Một gia đình với 3 con người chỉ có 1 đôi chân lành lặn, nhưng đó lại là đôi chân của đứa bé chưa tròn 6 tuổi đời. Mọi việc từ cái ăn, cái mặc đến học hành, trị bệnh đều đặt lên đôi vai của người chủ gia đình mà chuyện đi đứng bình thường như mọi người “chỉ là mơ ước".
Một gia đình với 3 con người chỉ có 1 đôi chân lành lặn, nhưng đó lại là đôi chân của đứa bé chưa tròn 6 tuổi đời. Mọi việc từ cái ăn, cái mặc đến học hành, trị bệnh đều đặt lên đôi vai của người chủ gia đình mà chuyện đi đứng bình thường như mọi người “chỉ là mơ ước".
Hai mảnh ghép nghiệt ngã
Sinh ra anh Nguyễn Thanh Sơn cũng lành lặn, khoẻ mạnh như bao đứa trẻ khác, nhưng đến tháng thứ 13 thì cơn sốt bại liệt quái ác đã biến anh trở thành người tàn phế, 45 năm qua đôi tay anh đã kiêm luôn nhiệm vụ của đôi chân. Anh Sơn kể, hồi nhỏ, nhờ nhà gần trường nên anh được cha, mẹ cõng đi học, tan học thì thầy cõng về. Cứ thế, anh theo học đến hết lớp 6 thì cha mẹ ly thân, mẹ đi làm ăn xa, anh về ở với ông bà ngoại đã già yếu nên mọi sinh hoạt anh đều phải tự lực. Ngoại mất, anh Sơn phải tự lo cho cuộc sống vì anh chị em ai cũng nghèo.
Gia đình anh Sơn trong căn nhà tình thương. |
Bản thân khi di chuyển phải bò lê trên mặt đất, không nghề nghiệp lại không có đất đai, vốn liếng, may nhờ có anh Nguyễn Trúc Lăng, người hàng xóm, thương tình kêu về ở giữ nhà, nên anh Sơn không lo cái ăn, cái mặc. Anh Sơn mượn tiền làm vốn mua lú đặt dưới sông, mỗi ngày kiếm 5.000-10.000 đồng để tiêu vặt. Thương anh Sơn tật nguyền lại sống cô đơn, đến năm 2007, nhờ người quen mai mối, cậu Năm của anh đứng ra cưới vợ cho anh. Vợ của anh Sơn, chị Lâm Thị Son, sinh năm 1977, cũng có hoàn cảnh tương tự anh. Lúc sinh ra, chị lành lặn, khoẻ mạnh, cho đến năm 8 tuổi bị nổi 1 mục ở trên mông, được cha mẹ đưa đi chạy chữa khắp nơi. Kết quả, 15 công đất của gia đình cũng theo cái bệnh của chị ra đi, nhưng bệnh tình không thuyên giảm, đôi chân của chị ngày càng teo tóp, chị không còn đi lại được nữa..
Đồng vợ đồng chồng nhưng...
Nghèo, tật nguyền, nhưng vợ chồng anh Sơn, chị Son rất chí thú làm ăn, cố gắng lo cho con gái. Năm 2013, được Quỹ từ thiện Catherine Trần (Canada) hỗ trợ 25 triệu đồng, anh chị em, cha mẹ cho thêm, cộng với số tiền dành dụm rồi vay thêm tiền hộ nghèo nên vợ chồng anh đã cất được căn nhà trị giá 35 triệu đồng. Nhờ các nhà hảo tâm cho cây nước, mẹ, chị em mỗi người cho một ít, vợ chồng vay tiền kéo điện nên việc sinh hoạt của gia đình anh Sơn cũng khá đầy đủ. Cứ tưởng vợ chồng đồng lòng cố gắng dành dụm cuộc sống sẽ tốt dần lên, thế nhưng, đồng vợ đồng chồng cũng chưa đủ...
