(CMO) Hiện nay, nhu cầu nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp rất lớn. Tỉnh cũng đã ban hành nhiều văn bản, chủ trương đầu tư phát triển nhà ở xã hội, tuy nhiên, việc thực hiện chính sách nhà ở cho người thu nhập thấp vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.
Cung không theo kịp cầu
Nhà ở xã hội ở Cà Mau được xây dựng với 3 hình thức: do Nhà nước đầu tư cho một số nhóm đối tượng khó khăn về nhà ở thuê, thuê mua (gọi tắt là nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước); Nhà ở xã hội do các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng để bán, cho thuê, thuê mua cho các đối tượng khó khăn về nhà ở theo giá do UBND cấp tỉnh thẩm định (gọi tắt là nhà ở xã hội do doanh nghiệp đầu tư); Nhà ở xã hội do hộ gia đình, cá nhân bỏ vốn đầu tư trên diện tích đất ở hợp pháp của mình để bán, cho thuê, cho thuê mua theo khung giá do UBND cấp tỉnh quy định.
![]() |
Khu nhà ở xã hội Phường 9, TP Cà Mau dành cho những người có thu nhập thấp. Ảnh: TRẦM NGHĨ |
Đến nay, có 56 căn nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư đã hoàn thành và bố trí sử dụng. Diện tích sàn/căn từ 47,69-69,29 m2 bố trí cho các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức thuê. Giá thuê từ 1.125.500-1.635.200 đồng/căn/tháng; không thay đổi trong thời hạn 5 năm (tính từ năm 2013).
Riêng nhà ở xã hội do các doanh nghiệp đầu tư, theo quy định pháp luật về nhà ở, chủ đầu tư các dự án khu đô thị mới, dự án phát triển nhà ở có quy mô sử dụng đất từ 10 ha trở lên, phải quy hoạch để dành 20% quỹ đất ở kinh doanh của dự án mình để đầu tư nhà ở xã hội. Trường hợp các chủ đầu tư này không đầu tư nhà ở xã hội thì phải giao quỹ đất (20% đất ở dự án) cho Nhà nước để Nhà nước đầu tư hoặc giao nhà đầu tư khác đầu tư.
Đối với các dự án phát triển nhà ở có quy mô sử dụng đất dưới 10 ha, chủ đầu tư có thể chọn hình thức nộp tiền để thay thế trách nhiệm thực hiện đầu tư nhà ở xã hội tại dự án mình. Ngoài ra, pháp luật về nhà ở cũng quy định việc chọn chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội độc lập (không thuộc 20% quỹ đất ở của các khu đô thị mới, khu dân cư.
Trên cơ sở này, tính đến ngày 1/12/2016, trên địa bàn tỉnh có tất cả 9 dự án nhà ở xã hội được xác định chủ đầu tư. Tuy nhiên, tất cả các dự án này đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chưa có dự án nào triển khai thi công xây dựng.
Theo định hướng phát triển, Cà Mau có các khu công nghiệp gồm: Khu Công nghiệp Khánh An, Cụm Công nghiệp Khí - Điện - Đạm, Khu Công nghiệp Hoà Trung và Khu Công nghiệp Sông Đốc. Ngoài Cụm Công nghiệp Khí - Điện - Đạm đã hình thành, đi vào hoạt động, phần lớn diện tích các khu công nghiệp còn lại mới trong giai đoạn chuẩn bị giải phóng mặt bằng, chỉ có phần nhỏ diện tích được khai thác sử dụng (do một số cơ sở sản xuất đã hình thành trước khi có quy hoạch khu công nghiệp như Khu Công nghiệp Hoà Trung, Sông Đốc). Theo quy hoạch có bố trí quỹ đất khu nhà ở công nhân khu công nghiệp nhưng chưa có dự án nào triển khai đầu tư xây dựng.
Theo Báo cáo số 434/BQL-QH ngày 6/6/2016 của Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Cà Mau, dự báo đến năm 2020 có khoảng 5.500 công nhân cần chỗ ở.
Trong khi đó, đến nay, trên địa bàn tỉnh chỉ có 1 dự án nhà ở công nhân Cụm Công nghiệp Khí - Điện - Đạm do Tập đoàn Dầu khí làm chủ đầu tư, đã đưa vào sử dụng với 687 căn hộ chung cư, tổng diện tích sàn 48.000 m2, bố trí cho 700 công nhân sử dụng và 2 dự án nhà ở công nhân do các doanh nghiệp sản xuất làm chủ đầu tư để bố trí cho công nhân của doanh nghiệp mình ở theo hình thức không thu tiền thuê nhà đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.
Khó tiếp cận vốn vay
Thời gian qua, Nhà nước ban hành nhiều chính sách, pháp luật để phát triển nhà ở xã hội nói chung và nhà ở cho công nhân khu công nghiệp nói riêng. Thực hiện chủ trương của Nhà nước, UBND tỉnh Cà Mau đã tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn. Tuy nhiên, việc phát triển nhà ở xã hội tại Cà Mau hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, dẫn đến số lượng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn hiện có rất ít, chưa đáp ứng mục tiêu tạo điều kiện về nhà ở cho người thu nhập thấp.
Theo đánh giá của Sở Xây dựng, về cơ bản, việc phát triển nhà ở xã hội được thực hiện chủ yếu thông qua việc xã hội hoá (giao cho các thành phần kinh tế bỏ vốn đầu tư) vì ngân sách Nhà nước hạn chế, khó có thể huy động đầu tư nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu các đối tượng có thu nhập thấp. Tuy nhiên, tại Cà Mau, các điều kiện về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh còn chưa thuận lợi, vì vậy rất khó thu hút các doanh nghiệp lớn có đủ năng lực tài chính, năng lực kinh nghiệm đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại để trên cơ sở đó buộc họ phải thực hiện trách nhiệm đầu tư nhà ở xã hội theo quy định. Trước đây, có trường hợp doanh nghiệp ngoài tỉnh được giao chủ đầu tư, nhưng họ tự nguyện trả dự án hoặc bị thu hồi.
Hiện nay, các chủ đầu tư dự án khu đô thị mới, khu nhà ở, nhà ở xã hội đều là doanh nghiệp tại địa phương nên năng lực tài chính và năng lực kinh nghiệm chưa đủ mạnh, việc thu hút vốn vay khó khăn. Theo số liệu quản lý, tính đến ngày 1/12/2016, trên địa bàn tỉnh không có doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có thể tiếp cận và giải ngân được nguồn vốn cho vay ưu đãi của Chính phủ (gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng). Vì vậy, việc triển khai thực hiện dự án chưa đạt kết quả như mong muốn. Một số dự án khu đô thị mới, khu nhà ở (cho chủ trương chủ đầu tư từ năm 2000-2007), chủ đầu tư chưa hoàn thành trách nhiệm đầu tư hạ tầng kỹ thuật, vì vậy, khó có thể hoàn thành theo quy định./.
Đặng Duẩn