(CMO) Phú Tân là nơi khởi nguồn của những nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế, xã hội mang tính sáng tạo. Khởi đầu là Nghị quyết số 02 năm 2006 về phân công đảng viên giúp đỡ hộ nghèo. Tiếp đó là Nghị quyết 03 năm 2011 về tận dụng đất trống trồng hoa màu, cây ăn trái. Tiếp tục năm 2018, Phú Tân ban hành Nghị quyết số 04 về trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, hội viên trong xây dựng NTM. Năm 2019 là Nghị quyết 09 về duy tu, sửa chữa, chống sạt lở các công trình giao thông...
Có thể nói, đằng sau những con đường hoa như tranh vẽ ở nông thôn, những luống hoa màu xanh tươi, những vườn cây ăn trái xanh mướt thay thế cho sự cằn cỗi trên vùng đất mặn, những rặng mắm, dừa nước ven sông, bờ kè thẳng tắp... đều mang ý nghĩa riêng. Đó là kết quả sự chung tay của đảng viên, cán bộ, Nhân dân trong việc đưa nghị quyết đi vào cuộc sống.
Phát huy vai trò nêu gương
Phó bí thư Thường trực Đảng uỷ xã Phú Tân Nguyễn Hoàng Khoa chia sẻ: "Khi triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết chuyên đề của Huyện uỷ Phú Tân, xã phân giao cho đảng viên, cán bộ, hội viên thực hiện trước để người dân thấy hiệu quả và làm theo".
Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Võ Trường Giang (đội nón bảo hiểm) kiểm tra tôm nuôi công nghiệp ở xã Việt Thắng. |
Là hội viên hội cựu chiến binh, ông Tô Văn Lực, ấp Tân Phú, xã Phú Tân, cho rằng, 10 lời vận động không bằng 1 sự nêu gương. Trước hết, ông Lực tích cực sản xuất đa cây, con, trồng nhiều loại hoa màu, phát triển vườn cây ăn trái trên đất mặn hiệu quả như xoài, ổi, bưởi, đu đủ, những ao cá nước ngọt trên đất mặn. Mô hình tổng hợp này không khác gì trên vùng nước ngọt. Ông Lực còn làm đẹp con đường bằng hoa, cây cảnh… tạo nên bức tranh tươi sáng cho vùng quê yên bình.
Nông thôn tươi đẹp cho thấy hiệu quả của các nghị quyết đã phát huy tích cực. Nổi bật là Nghị quyết chuyên đề số 04 của Huyện uỷ Phú Tân, gắn sản xuất với xây dựng NTM, vệ sinh môi trường, cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp; thực hiện Nghị quyết số 09 là phải sửa lộ, chống sạt lở trên phần đất của gia đình mình, Nghị quyết 03 về trồng hoa màu, cây ăn trái… Đây chính là những việc làm hàng ngày của người dân trong sản xuất, nâng cao thu nhập và làm đẹp khuôn viên nhà ở, là những việc người dân phải thực hiện để phát huy vai trò của hộ dân trong xây dựng NTM.
Cùng nhau chống sạt lở
Tuyến đường bê-tông ngang nhà ông Tô Văn Lực (ấp Tân Phú, xã Phú Tân) cặp theo con sông, tàu bè thường xuyên qua lại gây sạt lở thường xuyên. Sông hẹp nhưng khá sâu lại chưa có điều kiện làm bờ kè bê-tông, trồng cây chắn sóng thì phải có bãi… nên để thực hiện Nghị quyết chuyên đề số 09 của Huyện uỷ Phú Tân về duy tu, sửa chữa, kè chống sạt lở các tuyến giao thông bộ, ông Lực chọn biện pháp kè bằng cây gỗ để bảo vệ lộ. Đó là xịa cây, dùng lưới mành, bao ni-lông và đổ đất vào để chống lở. Tuy nhiên, thực hiện biện pháp này phải chịu khó kiểm tra, duy tu thường xuyên. Nơi nào hư hỏng phải sửa ngay mới đảm bảo giữ đất ổn định được.
Nghề biển đang từng bước vươn khơi, đánh bắt xa bờ. |
Huyện Phú Tân có gần 800 km lộ nông thôn. Do điều kiện sông nước, các tuyến đường phần lớn đều gần các con sông, dễ bị sạt lở. Do đó, chống sạt lở là việc làm quan trọng đảm bảo công trình sử dụng lâu dài. Thực hiện Nghị quyết 09, hàng năm huyện Phú Tân đề ra kế hoạch kè chống lở đạt 70% so hiện trạng các tuyến đường bị sạt lở. Nhiều hình thức kè tuỳ thuộc vào điều kiện của người dân đã được thực hiện.
Ông Võ Văn Kiệt, ấp Phú Thành, xã Phú Mỹ, cho rằng, kè bằng dừa nước là ổn định và chắc chắn, gia đình ông thực hiện hình thức này mấy năm nay. Cây dừa nước bám rễ khá chặt và chắn sóng, giữ đất rất tốt. Song, để cây phát triển ban đầu phải tạo được bãi đất và dùng cây cặm, bao lưới mành bên ngoài, hạn chế sóng đập do tàu bè qua lại. Đặc biệt, phải kiểm tra, duy tu thường xuyên.
