(CMO) Tạo việc làm cho chị em phụ nữ vùng nông thôn lâu nay trở thành câu chuyện không dễ. Không dễ bởi chị em nơi đây thường có tay nghề thấp, tính ổn định không cao. Vậy mà nơi xa xôi, khó khăn như Cà Mau vẫn có những “nữ thủ lĩnh” tiên phong mang việc làm đến cho phụ nữ.
Từ đan lục bình
3 năm nay, ngày cuối tuần, ngôi nhà của chị Lê Thị Hồng Phương (ấp Nguyễn Huế, xã Tân Bằng, huyện Thới Bình) luôn rộn ràng tiếng cười, nói; chị em tấp nập đến giao hàng cho công ty, nhận lục bình, khung để mang về nhà đan. Từ khi thành lập đến nay, Tổ hợp tác (THT) Thủ công mỹ nghệ đã trở thành mái nhà chung không chỉ của chị em khuyết tật mà cả chị em nhàn rỗi trong, ngoài xã đến nhận hàng về gia công.
Nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ được làm từ đôi bàn tay khéo léo của chị em khuyết tật, phụ nữ vùng nông thôn được trưng bày tại nhà chị Lê Thị Hồng Phương. |
Khi thấy phong trào thủ công mỹ nghệ thời gian gần đây khá phát triển nên chị Phương đã nảy ra ý tưởng gom chị em khuyết tật lại để hướng dẫn các chị làm hoa giả, kết cườm, thêu tranh, đính tranh đá, kết móc khoá... Ý tưởng đi đến hiện thực khá nhanh vì nhận được sự ủng hộ rất lớn của chính chị em khuyết tật và nhiều chị em nhàn rỗi ở địa phương. Sau thời gian đi vào hoạt động, tiếng lành đồn xa, một vài công ty đến ngỏ ý hướng dẫn để chị em gia công giỏ lục bình. “Tôi như bắt được vàng. Bởi lâu nay ước mơ tìm công việc ổn định nhằm giúp chị em vùng nông thôn không phải gửi con để đi lao động ngoài tỉnh đã thành hiện thực. Gia đình tôi ủng hộ hết mình, công ty đưa người đến hỗ trợ kỹ thuật, nhà của tôi thành điểm tập trung học tập của chị em, lúc nào cũng rộn rã tiếng cười, vui lắm”, cười thật tươi chị Phương chia sẻ.
Dù đã được hướng dẫn kỹ thuật nhưng khi bắt tay vào công việc, nhiều chị đã nản lòng. Theo chia sẻ của chị em trong tổ, chủ yếu là đan theo kiểu hạt gạo, bông lúa, xoắn dây, nhưng để đan cho đúng với quy định của công ty đòi hỏi người đan phải khéo léo, tỉ mỉ. Ngay như bản thân chị Phương, 3 tháng đầu bắt tay vào đan lục bình chẳng những không có sản phẩm, không tiền mà thậm chí còn tốn tiền để mua lại lục bình tiếp tục gia công sản phẩm. Có công mài sắt có ngày nên kim, cần mẫn, chịu khó, các sản phẩm lục bình của THT dần đáp ứng được yêu cầu nghiệm ngặt của công ty và đến tận nơi giao nguyên liệu, nhận thành phẩm. Hiện nay, mỗi tuần chị Phương gom và giao lại cho công ty khoảng 500 sản phẩm. Đồng thời, nhận khung, lục bình phân chia lại cho chị em trong tổ đan đát. Mặc dù chắt chiu, góp gió thành bão nhưng theo chị Phương tổng kết, năm rồi tổng doanh thu từ mô hình đan đát đã mang về nguồn thu khoảng 1,3 tỷ đồng.
