnh thiếu nước ngọt sinh hoạt mỗi khi mùa hạn đến.

>> 54 hộ dân mỏi mòn chờ nước

Trời đứng bóng, dưới cái nắng gay gắt như đổ lửa của những ngày hạn, chúng tôi có dịp tham gia cùng anh Toàn chở nước ngọt trên chiếc xuồng tròng trành, mới thấm thía nỗi vất vả của gia đình anh và nhiều hộ dân tại ấp Sào Lưới. Tay vừa cầm ống cho nước vào thùng, anh Toàn nói: “Cảnh đi chở nước này đã quá quen rồi. Mùa mưa còn đỡ, chứ mùa nắng thì chở nước suốt luôn”.

Cơ cực cảnh thiếu nước

Chiếc xuồng chở chúng tôi băng qua nhiều con rạch, từ ấp Gò Công tới ấp Sào Lưới, tuy khoảng cách độ chừng 10 km nhưng chiếc xuồng chạy rất lâu, vì theo anh Toàn: “Chạy nhanh là mấy thùng nước về tới đổ hết phân nửa à”. Chiếc vỏ lãi là phương tiện mưu sinh của vợ chồng anh bằng công việc chở thuê học sinh đến trường, nay kiêm luôn nhiệm vụ chở nước ngọt.

Gia đình anh Toàn có 4 người, vào mùa nắng, mỗi tuần anh phải chuyên chở nước ngọt 2 lần. Anh Toàn giải thích: “Nếu không mua nước ngọt về nhà thì lấy đâu xài. Gia đình tôi ở đây cũng mấy chục năm nhưng không hiểu sao khoan cây nước không được. Nhà tôi cũng nhiều lần khoan rồi, nhưng ngặt nỗi khoan càng sâu nước càng mặn, nước khoan nhiễm mặn nên chỉ dùng rửa chén, giặt đồ. Mỗi lần chở nước cực lắm chứ, nhưng không mua thì làm sao có nước ngọt mà xài”. Mỗi lần đi chỉ chuyên chở được khoảng 8 thùng 12 lít và 2 thùng 30 lít, mua nước vất vả nên gia đình xài rất tằn tiện.

Mỗi mùa hạn đến, anh Toàn phải đi đổi nước 2 lần/tuần.

Thiếu nước ngọt là chuyện muôn thuở của người dân vùng này, nên từ người lớn đến trẻ nhỏ ai cũng đều ý thức sử dụng nước hết sức tiết kiệm. Cháu Huỳnh Nguyễn Thị Thảo Vy, con gái anh Toàn, chia sẻ: “Tắm hay rửa mặt là phải lấy thau hứng lại để sử dụng cho việc khác, như giặt quần áo. Còn nước uống thì con tranh thủ lấy bình ra trường học vặn nước đem về cho đỡ tốn”.

Anh Toàn cho biết, nước để uống, nấu ăn là đổi nước bình, mỗi bình giá 10 ngàn đồng; còn nước sinh hoạt hằng ngày, theo tổng khối lượng chiếc xuồng của anh Toàn chuyên chở được là khoảng 400 lít, chi phí mỗi chuyến mua nước như vậy là 30 ngàn đồng, chưa kể tiền xăng chạy ra ngoài ấp Gò Công đổi nước.

“Ở đây, người dân ai cũng mưu sinh bám biển vất vả, nhưng cảnh khổ thiếu nước lại càng cơ cực hơn. Nhưng biết sao được, nhà cửa ở đây thì mình ráng bám trụ, chứ đi nơi khác thì lấy gì làm ăn sinh sống”, anh Toàn trần tình.

Ði đổi nước vất vả nên gia đình anh Toàn sử dụng rất tiết kiệm. Ảnh: PHƯƠNG DU

Mong mỏi lớn nhất 

Toàn ấp Sào Lưới, xã Nguyễn Việt Khái hiện có 335 hộ, với 1.657 nhân khẩu, 137 hộ nằm trong tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt nhiều năm qua. Ðể giải quyết nhu cầu thiết yếu của người dân, Nhà nước đã đầu tư trạm bơm cấp nước từ năm 2010, nhưng trạm bơm phục vụ không bao lâu thì chuyện thiếu nước ngọt lại đâu vào đó.

Ðã gần 30 năm sinh sống tại ấp Sào Lưới, gia đình bà Cao Thị Bảnh luôn mong mỏi có được nguồn nước ngọt sinh hoạt. Gia đình hiện có 12 người sinh sống cùng nhau, đông người nên nhu cầu nguồn nước ngọt sinh hoạt càng thêm bức xúc.

Bà Bảnh nói: “Phía đầu kênh có cái trạm bơm nhưng hoạt động yếu lắm, những hộ nào đầu kênh thì sử dụng được, chứ mấy hộ cuối kênh này thì thua rồi. Trạm sử dụng chừng vài năm gì đó thì nghỉ hoạt động tới giờ luôn, nghe đâu bị hư đường ống. Bà con khu vực xóm này cũng có khoan cây nước, mà khoan cạn thì không có nước, còn khoan sâu hơn thì nước mặn chát à”.

Là hộ dân sinh sống ở Gò Công, gia đình ông Nguyễn Hoàng Hiển tự nguyện hỗ trợ người dân ở ấp Sào Lướt đổi nước. Ông cho biết: “Ở đây mình đỡ hơn người dân trong Sào Lưới vì có điện và nước máy bơm. Thấu hiểu tình cảnh thiếu nước nên tôi kéo ống hỗ trợ bà con đổi nước. Mấy ngày thì người ta ra đổi một lần rồi tự chạy xuồng chuyên chở; mỗi xuồng chở nước tầm 400 lít, tôi chỉ lấy từ 20-30 ngàn đồng, hộ nào khó khăn quá thì tôi cho luôn”.