Ông Trương Công Chúng, ấp Má Tám, xã Việt Thắng thì trồng cây mắm để chống sạt lở. Cây mắm chống lở rất tốt ai cũng biết. Điều thú vị là ông Chúng tỉa tót "bờ kè sống" này giống như hàng rào cây xanh, kết hợp con đường, hàng rào bê-tông trước nhà tạo nên bức tranh rất đẹp.
Kè chống sạt lở đã trở thành việc làm thường xuyên của từng hộ dân, là một trong những việc người dân cần làm trong xây dựng nông thôn mới. Sự thay đổi tích cực của người dân trong thực hiện Nghị quyết 09 của Huyện uỷ Phú Tân là đã xác định được đây là việc làm của mình, để bảo vệ phần đất của gia đình mình, bảo vệ những con đường do chính cá nhân mình góp công, góp vốn cùng Nhà nước tạo ra.
Nghị quyết "hoa màu" đi vào cuộc sống
Đối với đảng viên, hội viên và Nhân dân trong huyện Phú Tân, trồng hoa màu, cây ăn trái theo tinh thần Nghị quyết chuyên đề số 03 của Huyện uỷ Phú Tân trở thành việc làm tự giác. Đối với người dân, vấn đề bây giờ là trồng rau sạch, là tìm ra loại cây gì, trồng thế nào để có năng suất và hiệu quả cao, thu nhập khá.
Tình cờ 4 năm trước, bà Huỳnh Thị Mừng, ấp Cống Đá, xã Phú Tân mua được trái cà tím loại tròn. Thấy lạ, bà Mừng lấy hột nhân giống trồng trên đất vườn nhà mình. Loại cà tím này ăn ngon hơn cà tím bình thường nên thu hoạch bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, bởi ở đây hầu như chưa ai trồng loại cà này. Mỗi năm, bà Mừng trồng 2 vụ cà tím tròn trên diện tích đất vườn chưa đầy 500 m2. Mỗi vụ thu hoạch gần 500 kg, bình quân mỗi ký 15.000 đồng. Chỉ riêng nguồn thu từ loại cà tím này mỗi năm hơn 15 triệu đồng. Chưa hết, gia đình bà Mừng còn đa dạng nhiều loại rau cải phù hợp từng mùa vụ.
Bà Huỳnh Thị Tổng, ấp Cống Đá, xã Phú Tân, huyện Phú Tân trồng ổi xen canh với hoa màu cho thu nhập khá, hiệu quả từ Nghị quyết 03 của Huyện uỷ Phú Tân. |
Trên cùng diện tích, vụ này trồng cải thì vụ kia trồng hành. Thậm chí khi cây cà tím bắt đầu lớn, gia đình bà Mừng làm cỏ đất dưới chân để gieo cải. Khi thu hoạch xong vụ cà thì cải cũng lớn, có thể cho thu hoạch. Việc làm này vừa tận dụng được tiềm năng đất đai, vừa đa dạng hoá cây trồng để bán ra không bị ế hàng. Bà Mừng tự tin với khoảng 1.000 m2 hoa màu có thể có nguồn thu chắc chắn và ổn định hơn 1 ha nuôi tôm truyền thống. Điều quan trọng là phải siêng năng, cần cù.
Từ việc trồng hoa màu để phục vụ tiêu dùng gia đình, đến nay, ấp Cống Đá, xã Phú Tân, huyện Phú Tân đã hình thành được vùng chuyên canh hoa màu, cây ăn trái có hàng chục hộ thực hiện. Nhiều hộ còn có mô hình rau quả sạch, bán tại nhà hoặc đem ra chợ xã Phú Tân cách đó không xa để tiêu thụ.
Trên địa bàn huyện Phú Tân đến nay có gần 1.120 ha cây ăn trái. Mỗi năm, nông dân cải tạo đất trồng từ 1.000-1.300 ha hoa màu. Trồng hoa màu, cây ăn trái theo Nghị quyết chuyên đề số 03 của Huyện uỷ Phú Tân cũng là một trong những việc làm của người dân tham gia xây dựng NTM tại địa phương.
Mỗi lĩnh vực kinh tế, xã hội trong huyện đều được thể hiện bằng một chỉ thị, nghị quyết chuyên đề. Các nghị quyết đi vào cuộc sống, thể hiện tính thiết thực và phù hợp, phát huy tiềm năng đất đai, nguồn lực lao động.... đáp ứng nhu cầu của người dân trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Đặc biệt là thể hiện vai trò tích cực, gương mẫu của đảng viên, giúp đảng viên gần gũi quần chúng, sâu sát cơ sở hơn, gắn kết tổ chức Đảng và đảng viên với dân hơn./.
Quốc Hiệp