ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 26-4-25 06:17:58
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Khí phách quan tri huyện đầu tiên ở Cà Mau

Báo Cà Mau (CMO) Trên đường Nguyễn Thiện Năng, Phường 4, TP Cà Mau, nằm giữa Đình Thành Hoàng và chùa Phật Tổ là Miếu Thần Minh. Đó chính là nơi thờ tự vị quan tri huyện đầu tiên ở xứ Cà Mau - Tri huyện Nguyễn Thiện Năng cùng vợ và con trai nhỏ, với cái chết lẫm liệt để chống lại bọn người phản tặc mưu đồ cát cứ, giữ gìn vùng biên thổ quốc gia nơi cuối trời cực Nam Tổ quốc.

Cà Mau là vùng đất được khai phá muộn màng. Theo một số tài liệu, cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII, dưới triều Nguyễn, Cà Mau là 1 trong 7 xã thuộc trấn Hà Tiên. Đến năm 1757, Cà Mau được đặt thành đạo Long Xuyên. Năm 1832, vua Minh Mạng cho thành lập tỉnh Hà Tiên, đạo Long Xuyên được đổi thành huyện Long Xuyên, 1 trong 8 huyện của tỉnh Hà Tiên.

Cổng chính vào Miếu Thần Minh.

Ông Nguyễn Thiện Năng người gốc miền Trung, văn võ song toàn. Năm 1833, ông được triều đình bổ nhiệm vào làm Tri huyện Long Xuyên (địa phận tỉnh Cà Mau ngày nay), trở thành vị quan tri huyện đầu tiên “trấn thủ” vùng đất cực Nam của Tổ quốc.

Theo lời kể của ông Đặng Văn Út (Út Bửu), Trưởng Ban Quản trị Miếu Thần Minh: Tương truyền, khi ông Nguyễn Thiện Năng về trấn nhậm vùng đất Cà Mau, dân tình còn thưa thớt, đất đai hoang sơ. Huyện đường được đặt ở phần đất đoạn khỏi Chùa Bà trở xuống (thuộc địa phận Phường 1, TP Cà Mau ngày nay).

Tri huyện Nguyễn Thiện Năng là người đức độ, cương trực, thanh liêm, rất mực yêu thương, quan tâm đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Ông tiến hành cho khai hoang, đào kinh dẫn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Ngày đó đa số dân chúng mù chữ, ông tập hợp bà con lại dạy văn hoá, hướng dẫn làm nông nghiệp, khai thác cây rừng và các sản vật dưới tán rừng... Nhờ đó, đời sống người dân phát triển tương đối ổn định. Vì vậy, nhân dân rất mực quý trọng, kính nể ông.

Mọi việc đang trên đà thuận lợi, chẳng may vào năm 1835, ông lâm trọng bệnh. Bấy giờ trong bối cảnh đất nước có nhiều loạn lạc, một số người trong ban Hoa kiều ở Cà Mau thừa cơ cấu kết với thế lực bên ngoài nghịch loạn, mong lập cát cứ, chiếm cõi xưng hùng. Họ bao vây huyện đường, khống chế và ra lệnh ông đầu hàng, làm theo yêu cầu của họ thì vẫn được hưởng quyền cao chức trọng, gia đạo giàu sang mà bảo toàn được tính mạng.

Nhưng Tri huyện Nguyễn Thiện Năng kiên quyết không nghe và dõng dạc tuyên bố, ông được vua phân công trấn giữ vùng đất này thì chết sống cũng phải bảo vệ vùng đất, bảo vệ nhân dân, không bao giờ đầu hàng, không bao giờ nghe theo một thế lực nào khác để hại dân, bán nước.

Dù đang trọng bệnh, sức khoẻ giảm sút, nhưng vốn giỏi võ, ông đèo con trai nhỏ phía sau lưng, cùng vợ (cũng hết sức giỏi võ), chiến đấu oanh liệt với đám người phản loạn. Chống cự đến ngày mùng 6/7 âm lịch năm 1835 thì sức cùng lực kiệt, “mãnh hổ nan địch quần hồ”, ông cùng vợ và con trai tuẫn tiết để giữ tròn khí phách. Thi thể ông cùng vợ và con được chôn chung một mồ (bên bờ sông Cà Mau, đoạn dưới chân cầu Phan Ngọc Hiển, thuộc địa phận Phường 5, TP Cà Mau ngày nay).

Sau đó, huyện Kiên An (tỉnh Kiên Giang ngày nay) hay tin, cầu cứu triều đình viện binh đến dẹp loạn. Khi trật tự được lập lại, người dân vì thương tiếc, kính trọng, tri ân ông đã tu bổ ngôi mộ và thắp nhang thờ cúng.