Chị Phạm Thuỳ Oanh mong muốn được đầu tư vốn để mua thêm máy móc, mở rộng sản xuất. |
Theo nghề đan đát lục bình từ những ngày đầu mới thành lập nên với chị Lê Diệu Hiền (Ấp 1, xã Thới Bình, huyện Thới Bình) luôn quan niệm, nghề gì cũng đòi hỏi sự cần cù, chịu thương chịu khó mới mong thành công. Chị Diệu Hiền tâm sự: "Lúc mới nhận gia công lục bình, mất 4 ngày tôi mới làm được 1 sản phẩm với tiền công là 25.000 đồng. Không ít người cười nhưng được chị Phương động viên nên tôi quyết tâm bám nghề. Giờ thì thạo việc rồi nên mỗi ngày tôi cũng đan được từ 4-5 sản phẩm với mức thu nhập hơn 100.000 đồng. Đối với phụ nữ vùng nông thôn, thu nhập như vậy là quá tốt rồi, trong khi đó mình còn có thời gian chăm sóc con cái chuyện ăn uống, học hành, chăm sóc gia đình.
Đến may công nghiệp
16 năm xa nhà, hơn ai hết chị Phạm Thuỳ Oanh (ấp Bào Tròn, xã Đông Thới, huyện Cái Nước) hiểu được nỗi vất vả khi phải rời quê xa xứ đi làm thuê. Khi có kinh nghiệm, cộng với việc tích luỹ được số vốn, ý tưởng về quê đầu tư máy móc, nhận hàng về may gia công để ly nông nhưng không phải ly hương của vợ chồng chị nhận được ủng hộ rất lớn từ gia đình.
Những ngày cuối năm, đơn hàng nhiều nên chị em tất bật tăng ca để hoàn thành trước dịp Tết Nguyên đán. Vừa may đồ, chị Oanh vừa trò chuyện: "Với số tiền tích góp ban đầu, vợ chồng tôi chỉ mua được 15 máy may công nghiệp và đặt tiền cọc cho công ty để nhận hàng về may. Sau thời gian may, lượng lao động đến xin làm tăng hơn nên gia đình đầu tư thêm 5 máy nữa. “Cần cù, chịu khó, chắt chiu theo kiểu góp gió thành bão nên dần dần gia đình mới đầu tư, nâng cấp được 20 đầu máy may công nghiệp điện tử và xây lại căn nhà tiền chế để có chỗ cho 12 công nhân trong tổ ngồi may”.
Hiện nay, các đơn hàng chị Oanh nhận được cho cơ sở may của mình luôn ổn định và chủ yếu may gia công cho những cơ sở quen biết tại TP Hồ Chí Minh. Với sản phẩm gia công như áo khoác, quần tây, áo sơ mi, đồng phục học sinh, đồ bảo hộ lao động, đồ bộ, áo thun, đồ kiểu, khẩu trang… nhờ sản xuất theo dây chuyền, mỗi chị tổ viên phụ trách một công đoạn để cùng tạo ra sản phẩm nên trung bình mỗi tháng THT may gia công của chị Oanh đạt từ 7.000-10.000 sản phẩm. Thu nhập trung bình cho mỗi công nhân khoảng 6 triệu đồng, lợi nhuận năm 2019 của gia đình chị Oanh đạt 200 triệu đồng.
Chị Oanh chia sẻ, khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là nguồn vốn đầu tư máy móc, đặt cọc cho công ty để nhận thêm hàng. Sau 4 năm đi vào hoạt động, nhiều chị em đã biết đến THT và mong muốn tìm việc làm tại địa phương mà không phải đi làm xa. Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển hàng, các vật tư phục vụ cho nghề may dao động khoảng 40 triệu đồng/tháng, chưa kể lương của nhân viên. Ngoài ra, các đơn hàng sau khi hoàn thành chưa được thanh toán cũng gây khó khăn trong việc chậm trả lương nhân viên và nhận các đơn hàng kế tiếp.
Tiên phong phát triển mô hình may gia công, chị Oanh không chỉ cải thiện thu nhập, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của gia đình mà đồng thời giải quyết được việc làm ổn định với mức thu nhập khá cho lao động địa phương. Vừa qua, chị là một trong những điển hình tiêu biểu trong khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh do Hội LHPN tỉnh và Tỉnh đoàn tổ chức.
Những câu chuyện khởi nghiệp thành công từ THT Thủ công mỹ nghệ, THT May gia công sẽ tiếp tục truyền cảm hứng để phong trào phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh có sức lan toả sâu rộng, góp phần khẳng định vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội./.
Thanh Phương