ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 22-4-25 07:09:22
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Khi nông dân làm du lịch cộng đồng

Báo Cà Mau (CMO) Nếu như tỉnh Cà Mau có lợi thế là điểm đến cuối cùng của mảnh đất hình chữ S, thì du lịch cộng đồng ở Đất Mũi có thể được xem là “đặc sản” của loại hình du lịch sinh thái mà du khách nào cũng một lần muốn trải nghiệm khi đến đây.

Điểm đặc biệt là tất cả những người làm du lịch cộng đồng tại Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển) đều là những nông dân chân lấm tay bùn.

Phát huy lợi thế

Hỏi thăm một người dân địa phương, tôi tìm được đến nhà Trưởng ấp Cồn Mũi, xã Đất Mũi Quách Văn Ngãi, mọi người còn gọi ông với cái tên trìu mến là Tư Ngãi. Gặp tôi, ông Tư Ngãi vui vẻ cho biết: “Mô hình du lịch cộng đồng, hay còn gọi là Homestay mới được phát triển trong những năm gần đây, do Tổ chức SIDA Thuỵ Điển hỗ trợ xây dựng. Ban đầu từ năm 2013 là 5 hộ, đến nay đã phát triển được 8 hộ”.

Khi đến tham quan các điểm du lịch cộng đồng, du khách được đưa đón bằng ca-nô, vỏ lãi hoàn toàn miễn phí.    
Ảnh: BĂNG THANH
Ảnh: B.T
Du khách có thể tự tay chế biến và thưởng thức món ăn do mình chế biến từ các đặc sản của địa phương.   
Du khách tham quan cảnh vật tại VQG Mũi Cà Mau.   

Làm du lịch cộng đồng vừa giúp bảo tồn rừng ngập mặn, bảo tồn đa dạng sinh học và giải quyết vấn đề sinh kế cho người dân ở địa phương, tăng thu nhập, tạo việc làm cho những lao động nhàn rỗi tại địa phương. Qua đó, làm tăng giá trị các món ăn đặc sản tại địa phương, góp phần giới thiệu và quảng bá nền văn hoá đậm đà bản sắc người miền Tây đến bạn bè trong nước và thế giới. Phó chủ tịch UBND xã Đất Mũi Trương Văn Sệ chia sẻ: “Du lịch cộng đồng cho người dân thu nhập cao hơn nuôi thuỷ sản truyền thống gấp nhiều lần. Không những thế, nó còn góp phần tăng thu nhập cho những hộ dân lân cận nhờ các dịch vụ kèm theo, thậm chí họ có con tôm, con cá bán cho các hộ làm du lịch giá cũng cao hơn bán cho thương lái”.

“Trước giờ nông dân ở đây chỉ biết nuôi con tôm, con cua chứ làm du lịch cộng đồng thì xa lạ với họ, nhưng từ khi loại hình này manh nha phát triển ở Đất Mũi thì nông dân nơi đây đã có thu nhập cao. Bà con đầu tư trồng cây ăn trái, cất nhà khang trang, đặc biệt là họ năng động hơn khi bước ra khỏi vuông tôm, mảnh rừng để đi giao thiệp đem về thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm”, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đất Mũi Nguyễn Thanh Mừng phấn khởi nói.

“Ai một lần đặt chân đến Mũi Cà Mau cũng cảm nhận được sự thiêng liêng của vùng đất này, nhưng đến rồi chụp vài tấm hình ở cột mốc và về mà không ở lại vùng đất này một đêm nghe gió thổi, nghe nước chảy, cùng người dân đi thăm rập cua, dỡ lú, bắt ba khía, cùng nấu, cùng ăn với họ để cảm nhận cái tình của người dân Đất Mũi quả là quá phí một chuyến đi. Bởi tôi biết được các điểm du lịch cộng đồng này nên lần nào đến tôi cũng ở lại 1-2 đêm. Quả là quá tuyệt vời”, du khách Đoàn Ngọc Thành, đến từ TP Hồ Chí Minh, trải lòng.