Vợ chồng anh kể, vợ chồng vay được 2 triệu đồng từ nguồn vốn chất độc da cam mua xuồng, mua lú đặt dưới sông để kiếm sống. Ðặt lú tôm tép không có bao nhiêu lại thường xuyên bị dỡ trộm. Vợ chồng chị thấy kẻ trộm đang cuốn lú của mình nhưng đành bất lực, vì khi bò tới xuồng chưa kịp bơi ra khỏi bến thì tên trộm đã cuốn hết lú bỏ đi. Lúc cùng đường cũng nhờ anh Trúc Lăng gợi ý, rồi cho mượn 2 triệu đồng làm vốn và đi lấy vé số dùm mấy lần đầu, từ tháng 6/2013 vợ chồng anh chuyển sang nghề bán vé số cho đến nay.
Anh chị kể, bán vé số mỗi ngày cũng kiếm được khoảng 150.000 đồng sau khi trừ chi phí, cuộc sống cũng ổn. Nhưng nghề này cũng lắm nhiêu khê, sơ suất một chút thì bị giật vé số, bị đổi vé số giả. Chị Son đã 1 lần bị giật 2 xấp vé số, có ngày bị mất đến 300.000 đồng vì bị đổi vé giả. Còn anh Sơn cũng không khá hơn, có lần được người đi đường giúp đẩy xe lên dốc cầu, khi qua dốc, người đẩy buông tay, trớn xe mạnh, anh Sơn yếu nên không kiềm nổi, xe bị lật, anh bị bể đầu; cũng đã nhiều lần anh Sơn bị giật vé số và xô ngã trên cầu Lương Thế Trân, bị xe đụng, xô ngã trên đường… Cuộc mưu sinh đầy gian khổ như vậy, nhưng anh Sơn, chị Son quyết theo nghề bán vé số với hy vọng sẽ ổn định được cuộc sống và nuôi con.
Thế nhưng, mong muốn bình thường ấy cũng khó thực hiện, mấy tháng nay, bệnh cũ của chị Son lại tái phát, cái mục trên mông hành hạ đau nhức suốt, đi khám ở Cà Mau, bác sĩ bảo là mục “độc”, không thể mổ. Khi bị nhức quá, chị chỉ biết mua thuốc uống cho qua cơn, có sổ bảo hiểm hộ cận nghèo nhưng do không có người giúp nên không thể đi khám và nằm viện điều trị được. Ngoài bị cái mục “độc” hành hạ, chị Son còn bị viêm xoang và bệnh trĩ khá nặng, do vậy nên hiện nay chị không còn đi bán vé số được nữa mà chỉ quanh quẩn ở nhà lo cơm nước, tranh thủ giăng lưới, đặt lú kiếm cá, tôm ăn. Chỉ còn một mình anh Sơn đi bán, cuộc sống lại vất vả hơn.
Ðể có tiền lo cuộc sống, trị bệnh cho vợ, lo cho con gái Trâm Anh nên dù 1 tay bị tê, lắc xe một hồi phải nghỉ để tự xoa bóp nhưng ngày ngày anh Sơn vẫn cố gắng rong ruổi trên đường với xấp vé số trên tay. Nỗi lo lớn nhất của người cha tật nguyền này là nhập học tới đây con gái đã vào lớp 1, tiền trường, tiền sổ sách, rồi việc đưa đón con đi học gần như nan giải với vợ chồng anh.
Ổn định cuộc sống, lo cho con ăn học đó là chuyện hết sức bình thường của mọi gia đình, thế nhưng với anh Sơn, chị Son là nỗ lực phi thường, nhưng chưa hẳn đã thực hiện được nếu không có sự trợ giúp từ xã hội. Bởi thế, dù đồng vợ, đồng chồng nhưng xem ra đôi vợ chồng tật nguyền này lại khó “tát cạn biển Ðông”./.
Mọi sự giúp đỡ xin liên hệ: Tổ Từ thiện - Xã hội Báo Cà Mau. ĐT: 0780.3831066, DĐ: 0913616598, gặp anh Thanh Quang. Tài khoản Quỹ từ thiện Báo Cà Mau: - Tên đơn vị: Báo Cà Mau - Số tài khoản: 10201-000205255-9 - Mở tại: Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Cà Mau. |
Bài và ảnh: Huyền Linh