Ðược hoàn thành, đưa vào sử dụng từ năm 2006 và đã qua vài lần nâng cấp, sửa chữa, đến nay, cơ sở vật chất của Trạm Y tế xã Khánh Hoà (huyện U Minh) đã xuống cấp, trang thiết bị y tế lỗi thời. Hiện y, bác sĩ và người dân trên địa bàn xã đang mong chờ Bộ Y tế phê duyệt kế hoạch để triển khai xây dựng trạm y tế mới.
- Nỗi niềm y tế cơ sở
- Duy trì 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế
- Cách làm hay của trạm y tế vùng sâu
Trạm y tế xã hiện có 5 giường bệnh, 3 khu: khu tiêm chủng, nhà công vụ và khu khám; các khu nối liền nhau. Mỗi ngày, trạm tiếp đón khoảng 40 lượt bệnh nhân. Thời gian gần đây, lượt bệnh nhân đến thăm khám có chiều hướng giảm.
Bác sĩ Ðặng Khắc Ghi, Phó trạm Y tế xã, cho biết: “Ở đây chưa có máy đo điện tim riêng biệt, mà kết hợp đo điện tim với máy đo huyết áp. Máy siêu âm cũng quá cũ, cho hình ảnh nhoè, đọc không được kết quả. Thế nên, nhiều gia đình chọn cách đưa bệnh nhân đến thẳng cơ sở y tế tuyến huyện, không ghé trạm xã”.
Chị Danh Thị Thảo, Ấp 6, chia sẻ: “Vì trang thiết bị của trạm không đáp ứng được nhu cầu thăm khám, nên sau khi sinh bé được 6 tháng, tôi đến Bệnh viện Ða khoa huyện U Minh siêu âm lại, chứ không ra Trạm Y tế xã siêu âm. Nếu xã có máy siêu âm thì những mẹ bỉm như tôi đỡ mất thời gian và ít tốn chi phí đi lại”.
Người dân trên địa bàn xã mong muốn trạm y tế không chỉ được đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị mà còn nâng cao năng lực cho đội ngũ y, bác sĩ để phục vụ tốt hơn nhu cầu thăm khám tại tuyến cơ sở.
Những ngày gần đây, trên địa bàn thường có mưa lớn kéo dài, khiến những vách tường lâu năm vốn đã yếu nay thêm phần ẩm thấp và bong tróc, rong rêu bao phủ. Chỉ tay về phía vách tường phủ đầy rêu, Bác sĩ Ghi cho biết: “Tình trạng này xảy ra lâu rồi mà trạm không có kinh phí sửa chữa. Khi bệnh nhân đến khám, với tình trạng ẩm thấp như thế này cũng không đảm bảo sức khoẻ cho người dân”.
Nhiều điểm đã bị thấm nước, rêu bám và ẩm mốc.
Mặc dù trạm y tế có diện tích rộng nhưng thiếu mái che, người dân phải ngồi ngoài chờ đợi. Bác sĩ Ghi chia sẻ: “Mái che này được làm hồi đợt dịch Covid-19, khi đó trạm xin xã trích kinh phí để làm, che cho bà con đến đây lấy mẫu, sau đó trưng dụng cho tới nay. Phần sân còn lại vẫn để trống, hôm nào nắng thì bà con chịu nắng, mưa thì chen chút nhau để chờ khám”.
Những năm gần đây, tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến trên xảy ra ngày càng nhiều. Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao năng lực mạng lưới y tế cơ sở sẽ góp phần giảm sự quá tải tuyến trên. Ðồng thời, qua đó góp phần đổi mới phương thức hoạt động của y tế cơ sở theo hướng chú trọng phòng bệnh, nâng cao sức khoẻ, sàng lọc, phát hiện sớm bệnh tật, điều trị các bệnh không lây nhiễm, bệnh mãn tính... Bởi khi người bệnh được theo dõi, chăm sóc từ tuyến cơ sở thì sẽ không lên tuyến trên.
Cơ sở vật chất xuống cấp nhưng đội ngũ y tế vẫn cố gắng phục vụ tốt cho bệnh nhân đến thăm khám và điều trị.
Chị Lý Thị Ðiệp, Ấp 6, chia sẻ: “Người dân chúng tôi mong muốn trạm y tế được nâng cấp từ vật chất đến năng lực chẩn đoán và điều trị, để không chỉ dừng lại ở việc sơ cứu ban đầu, mà người dân còn khỏi đi tuyến huyện hoặc ra tỉnh khi muốn khám chữa bệnh”.
Không chỉ người dân mong chờ trạm y tế được xây mới, đội ngũ y, bác sĩ tuyến cơ sở cũng mong muốn được làm việc trong môi trường an toàn, cơ sở khang trang, được trang bị đầy đủ các thiết bị máy móc, đảm bảo đủ điều kiện thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh và các chương trình mục tiêu quốc gia.
Máy siêu âm quá lạc hậu.
Bác sĩ Ghi thông tin: “Về tình trạng trạm y tế xuống cấp, chúng tôi đã có báo cáo về Trung tâm Y tế huyện và được Trung tâm Y tế huyện báo cáo về Sở Y tế. Công trình (vốn ODA) đã được khảo sát, có bản vẽ, bây giờ chỉ chờ Bộ Y tế duyệt là đơn vị sẽ mời thầu triển khai xây dựng”./.
Kim Cương