Homestay vẫn còn là tiềm năng

Đất Mũi Cà Mau không những được biết về sự trù phú, giàu có về rừng và biển, mà nơi đây còn được biết đến với lượng thuỷ hải sản phong phú để chế biến nhiều món đặc sản như: cá mú nấu canh chua, cá ngát nấu trái giác, cá thòi lòi kho và nướng muối ớt. Bên cạnh đó còn có các món như mực tươi, tôm tươi và các loài cá, tôm, cua… Tất cả đã tạo nên thực đơn các món ăn rất phong phú, đa dạng và ngon, được đánh bắt từ thiên nhiên. Tuy nhiên, một số hộ làm du lịch cộng đồng trùng lặp thực đơn. Một điểm khó nữa của các khu du lịch cộng đồng hiện nay là hạ tầng giao thông đường bộ chưa được nối liền. “Khách du lịch khi đến Đất Mũi thường đi bằng xe ô-tô, nhưng ô-tô hiện tại chưa đến được với các khu du lịch này, khách phải đi vô bằng xe máy hay phương tiện thuỷ. Đường quá khó đi nên có khách chỉ đi một lần là sợ”, ông Quách Văn Ngãi cho biết.

“Du lịch cộng đồng tại xã Đất Mũi đã và đang đem lại nguồn thu nhập chính cho 8 hộ dân nơi đây. Thực tế tiềm năng này rất lớn và có thể mở rộng ra nhiều hộ nữa. Tuy nhiên, do còn vướng nhiều khó khăn như vốn, kinh nghiệm làm du lịch và hạ tầng giao thông nên việc phát triển loại hình du lịch này còn khiêm tốn”, ông Trương Văn Sệ trăn trở.

Đã qua, song song với việc cung cấp những mặt hàng thuỷ sản tươi sống, những hộ làm du lịch cộng đồng còn phát triển vườn rau sạch. Với việc tự trồng những loại rau, trái như mướp, cải xanh, đu đủ, thanh long... vừa đảm bảo vệ sinh, vừa không sử dụng hoá chất nên du khách an tâm khi sử dụng. Tuy nhiên, chưa nhiều hộ làm được điều này, khi mà vùng đất rừng ngập mặn Ngọc Hiển muốn trồng được cây ăn trái và xây dựng nhà cửa khang trang phải tốn rất nhiều chi phí.

Ông Nguyễn Thanh Mừng cho biết thêm: “Nhiều người ở đây muốn làm du lịch cộng đồng lắm, mà họ chưa tiếp cận được vốn vay ưu đãi từ ngân hàng cũng như tài trợ của Nhà nước, nên không làm được. Một số hộ tự đi vay thế chấp ngân hàng để làm nhưng lãi hơi cao nên khó có thể có thu nhập cao".          

Ông Phạm Quy Nhơn, ấp Cồn Mũi, xã Đất Mũi, mong muốn: "Tôi muốn từ loại hình du lịch này phát triển kinh tế gia đình, tạo thu nhập và việc làm cho con em trong gia đình, nhưng vấn đề vốn đầu tư ban đầu vẫn là một bài toán khó. Hiện tôi thiếu khoảng 200 triệu đồng nữa là có thể làm được. Những cái gì cần đầu tư như nhà cửa, trồng cây, cải tạo vuông, làm xuồng tôi đã làm, nhưng để đón khách du lịch thì chưa đảm bảo, cần có thêm nguồn vốn mới được”.

Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Cà Mau Lê Văn Dũng nhìn nhận: “Ai cũng đam mê vùng Đất Mũi, nhưng hạ tầng giao thông còn khó khăn. Chỗ nghỉ qua đêm đối với khách du lịch quốc tế chưa đảm bảo, hướng dẫn viên chưa có nhiều kinh nghiệm trong giao tiếp với khách quốc tế”.

Loại hình du lịch cộng đồng tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển đã đem lại lợi nhuận kinh tế cao cho các hộ dân nơi đây. Nguồn thu chính này thậm chí còn lớn hơn nhiều lần so với nguồn thu truyền thống từ con tôm, con cua trước đây của người dân. Tuy nhiên, hiện tại du lịch cộng đồng tại Đất Mũi chỉ bó hẹp trong khoảng gần 10 hộ dân tham gia, chủ yếu là tiếp khách du lịch trong nước. Một tiềm năng lớn còn bỏ ngỏ do việc phát triển loại hình này gặp một số khó khăn nhất định. Nếu khắc phục được những khó khăn và phát triển tiềm năng lợi thế của loại hình du lịch homestay, chắc chắn nhiều lão nông nơi cuối trời Tổ quốc sẽ giàu lên không chỉ bằng con tôm, con cá mà chính bằng ngành công nghiệp không khói./.

