(CMO) Thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tỉnh Cà Mau đã tổ chức đại hội điểm của tỉnh bao gồm Đại hội Đảng bộ xã Phú Hưng, huyện Cái Nước và Đại hội Đảng bộ Sở Tư pháp.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, với tinh thần chống dịch như chống giặc, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo dừng các việc hội họp, tập trung đông người từ 0 giờ ngày 28/3 đến hết 15/4, trong đó có việc tạm hoãn đại hội cấp cơ sở trong giai đoạn này. Tuy nhiên, không vì thế mà các địa phương lơ là công tác chuẩn bị đại hội Đảng các cấp. Thới Bình vừa căng sức chống dịch, song cũng đang gấp rút chuẩn bị các điều kiện để có thể tổ chức đại hội khi tình hình cho phép.
Chống dịch nhưng sẵn sàng cho đại hội
Đây là tinh thần được Bí thư Huyện uỷ Thới Bình Huỳnh Út Mười khẳng định khi đề cập đến những nhiệm vụ trọng yếu của địa phương hiện nay. Theo bà Mười, công tác chuẩn bị đại hội các cấp đã có kế hoạch, lộ trình và nhiệm vụ rất rõ ràng theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị. Dù tình hình dịch Covid-19 hết sức phức tạp, song không vì thế mà công tác chuẩn bị đại hội các cấp lại rơi vào thế bị động, lúng túng, trì trệ.
Thay vào đó, Bí thư Huyện uỷ Thới Bình nhấn mạnh: “Đảng bộ Thới Bình nhất trí, đồng lòng để ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, song cũng đặt quyết tâm chính trị cao nhất để hoàn tất các bước chuẩn bị cho đại hội. Khi tình hình dịch bệnh lắng dịu, việc tổ chức đại hội sẽ diễn ra ngay”.
Nhiệm kỳ qua, đất Thới Bình thôn đã có những bước tiến dài, vững chắc. Theo đánh giá của bà Mười, lợi thế của Thới Bình là địa phương phên giậu có truyền thống cách mạng, bề dày văn hoá, hơn hết là tiềm năng của đất, khát vọng và ý chí vươn lên của Nhân dân. Không ngẫu nhiên khi tỉnh Cà Mau lựa chọn mảnh đất này để đề ra mục tiêu lớn: Xây dựng huyện nông thôn mới đầu tiên.
Đến nay, Thới Bình đã có 5/11 xã về đích nông thôn mới, bình quân mỗi xã đạt gần 17 tiêu chí. Nông thôn mới của địa phương đã hướng sâu vào thực chất, vào chính trong nhận thức, hành động và sự thụ hưởng của Nhân dân.
Với ông Lê Văn Bé, Ấp 10, xã Trí Phải, nông thôn mới không chỉ giàu mà còn phải đẹp. |
Cho đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị đại hội đảng cấp cơ sở, tiến tới Đại hội Đảng bộ huyện Thới Bình cơ bản hoàn tất. Bà Huỳnh Út Mười cho biết: “Các tiểu ban văn kiện, nhân sự, hậu cần đều hoàn thành kế hoạch chuẩn bị, các đầu công việc được thực hiện đúng quy định, quy trình, tiến độ”. Thành tựu của nhiệm kỳ qua khi có 12/18 chỉ tiêu vượt và đạt nghị quyết đề ra, 1 chỉ tiêu xấp xỉ đạt theo kế hoạch là cả quá trình nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng bộ. Với những chỉ tiêu chưa đạt, Thới Bình nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá, phân tích và đề ra những giải pháp khắc phục, từ đó có cái nhìn toàn cục, đúng đắn cho nhiệm kỳ kế tiếp.
Quan điểm của Thới Bình rất rõ ràng, đại hội không phải là sự kiện hướng đến những con số đẹp, những thành tích tròn trịa để mà báo cáo, tự hào, tự mãn. Thay vào đó, đại hội chính là dịp để mỗi đảng viên, mỗi tổ chức cơ sở đảng có dịp tự đánh giá, tự nhìn nhận trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trước Đảng, trước Nhân dân. Đại hội cũng không phải là cơ hội để thăng quan, tiến chức, mà chính là để kết nối, lan toả và kết tựu sức mạnh của ý chí đoàn kết, sức mạnh tổng thể của địa phương, mở ra chặng đường phát triển mới cho quê hương Thới Bình.
