Ổn định mức sinh, nâng cao chất lượng dân số và tỷ lệ tiếp cận với dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ là những kết quả nổi bật từ việc triển khai thực hiện Đề án Kiểm soát dân số vùng biển, đảo và ven biển (Đề án 52) tại xã Khánh Tiến, huyện U Minh trong thời gian qua.
Ổn định mức sinh, nâng cao chất lượng dân số và tỷ lệ tiếp cận với dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ là những kết quả nổi bật từ việc triển khai thực hiện Đề án Kiểm soát dân số vùng biển, đảo và ven biển (Đề án 52) tại xã Khánh Tiến, huyện U Minh trong thời gian qua.
Là 1 trong 2 xã được triển khai thực hiện Ðề án 52, Khánh Tiến có 2.597 hộ với số dân 12.613 người, địa bàn gồm 12 ấp, trong đó có 7 ấp ven biển. Từ khi Khánh Tiến được triển khai thực hiện đề án, nhận thức của người dân có nhiều chuyển biến tích cực, cụ thể: tỷ lệ tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGÐ duy trì trên 81%; tỷ lệ sinh con thứ 3 chiếm 4,1%, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm 2014; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm hằng năm; nhận thức của chị em về chăm sóc SKSS được nâng lên... Bà mẹ và trẻ em được tư vấn và chăm sóc y tế cải thiện sức khoẻ, phòng chống lây nhiễm HIV và tệ nạn xã hội; giảm thiểu số lượng sơ sinh có dị tật, dị dạng...
![]() |
Chị Phan Thị Trân được nhân viên y tế xã Khánh Tiến hướng dẫn cách nuôi con bằng sữa mẹ. |
Ðược hỗ trợ từ Ðề án 52, ngành y tế địa phương luôn đảm bảo cung cấp kịp thời các phương tiện tránh thai và duy trì thường xuyên công tác vận động các đối tượng thực hiện KHHGÐ. Ðồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình, câu lạc bộ chăm sóc SKSS-KHHGÐ như: sàng lọc trước sinh và sau sinh, mất cân bằng giới tính khi sinh, tư vấn và khám sức khoẻ tiền hôn nhân... thực hiện hiệu quả và thu hút nhiều người tham gia. Các cặp vợ chồng ngày càng quan tâm đến sức khoẻ trước và khi kết hôn, số lượng người được tư vấn và tiếp cận các dịch vụ SKSS-KHHGÐ ngày càng tăng.
Ðặc biệt, câu lạc bộ tư vấn và khám sức khoẻ tiền hôn nhân đang hoạt động hiệu quả ở nhiều ấp, điển hình như các ấp 4, 8, 12... Trong năm 2015, toàn xã triển khai được 14 cuộc tư vấn, thu hút 673 cặp vợ chồng tham gia. Hoạt động của câu lạc bộ tư vấn, khám sức khoẻ tiền hôn nhân nhằm tư vấn, kiểm tra sức khoẻ trước khi kết hôn và giúp đỡ các cặp vợ chồng trước khi bước vào cuộc hôn nhân có đầy đủ kiến thức về sức khoẻ, nắm được những kiến thức về SKSS và tâm lý đúng cho cuộc sống vợ chồng sau này, những bệnh tật cần tránh, hiểu rõ về tình trạng sức khoẻ của nhau để cân nhắc, quyết định việc kết hôn... Phòng tránh và điều trị sớm một số bệnh tật có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ tình dục, mang thai, sinh sản và thực hiện sinh đẻ có kế hoạch một cách hiệu quả nhất.
Chị Lư Mộng Xuyên, ấp 8, chia sẻ: “Trước khi kết hôn, vợ chồng tôi được tư vấn về việc khám sức khoẻ tiền hôn nhân, các biện pháp tránh thai hiện đại và chăm sóc SKSS, đặc biệt là việc không nên lựa chọn giới tính thai nhi... Hiện tại vợ chồng tôi có 2 bé gái, vợ chồng sống rất hạnh phúc và không hề có suy nghĩ kiếm con trai để nói dõi”.
Cùng với việc triển khai hiệu quả các chính sách dân số, việc đẩy mạnh công tác truyền thông luôn được địa phương chú trọng, từ đó góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân. Qua công tác này, không chỉ giúp người dân tiếp cận với các biện pháp tránh thai hiện đại, mà các tư tưởng ngại ngùng về chăm sóc SKSS, tư tưởng mong muốn có con trai cũng dần được xoá bỏ. Chị Phan Thị Trân, ấp 7, sản phụ đang được chăm sóc ở trạm y tế xã, chia sẻ: "Tôi rất tin tưởng về các dịch vụ và cách chăm sóc của nhân viên y tế xã nên tôi chọn sinh tại trạm, hiện tại sức khoẻ của tôi và bé rất ổn định. Ngoài ra, tôi được các nhân viên y tế tư vấn rất nhiều về các vấn đề dinh dưỡng cho trẻ, cách nuôi con bằng sữa mẹ và chăm sóc sức khoẻ cho chính bản thân mình".
Xác định công tác truyền thông là một trong những hoạt động hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng dân số, ngành y tế địa phương đã thực hiện lồng ghép công tác truyền thông, tư vấn vận động về dân số phát triển, chăm sóc SKSS- KHHGÐ vào các hoạt động thường xuyên của các ban, ngành, đoàn thể. Qua đó, các cặp vợ chồng hiểu về các biện pháp chăm sóc SKSS- KHHGÐ, tự nguyện dừng lại ở số con hiện tại, đăng ký không sinh con thứ 3. Họ cùng nhau trao đổi kinh nghiệm trong cuộc sống và biết rằng nuôi con khoẻ, dạy con ngoan là góp phần xoá đói giảm nghèo, từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, giữ vững ổn định tỷ lệ phát triển dân số.
Y sĩ Phạm Thị Nếu, nhân viên chuyên trách dân số của Trạm Y tế xã Khánh Tiến, cho biết: “Ðề án 52 khi được triển khai tại các xã ven biển người dân được quan tâm nhiều hơn về sức khoẻ. Ðặc biệt, hoạt động của các câu lạc bộ phát huy hiệu quả, khi được tư vấn tiền hôn nhân, chị em khi mang thai đều tự nguyện đến y tế cơ sở để được tư vấn, quản lý thai và thực hiện khám thai định kỳ...
"Việc triển khai đề án không chỉ đạt mục tiêu giảm sinh mà còn giảm tỷ lệ tử vong mẹ, tử vong sơ sinh, tử vong trẻ em, nạo phá thai... và nâng cao chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực tại vùng biển, ven biển, tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội của người dân, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần", Bác sĩ Ðinh Mai Khanh, Phó Trưởng Khoa DS-KHHGÐ, Trung tâm Y tế huyện U Minh, khẳng định./.
Bài và ảnh: Kim Hoài