Cũng theo tương truyền, ông rất linh thiêng, sau khi ông mất, có một sự kiện gây chấn động bấy giờ. Số là người cầm đầu băng đảng cấu kết tiêu diệt ông mang họ Quách, trong gia đình, dòng họ khi ấy lần lượt rất nhiều người gặp tai nạn, chết chóc một cách bất thường. Không chịu nổi cảnh khủng khiếp ấy kéo dài, người Hoa ở đây cùng dòng họ Quách và người dân lập đàng khấn vái ông. Và ông đã nhập hồn vào ông hương Trương Văn Đựng, cảnh báo rằng, nếu không manh nha mộng phản tặc nữa thì ông sẽ buông tha, phù hộ cho làm ăn sinh sống ổn định.

Linh ứng thay, từ đó về sau, họ Quách trong vùng trở lại cuộc sống bình yên. Năm 1886, người Hoa ở Cà Mau và nhân dân trong vùng lập miếu thờ ông ngay nơi phần mộ để tỏ dạ tôn sùng và sám hối.

Thấy ông quá linh hiển, tiếng lành đồn xa, từ đó dân trong các vùng lục tỉnh thường kéo tới khấn vái mong được ông phù hộ gia đạo bình an, làm ăn thuận lợi... Cầu được, ước thấy nên người dân rất tín ngưỡng, tôn ông là “thần minh nhất xứ” (vị linh thần số 1 của xứ Cà Mau) và đặt tên miếu là Thần Minh Miếu (Miếu Thần Minh).

Dưới thời Pháp thuộc, năm 1938, do chính quyền có kế hoạch xây dựng cầu quay bắc qua sông Cà Mau nên người dân đã di dời miếu thờ và hài cốt ông cùng vợ con đến cải táng ở vị trí ngày nay.

Trải qua nhiều lần trùng tu, hiện ngôi miếu và mộ phần ông phía sau miếu được xây dựng khá khang trang. Trước đây phía trước miếu là con kênh với tên gọi Kênh Chùa. Ngày nay con kênh được san lấp thành đường và mang tên ông - Nguyễn Thiện Năng.

Ông Đặng Văn Út cho biết, hằng năm, vào mùng 6-7/7 âm lịch, Ban Quản trị miếu tổ chức cúng giỗ ông rất trang trọng. Ngày tiên thường, ban tổ chức sắm sửa khai trầu rượu, lư hương sang Đình Thành Hoàng kế cận thực hiện nghi thức xin phép và thỉnh Thành Hoàng qua dự lễ cúng. Buổi cúng chính diễn ra vào 7 giờ sáng ngày mùng 7. Dàn học trò lễ 6 người, có nhạc lễ, thực hiện nghi thức 6 lần dâng rượu cúng và một số nghi thức khác. Lễ vật gồm con heo quay, hoa quả, bánh trái, những sản vật quê hương. Bên cạnh đó, ban tổ chức còn mua con heo trắng để làm cỗ bàn đãi quan khách. Dịp này, người dân trong vùng và khách thập phương tập trung về dự lễ giỗ rất đông, thường khoảng 400-500 người.

Ông Út cũng cho biết thêm, do tiếng đồn ông linh hiển nên thường ngày có nhiều người tin tưởng tới thắp nhang ông cầu xin phù hộ chuyện làm ăn, mua bán, cầu mong sức khoẻ, con cái học hành... Vì vậy mà nơi điện thờ ông và mộ phần không lúc nào ngớt hoa tươi do người dân dâng cúng.  

Cũng theo ông Út, hiện nay chỉ có thông tin rằng ông Nguyễn Thiện Năng là gốc miền Trung, ngoài ra không biết thêm tỉnh nào, gia tộc ra sao. Nhân chuyến đi Kiên Giang của nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân năm 2006, Ban Quản trị miếu có fax thư mời ông sang viếng miếu và muốn tìm hiểu thêm về nguồn gốc (vì thấy ông Nguyễn Thiện Nhân cùng họ và chữ lót với Nguyễn Thiện Năng). Ông Nguyễn Thiện Nhân đã sang viếng miếu. Nhưng ông cho biết, nguyên quán ở Bến Tre không có liên quan gì về gốc gác với ông Nguyễn Thiện Năng. Dẫu vậy, vì ngưỡng mộ, ông Nhân cũng đã ghi vào sổ lưu niệm, trong đó có đoạn “...vô cùng xúc động khi được biết công đức to lớn của Thần Minh Nguyễn Thiện Năng đã hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vùng đất cực Nam của Tổ quốc…”.

Trước giải phóng, để ghi nhớ công khai sáng của ông, có 1 ngôi trường mang tên Nguyễn Hiền Năng (do đọc trại âm Thiện thành Hiền) và có con đường mang tên ông. Hiện nay, trước mộ còn có tấm bia khắc ghi tiểu sử, công trạng của ông. Trong điện thờ, trên bia mộ có khắc nhiều câu đối ca ngợi khí phách, bày tỏ sự ngưỡng vọng, tri ân đối với ông.

Năm 2017, Miếu Thần Minh được xếp hạng Di tích văn hoá lịch sử cấp tỉnh./.