Ông Huỳnh Văn Nguyện, Trưởng ấp Sào Lưới, chia sẻ: “Ở đây năm nào đến mùa hạn bà con cũng thiếu nước ngọt sinh hoạt, đặc biệt là các hộ ven cửa biển. Dù đã được Nhà nước hỗ trợ thùng chứa nước nhưng qua mùa mưa xài cầm chừng được 2 tháng thôi. Niềm mong mỏi lớn nhất của bà con vùng này là Nhà nước đầu tư, sửa chữa lại trạm bơm cấp nước để người dân sử dụng thuận tiện hơn mỗi khi mùa hạn đến”.

Nhu cầu sử dụng nước ngọt của người dân là hết sức chính đáng, nhất là vào cao điểm mùa hạn nắng nóng gay gắt như hiện nay. Chúng tôi rời ấp Sào Lưới trong sự thấm thía tình cảnh khó khăn và nỗi niềm khắc khoải chờ nước của bà con nơi đây./.

 

Hằng My

 

Cậu học trò đam mê Tin học

Ðam mê Tin học, cộng với đức tính cần cù, chăm chỉ trong rèn luyện và học tập, cậu học trò Cao Nguyên Khang, Lớp 12A, Trường THPT U Minh, thị trấn U Minh, không chỉ duy trì thành tích học sinh khá giỏi mà còn sở hữu nhiều thành tích ấn tượng tại các cuộc thi Tin học.

Đồng hành cùng bà con Cà Mau

Ngày 18/11, Hội Nhà báo Việt Nam, Văn phòng phía Nam; Tạp chí Người Làm Báo; Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Cà Mau đã về nguồn và đồng hành, chia sẻ cùng bà con Cà Mau.

Nguy hiểm rác thải thuỷ tinh

Với đặc tính không thể phân huỷ trong tự nhiên ở điều kiện thông thường, tỷ lệ tái chế thấp, rác thải thuỷ tinh đang là thách thức lớn, gây tác động tiêu cực với môi trường. Tại TP Cà Mau, tình trạng đổ trộm rác thải thuỷ tinh vẫn còn xảy ra, gây mất mỹ quan đô thị và dễ có nguy cơ xảy ra thương tích.

Niềm vui trong căn nhà mới

Từ những ngôi nhà chưa lành lặn, được sự kết nối của Hội Chữ thập đỏ (CTÐ) huyện Phú Tân, cùng sự giúp sức của các mạnh thường quân, những mái ấm trong mơ đã thành hiện thực, dệt nên những câu chuyện đẹp về sự sẻ chia và tình người.

Phạm Ðức Thuận và giải thưởng Ðại sứ Văn hoá đọc

Chọn đề tài viết tiếp tác phẩm "Bến quê" của Nhà văn Nguyễn Minh Châu và đề xuất nhiều sáng kiến, kinh nghiệm phát triển văn hoá đọc cho học sinh vùng sâu, vùng xa, Phạm Ðức Thuận, Lớp 10A1, Trường THPT Ðầm Dơi (huyện Ðầm Dơi) đoạt giải Khuyến khích toàn quốc cuộc thi Ðại sứ Văn hoá đọc năm 2024.

Tiếp thêm niềm tin cho trẻ khuyết tật

Nhân kỷ niệm 15 năm thành lập Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật - mồ côi Nhân Ái (phường Tân Xuyên, TP Cà Mau), không khí tại đây trở nên rộn ràng hơn bởi các em chu đáo chuẩn bị quà tặng là sản phẩm nước rửa chén, thành quả từ lớp dạy nghề được tổ chức hồi tháng 8 vừa qua.

Công trình tuổi trẻ hiệu quả, bền lâu

Nhằm phát huy vai trò của tổ chức Ðoàn, Hội trong việc chăm lo gia đình cán bộ, đoàn viên, hội viên và thanh niên trên địa bàn tỉnh có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, Tỉnh đoàn đã triển khai thực hiện công trình nhà Nhân ái. Qua đó, kịp thời động viên, khích lệ đoàn viên, thanh niên (ÐVTN) phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, góp phần cùng địa phương thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.

Gặp gỡ hai thủ khoa đầu vào ngành Sư phạm

Thầy Phạm Việt Hưng, Hiệu trưởng Trường THPT Ðầm Dơi (huyện Ðầm Dơi), cho biết, nhà trường vừa đón nhận niềm vui có hai em học sinh của trường là thủ khoa đầu vào ngành Sư phạm. Cụ thể, em Nguyễn Hải Ðăng, thủ khoa ngành Sư phạm Toán học tại Trường Ðại học Cần Thơ và em Bùi Hải An, thủ khoa ngành Sư phạm Lịch sử - Ðịa lý tại Trường Ðại học Sài Gòn.

Trao 11 suất học bổng, 50 suất quà cho học sinh

Ngày 16/11, tại trường THCS Ngọc Chánh (huyện Đầm Dơi), Đoàn khối Dân chính đảng phối hợp trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau trao tặng 11 suất học bổng, 50 suất quà cho học sinh trong chương trình Nâng bước đến trường.

Nâng chất giáo dục mầm non

Huyện Ngọc Hiển có 8 trường mầm non, mẫu giáo, trong đó có 4 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và 2 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, với tổng số hơn 1.600 trẻ theo học. Những năm qua, huyện quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học, sân chơi cho trẻ theo hướng ngày càng chuẩn hoá, đáp ứng điều kiện chăm sóc, giáo dục, góp phần nâng cao tỷ lệ huy động trẻ đến trường.