Thanh Huyền

Du lịch Cà Mau sôi động dịp nghỉ lễ

(CMO) Kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 kéo dài 4 ngày, dù thời tiết khá bất lợi do mưa nhiều nhưng lượng khách đến các điểm tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh vẫn rất đông. Các điểm dịch vụ phục vụ khách tham quan chu đáo, an toàn, giá cả hợp lý, tạo ấn tượng đẹp trong lòng du khách.

Quảng bá du lịch bằng âm nhạc

(CMO) Ðể du lịch Cà Mau được quảng bá rộng và theo hình thức thú vị hơn, tiệm cận với giới trẻ hơn, một nhóm bạn trẻ đã triển khai những sản phẩm giới thiệu và làm mới hình ảnh Cà Mau với bạn bè khắp nơi bằng âm nhạc.

Khơi thông tiềm lực kinh tế du lịch

(CMO) "Quy hoạch chung xây dựng Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đang được cấp thẩm quyền trong tỉnh xem xét thông qua, hoàn thiện các bước cuối cùng trình Trung ương phê duyệt. Từ đó, tạo cơ sở triển khai thực hiện, đặc biệt trong kêu gọi thu hút đầu tư, phát huy tiềm năng và lợi thế du lịch địa lý, sinh thái của địa phương", ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, thông tin.

Nạp năng lượng cho con vào năm học mới

(CMO) Trong kỳ nghỉ hè, nhiều gia đình đã đưa con đi du lịch hoặc rời thành phố về quê để các con được khám phá, trải nghiệm, bổ sung kiến thức trực quan sinh động, từ đó khuyến khích con học tập tích cực. Đây còn là dịp để gia đình gắn kết, có thêm nhiều kỷ niệm đẹp.

Quy hoạch Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau: Phát huy kinh tế biển

(CMO) "Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được cấp thẩm quyền trong tỉnh thông qua, hoàn thiện các bước cuối cùng trình Trung ương phê duyệt. Từ đó, tạo cơ sở triển khai thực hiện, đặc biệt trong kêu gọi thu hút đầu tư, phát huy tiềm năng và lợi thế du lịch địa lý, sinh thái của địa phương", ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, thông tin.

Hướng bền vững cho du lịch sinh thái cộng đồng

(CMO) Du lịch sinh thái cộng đồng (DLSTCÐ) là loại hình du lịch do cộng đồng tổ chức, dựa vào thiên nhiên và văn hoá địa phương với mục tiêu bảo vệ môi trường. Với khách du lịch, DLSTCÐ tạo cơ hội tìm hiểu, nâng cao nhận thức về môi trường và giao lưu văn hoá, trải nghiệm cuộc sống hàng ngày của người dân bản địa. Vì vậy, DLSTCÐ chính là nét tinh tuý của du lịch sinh thái và du lịch bền vững.

Ðất Mũi bứt phá đầu tư hạ tầng du lịch

(CMO) Xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển, đạt chuẩn đô thị loại V, đây là tiền đề để địa phương bứt phá phát triển. Cùng với lợi thế và tiềm năng du lịch sẵn có, Ðất Mũi đang được cấp trên đầu tư vốn để xây dựng các hạng mục trong xây dựng nông thôn mới (NTM).

Du lịch Cà Mau - Bài toán giữ chân du khách

(CMO) Trong những ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5, du lịch Cà Mau tăng mạnh về số lượng du khách lẫn doanh thu, nhưng bài toán nan giải vẫn là câu chuyện duy trì sức hút và giữ chân khách du lịch sau đó.

Hướng đến du lịch thân thiện môi trường

(CMO) Thời gian qua, các khu du lịch trên địa bàn tỉnh Cà Mau đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng chống rác thải nhựa, hướng đến du lịch thân thiện môi trường.

Tạo đột phá phát triển du lịch

(CMO) Sau 2 năm thực hiện Chương trình số 10-Ctr/HU của Ban Chấp hành Ðảng bộ huyện về phát triển du lịch trên địa bàn giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo, du lịch huyện Trần Văn Thời đã có bước phát triển đáng ghi nhận, đảm bảo đúng định hướng của tỉnh, của huyện và là một trong những ngành chuyển biến tích cực về tốc độ tăng trưởng.