Huyền Anh

Wonder English Center Chính Thức Khai Trương tại Cà Mau, Cam Kết Phát Triển Toàn Diện Theo Mô Hình "3 Gốc"

Cà Mau – Ngày 18/04/2025, lúc 9 giờ 30 phút, Trung tâm Anh ngữ Wonder (Wonder English Center) đã long trọng tổ chức Lễ Khai trương tại địa chỉ C3A, Khu Trung tâm Hành chính Chính trị (Nội khu Mường Thanh), Phường 9, TP. Cà Mau. Sự kiện đánh dấu bước chân chính thức của Wonder vào lĩnh vực giáo dục tại địa phương, mang theo tâm huyết kiến tạo một môi trường học tập không chỉ chuyên sâu về ngoại ngữ mà còn hướng đến sự phát triển con người toàn diện.

Xuôi dòng Gành Hào

Sông Gành Hào bắt nguồn từ trung tâm TP Cà Mau tại ngã ba sông với kênh Quản lộ Phụng Hiệp và Tắc Thủ (còn gọi là ngã ba Chùa Bà). Ðây là con sông dài, ngoằn ngoèo, có nhiều chi lưu, qua nhiều địa phương và một mạch chảy ra biển Ðông.

Xung kích, tình nguyện giúp dân xoá nhà tạm

Qua rà soát, trên địa bàn huyện Cái Nước có tổng số 363 hộ gia đình được thụ hưởng nhà ở theo Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát (Chương trình), trong đó có 275 căn xây mới và số còn lại hỗ trợ sửa chữa. Ðoàn bộ và tuổi trẻ huyện đã tích cực góp sức đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở nhằm giúp hộ nghèo, cận nghèo nhanh chóng có nơi ăn chốn ở ổn định, an tâm lao động sản xuất, vươn lên trong cuộc sống.

“Bữa sáng 0 đồng” ấm tình giáo xứ

Người lao động nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn tại xã Tắc Vân (TP Cà Mau) như được tiếp sức cho một ngày làm việc cực nhọc với bữa ăn sáng ngon miệng do Giáo xứ Tắc Vân phục vụ.

Nuôi dưỡng tình yêu tri thức qua trang sách

Nhằm khơi dậy niềm say mê đọc sách và tạo điều kiện để học sinh tiểu học được tiếp cận tri thức từ sớm, ngành giáo dục huyện Cái Nước đã và đang tích cực đẩy mạnh công tác xã hội hoá thư viện học đường. Những tủ sách thân thiện, với số lượng đầu sách phong phú, sinh động, không chỉ mang lại niềm vui trong học tập mà còn mở ra thế giới tưởng tượng kỳ diệu, nuôi dưỡng tình yêu tri thức trong tâm hồn trẻ nhỏ.

Không để bệnh dại bùng phát diện rộng

Thông tin từ UBND xã Ðất Mới, huyện Năm Căn, vào ngày 7/4, trên địa bàn ấp Ông Chừng xảy ra trường hợp bị chó cắn và cho kết quả dương tính với bệnh dại. Hiện nay, ngành chức năng huyện tập trung triển khai thực hiện các bước phòng, chống dịch theo quy định, không để bệnh dại bùng phát trên diện rộng.

Thành phố Cà Mau hoàn thành xoá nhà tạm

Phong trào thi đua “Cả nước chung tay xoá nhà tạm, nhà dột nát” do Thủ tướng Chính phủ phát động là chủ trương lớn, nhằm thực hiện tốt công tác an sinh xã hội để không ai bị bỏ lại phía sau. Thực hiện phong trào thi đua, cùng với các địa phương trong tỉnh, TP Cà Mau xác định quyết tâm cao, triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động các nguồn lực từ cộng đồng để hỗ trợ những người còn khó khăn về nhà ở.

Bàn giao cầu "Nghĩa tình quân dân 14"

Hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày GIải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, từ ngày 19-20/4, Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa.

Tiếp nối truyền thống tự hào Đài Tiếng nói Nam Bộ Kháng chiến

Tri ân vùng đất từng cưu mang, đùm bọc Đài Tiếng nói Nam Bộ Kháng chiến và chia sẻ với những hoàn cảnh còn khó khăn của các gia đình chính sách, hộ nghèo, các em học sinh vượt khó tại địa phương, đồng thời hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 80 năm ngày thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam (7/9/1945-7/9/2025), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) khu vực đồng bằng sông Cửu Long phối hợp cùng UBND huyện Thới Bình tổ chức các hoạt động về nguồn, tặng quà, khám bệnh cấp phát thuốc miễn phí cho đối tượng khó khăn tại xã Tân Bằng, huyện Thới Bình.

1.230 thí sinh tham gia thi học sinh giỏi THPT cấp tỉnh

Sáng 20/4, tại Trường THPT Hồ Thị Kỷ (TP Cà Mau), Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau khai mạc Kỳ thi chọn học sinh giỏi THPT cấp tỉnh năm học 2024-2025.