Không phải không có lý khi nhiều người từng nói rằng: “Khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Cà Mau là vị cứu tinh cho nhiều trường hợp bệnh nhân buộc phải mổ cấp cứu”.
Không phải không có lý khi nhiều người từng nói rằng: “Khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Cà Mau là vị cứu tinh cho nhiều trường hợp bệnh nhân buộc phải mổ cấp cứu”.
Thật vậy, có tận mắt chứng kiến sự lao động hết mình của lực lượng y, bác sĩ nơi đây trong từng ca, kíp mổ mới cảm nhận được hết y đức của người thầy thuốc luôn tận tuỵ với nghề, hết lòng vì người bệnh như thế nào. Cả khoa hiện chỉ có 10 y, bác sĩ, nhưng phải thay ca nhau trực 24/24. Hầu hết họ đều là những điều dưỡng, bác sĩ trẻ vừa mới ra trường, nhưng sự nhiệt huyết với nghề đã được lan toả từ những thế hệ đi trước truyền thụ lại kiến thức, đạo đức và kinh nghiệm để đội ngũ kế thừa không ngừng trưởng thành trong từng ca, kíp mổ.
Bác sĩ Huỳnh Trường Sơn, Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Cà Mau, thăm khám bệnh nhân bị thủng ruột hoại tử, phải điều trị tích cực và kéo dài. |
Theo số liệu thống kê, bình quân mỗi tháng Khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Cà Mau phải tiếp nhận và xử lý (mổ) trên 200 trường hợp, mỗi quý có khoảng 1.300 người xuất viện trong tình trạng khoẻ mạnh, đều có thể hoà nhập với cộng đồng, mà trong đó có tới hơn 1/2 là những trường hợp bị chấn thương nặng do tai nạn giao thông, tai nạn lao động hoặc do các tác động ngoại lực khác… làm cho bệnh nhân bị suy tim, tràn dịch phổi, vỡ lách… buộc phải mổ khẩn cấp. Nhiều trường hợp mạng sống của người bệnh chỉ được tính bằng giây, nếu không được mổ cấp cứu kịp thời.
Chỉ tính riêng từ đầu năm 2016 đến nay, các bác sĩ kíp trực mổ cấp cứu của khoa đã kịp thời cứu sống 4 trường hợp thoát khỏi bàn tay tử thần chỉ trong gang tấc. Ðiển hình như trường hợp của anh Nguyễn Thanh Bảo, 24 tuổi, ở ấp Công Nghiệp B, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, bị vật sắt nhọn đâm vào vùng ngực, thủng tâm thất trái. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khó thở, mạch và huyết áp giảm nhanh, phổi trái có hội chứng đông đặc… Toàn bộ kíp trực ngoại tổng hợp tổ chức hội chẩn nhanh và tiến hành mở khoảng liên sườn, sau đó khâu cơ tim, lấy máu cục, rửa sạch buồng tim…
Tương tự trường hợp của anh Bảo là anh Trần Trường Giang, 30 tuổi, ở Ấp 8, xã An Xuyên, TP Cà Mau, bị dao đâm thấu tim, thủng tâm nhỉ phải; bệnh nhân Huỳnh Văn Về, 21 tuổi, ở xã Tạ An Khương, huyện Ðầm Dơi; hay Ðinh Văn Khanh, 25 tuổi, ở ấp Vườn Tre, xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời...
Tất cả các trường hợp nêu trên đều bị vật nhọn đâm thủng tim. Ðây là những ca mổ khó, rất dễ xảy ra tai biến, nhưng bằng thực tiễn kinh nghiệm và với tay nghề chuyên môn được đào tạo tốt, đội ngũ y, bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Cà Mau đã làm nên điều kỳ diệu, mà chính những người trong cuộc thậm chí còn không thể tin nổi đó là sự thật. Thực tế ở một số bệnh viện cùng cấp, các trường hợp tương tự hầu như không thể qua khỏi. Thành tích của các y, bác sĩ, điều dưỡng ca trực và kíp mổ cấp cứu đối với những trường hợp nêu trên đã được Giám đốc Bệnh viện tỉnh Cà Mau biểu dương, khen thưởng kịp thời.
Chúng tôi tìm đến nơi ở của Nguyễn Thanh Bảo tại ấp Công Nghiệp B, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời. Bảo hiện đã hoàn toàn bình phục và có thể lao động phụ giúp gia đình. Anh nói: “Thật tình tôi không dám nghĩ mình có thể sống được đến ngày hôm nay nếu không có sự tận tình cứu chữa của các y, bác sĩ Bệnh viện Cà Mau”.
Cùng chia sẻ tâm trạng này là trường hợp của anh Trần Trường Giang, ở Ấp 8, xã An Xuyên, TP Cà Mau. Anh Giang cho rằng: “Nếu tay nghề của các y, bác sĩ ở Khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Cà Mau không đủ giỏi thì bây giờ có khi anh vào đây chỉ gặp tôi trên bàn thờ thôi. Khi bị đâm, máu ra rất nhiều, khó thở, tôi nghĩ là mình sẽ chết”.
Bác sĩ Huỳnh Trường Sơn, Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp, là người đã có gần 40 năm gắn bó với nghề. Ông thường xuyên chứng kiến biết bao trường hợp thập tử nhất sinh, không ít trường hợp người nhà thật sự không còn hy vọng vào khả năng cứu chữa của chuyên môn nữa, chỉ biết trông chờ vào sự may rủi. Thế nhưng, sự thần kỳ không phải đến từ phép màu, mà nó xuất phát từ cái tâm của người thầy thuốc.
Ông tâm sự: “Chứng kiến người nhà lo lắng cho tính mạng người thân, nhiều trường hợp họ không kìm nén được xúc động, thậm chí còn to tiếng với bác sĩ. Nhưng tôi hiểu đó là lẽ thường tình, nên tôi luôn quán triệt với cấp dưới của mình phải thật sự hết lòng vì bệnh nhân, cho dù họ là ai”. Và ông hóm hỉnh nói vui: “Thần chết rất nhiều lần đã phải chào thua trước tay nghề của chúng tôi đó, nghe cậu!”.
Dù thực tế hiện nay, mức thu nhập từ đồng lương của đội ngũ thầy thuốc nói chung vẫn chưa được cải thiện. Ðây đó vì mưu sinh nên vẫn có người chưa thật sự toàn tâm, toàn ý vì trách nhiệm của một lương y, nhưng đối với Khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Cà Mau, y đức của người thầy thuốc được đặt lên hàng đầu với phương châm “Niềm tin của người bệnh” chính là tiêu chí./.
Bài và ảnh: Phương Vũ