Ấn tượng trí phải
Trí Phải được lựa chọn tổ chức đại hội điểm của Đảng bộ huyện Thới Bình. Về đích nông thôn mới năm 2015, Trí Phải đang đặt mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới nâng cao với nhiều kết quả khởi sắc. Bí thư Đảng uỷ xã Trí Phải Huỳnh Văn Hùng thông tin: “Nhiệm kỳ qua, Đảng bộ đã đạt và vượt 18/21 chỉ tiêu đề ra. Điều phấn khởi là các chỉ tiêu trọng yếu đều ở mức vượt”. Trên quê hương cây mía năm nào, đời sống của Nhân dân từng ngày khởi sắc. Vùng đất trũng phèn, cầm trâu đã chuyển dịch theo hướng bền vững hơn, đa dạng hơn với con tôm đóng vai trò trụ cột. Hạ tầng nông thôn từng bước hoàn thiện. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nâng lên rõ nét.
Trong câu chuyện của nguyên Bí thư Đảng uỷ xã Trí Phải Đinh Văn Tâm, chúng tôi cảm nhận được niềm tin và sự tự hào sâu sắc đối với quê hương. Ông Tâm đảm nhận vị trí Bí thư Đảng uỷ xã ngay những năm đầu sau giải phóng. Qua lời kể của ông, ngày ấy Trí Phải còn vô cùng vất vả. Trăn trở lớn nhất của nông dân vùng phèn trũng này là làm sao thoát khỏi ám ảnh đói nghèo. Rồi khi cây mía bén duyên trên đồng đất, Trí Phải vươn lên thành điểm sáng kinh tế của toàn huyện Thới Bình thời đó. Đến thời kỳ chuyển dịch lúa - tôm, Trí Phải đã vững vàng và có những đột phá mạnh mẽ trong phát triển đời sống người dân. Tựu trung lại của quá trình ấy, ông Tâm bộc bạch: “Trí Phải bây giờ đâu có thua chỗ nào đâu phải không mấy anh nhà báo?”.
Bí thư Chi bộ Ấp 10 Nguyễn Văn Hòn dẫn chúng tôi đi một vòng quanh ấp. Ấp 10 một thời được coi là vựa mía của vùng Trí Phải - Trí Lực. Nay, cây mía vắng bóng, nhưng không vì thế mà đất này mất đi khí thế phát triển. Theo ông Hòn: “Dân Ấp 10 đã mạnh dạn thực hiện các mô hình tôm - lúa có ứng dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất. Đã làm lúa là lúa sạch, tôm cũng là tôm sạch. Nhiều bà con dám nghĩ, dám làm, thử nghiệm cây trồng, vật nuôi mới để phát triển kinh tế hộ”.
Ở Ấp 10, nông thôn mới không chỉ giàu mà còn phải đẹp. Đó cũng là điều mà ông Lê Văn Bé thổ lộ với chúng tôi: “Hồi đó nghèo, chạy cái ăn, bây giờ thảnh thơi chút phải góp sức để diện mạo làng xóm khang trang hơn. Mình có đi đâu thì đi, trở về quê nhà là thấy sướng lắm, tự hào lắm”.
Hỏi kỹ ra thì ông Bé từng là Chủ tịch UBND xã Trí Phải Đông, địa danh cũ sau giải phóng. Hỏi về con tôm, cây lúa, ông Bé chắc mẫm: “Nói gì thì nói, chuyển dịch là vùng này phất lên thấy rõ. Quan trọng là làm sao để con tôm, cây lúa phải có năng suất, có chất lượng, có đầu ra để bà con yên tâm làm ăn. Nông dân giờ sống khoẻ, nhưng muốn giàu thì các cấp, các ngành phải hỗ trợ nhiều thêm nữa mới được”. Và ngày trở lại Ấp 10, chúng tôi gặp người quen cũ, ông Võ Văn Đời, nhân vật trong bài “Mía nhớ” được đăng trên báo Cà Mau cách đây mấy năm.
Chuyện là ông Năm Đời sanh liên tục 6 đứa con gái, trước khi “vớt cú chót” được đứa con trai, từng có thời gian chạy gạo. Ngày xưa, khi cây mía vẫn còn thời hoàng kim, hỏi Năm Đời thì ai cũng nể phục. Sau này, ai làm gì hay, lão nông Năm Đời đều tỉ mẩn học hỏi làm theo và làm rất giỏi. Hết vụ lúa - tôm, ông chuyển qua nuôi thêm vụ tôm càng xanh, quanh nhà là cá sấu, cá bống tượng, cá chình, ba ba, cua đinh, trồng cây kiểng. Cơ ngơi của ông xây dựng là mồ hôi, công sức nhưng có một yếu tố quyết định khác đó chính là dám áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ông Năm Đời chia sẻ: “Nông dân bây giờ mà làm theo kiểu thả trôi khó ăn lắm”.
Mấy năm trở lại Trí Phải, mía vắng hơn, những nhân vật trong bài viết cũ đã già hơn, nhưng niềm tin, khát vọng và sự phát triển của làng quê đã thiết tha hơn, viên mãn hơn. Nơi ấy, một ngày không xa trở lại, ai cũng sẽ tự hào với tên gọi Thới Bình thôn./.
Phạm Quốc Rin