(CMO) Mặc dù có nhiều động thái quyết liệt trong công tác kiểm soát, bảo vệ môi trường với một kế hoạch cụ thể, chi tiết và đầy quyết tâm, nhưng vấn nạn ô nhiễm, đặc biệt tại các khu, cụm công nghiệp diễn biến ngày càng khốc liệt và gần như chưa thấy có hồi kết.
Một trong những nỗ lực để khắc phục ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh có thể kể đến đó là Kế hoạch số 39/KH-UBND ngày 10/4/2018 của UBND tỉnh về khắc phục ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Cà Mau năm 2018.
Nhiều tuyên bố mạnh
Theo kế hoạch này, tỉnh hạ quyết tâm kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là tại các khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư tập trung, góp phần bảo vệ sản xuất, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Để hiện thực hoá mục tiêu chung trong kế hoạch, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Trịnh Văn Lên cho biết, tỉnh đang tập trung tối đa nhân lực, vật lực, làm sao phải tạo chuyển biến rõ nét về môi trường ở 2 khu công nghiệp, Hoà Trung, Sông Đốc và khu vực nội ô TP Cà Mau trong năm 2018. Đặc biệt, ông Lên từng khẳng định, nếu hết năm 2018 mà các cơ sở, doanh nghiệp không có công nghệ khắc phục khói bụi ở Khu công nghiệp Sông Đốc và mùi ở Khu công nghiệp Hoà Trung thì sẽ phải áp dụng biện pháp mạnh là buộc đóng cửa.
Còn nhớ, tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 6, HĐND diễn ra từ ngày 10-11/7/2018, nhiều ý kiến trả lời chất vấn thể hiện quyết tâm rất cao trong việc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. Tại đây, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Trịnh Văn Lên cho biết, sở sẽ phối họp với các đơn vị chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các trường hợp xả thải gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, sẽ phối hợp với Sở NN&PTNT, Sở Khoa học và Công nghệ điều tiết cống thoát nước Cà Mau, dùng hoá chất, chế phẩm sinh học và nạo vét các tuyến kênh để xử lý tình trạng ô nhiễm nguồn nước…
Tuyên bố là vậy, thế nhưng đã qua hơn năm rưỡi kể từ khi thực hiện Kế hoạch số 39 của tỉnh, ô nhiễm môi trường vẫn chưa chuyển biến tích cực, chưa đảm bảo để kinh tế - xã hội phát triển bền vững. Cụ thể, các tuyến sông trong nội ô TP Cà Mau thường xuyên bị ô nhiễm. Tiêu biểu là đoạn sông từ cống Cà Mau đến ngã ba Hoà Trung, kênh xáng Cà Mau - Bạc Liêu… rác thải tồn đọng thường xuyên, nguồn nước luôn trong tình trạng đen và có mùi hôi. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của người dân mà có tác động mạnh đến mỹ quan đô thị.
Khu công nghiệp Hoà Trung là một trong những điểm nóng nhất về tình trạng ô nhiễm môi trường trong những năm gần đây. Đến nay vẫn vậy, khu vực này vẫn còn phát sinh nhiều mùi hôi, khí thải, nước thải ô nhiễm, gây bức xúc cho người dân trong khu vực và xung quanh. Cụm công nghiệp Sông Đốc và khu vực tiếp giáp cũng trong tình trạng tương tự, thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Khu vực này vẫn trong tình trạng nhiều bụi, khói, mùi hôi, nước thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp. Thêm vào đó, các cơ sở sản xuất chytin, sơ chế thuỷ sản nhỏ lẻ không có hệ thống xử lý nước thải vẫn đang tồn tại cạnh khu công nghiệp, nên mức độ ô nhiễm ngày càng gia tăng.
Do sử dụng nguyên liệu trấu nên ngoài gây khói bụi, chất thải trong quá trình sản xuất là thực trạng đáng quan tâm. |
Nỗi ám ảnh của người dân
Các doanh nghiệp chưa thể khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm, người dân thì không có điều kiện để di dời nên buộc phải sống với ô nhiễm nhiều năm qua, trở thành nỗi ám ảnh lớn đối với họ.
Lau vội chiếc ghế và những ly trà trong phòng khách, ông Trần Minh Thế, Khóm 12, thị trấn Sông Đốc, chia sẻ: "Sáng thức đã lau một lượt hết toàn bộ, nhưng có khách là phải lau lại, nếu không bụi bám đầy hết”. Sống chung với cảnh môi trường bị ô nhiễm gần 10 năm qua là một trong những hệ luỵ dễ thấy nhất, mà theo ông Thế chia sẻ là cả nhà ai cũng bị viêm mũi.
Cụm công nghiệp Sông Đốc nằm sát khu vực thị trấn biển Sông Đốc, nơi có mật độ dân cư đông đúc, với khoảng 40 ngàn hộ. Các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp và khu vực tiếp giáp chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực chế biến thuỷ sản và sản xuất bột cá, nước mắm, một trong những ngành hàng phát sinh nhiều nước thải, mùi. Thế nhưng, cụm công nghiệp Sông Đốc vẫn chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải công nghiệp tập trung. Do vậy, nơi đây luôn là điểm nóng về ô nhiễm môi trường.
Sống trong tình trạng này nhiều năm qua, người dân nơi đây đã gởi không biết bao nhiêu đơn thư yêu cầu, thậm chí họ từng nghĩ đến chuyện tổ chức cùng nhau lên UBND tỉnh kiến nghị. Ông Trần Hiển Lương, ấp Trùm Thuật A, xã Khánh Hải, cho biết, đã mấy lần dân nơi đây định kéo ra đập lò phá nhà máy nhưng chính quyền địa phương kịp thời động viên, trấn an nên không xảy ra các vụ việc đáng tiếc. “Phải chịu đựng mùi hôi, thối từ năm này qua tháng nọ suốt thời gian qua là quá tội nghiệp cho người dân nơi đây. Nó đã trở thành nỗi ám ảnh”, ông Lương bộc bạch.
Không chỉ có cụm công nghiệp Sông Đốc, tình trạng mùi hôi, khí thải, nước thải ô nhiễm tại Khu công nghiệp Hoà Trung, xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước cũng là nỗi ám ảnh lớn đối với người dân trong khu vực. Tình trạng này ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ, sinh hoạt và kinh tế của người dân. Qua nhiều đợt tiếp xúc, không ít cử tri ở nơi này đã thể hiện sự bức xúc và cầu cứu đến các ngành chức năng. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm ở những khu vực này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm theo nguyện vọng của người dân cũng như theo tinh thần và mục tiêu Kế hoạch 39 của UBND tỉnh.
Không thể phủ nhận tầm quan trọng của các doanh nghiệp trong phát triển kinh tế, nhất là trên lĩnh vực thuỷ sản, một trong những ngành hàng chủ lực của tỉnh. Tuy nhiên, không thể vì điều này mà để người dân, cộng đồng phải hứng chịu ô nhiễm kéo dài./.
Khu công nghiệp Hoà Trung có 5 cơ sở chế biến thuỷ sản và 4 cơ sở chế biến chytin, nước mắm. Cụm công nghiệp Sông Đốc có 3 cơ sở chế biến thuỷ sản và 9 cơ sở sản xuất bột cá. Trong khi đó, tại 2 khu vực này lại không có hệ thống xử lý nước thải công nghiệp tập trung và việc kiểm soát xả thải vô cùng khó khăn. Từ đó, phát sinh nhiều bụi, khói, mùi hôi, nước thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp. |
Nguyễn Phú